Doanh nhân Hà Đức Hùng, CEO Công ty cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường: Nhiều giọt nước tạo nên dòng sông

Một trong những bí quyết thành công của doanh nhân Hà Đức Hùng, CEO Công ty cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường là sự chia sẻ. Với ông, chia sẻ để gắn kết với nhau, để cùng nâng tầm doanh nghiệp, để góp sức cho những mục tiêu lớn.
Doanh nhân Hà Đức Hùng. Doanh nhân Hà Đức Hùng.

Đối diện với khủng hoảng

Khi đại dịch Covid-19 ập đến, hầu hết các doanh nghiệp trên cả nước đều điêu đứng, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng Công ty cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường của doanh nhân Hà Đức Hùng vẫn hoạt động bình thường, vẫn ký kết được nhiều hợp đồng mới.

Doanh nhân Hà Đức Hùng, chia sẻ, khi có thiên tai, đại dịch thường khiến doanh nghiệp phải chịu 3 cấp độ mất mát. Đầu tiên là mất mạng - doanh nghiệp không còn hoạt động; hai là giữ được mạng, nhưng mất hết tài sản; ba là giữ được mạng, nhưng mất một phần tài sản. “Công ty chúng tôi rất may mắn khi chỉ rơi vào cấp độ thứ 3”, ông Hùng nói.

Điều may mắn mà doanh nhân Hà Đức Hùng nói không phải đến một cách ngẫu nhiên, mà đó là kết quả của kế hoạch ứng phó với rủi ro kinh doanh từ trước và đến từ những bài học kinh nghiệm xương máu mà ông đã trải qua.

Doanh nhân Hà Đức Hùng, CEO Công ty cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường: Nhiều giọt nước tạo nên dòng sông ảnh 1

Trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, Công ty cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường vẫn nhận được nhiều hợp đồng mới. Trong ảnh: Nhà xưởng của Công ty.

Ông Hùng kể, từ lúc thành lập, Công ty đã 3 lần trải qua khủng hoảng lớn.

Lần đầu tiên là khi ông tiếp quản xưởng cơ khí từ cha mình. Khi đó, Công ty chủ yếu phục vụ hai khách hàng lớn và khi kết thúc dự án, hai khách hàng này không còn đặt đơn hàng nữa, Công ty rơi vào khủng hoảng, không có đủ việc làm cho công nhân.

Lần thứ hai, khi Công ty vừa đầu tư xưởng sản xuất ở địa điểm mới, thì khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 xảy ra, Công ty mất hơn 70% đơn hàng và phải cầm cố vay ngân hàng để duy trì sản xuất và cho công nhân chế tạo các máy móc chuẩn bị cho thời kỳ phát triển.

Khủng hoảng lần thứ ba xảy đến với Hà Giang Phước Tường vào năm 2014, khi thị trường xây dựng đình trệ, nên Công ty cũng không có nhiều đơn hàng và gặp nhiều khó khăn.

“Những cuộc khủng hoảng đó đã cho tôi rất nhiều bài học. Bài học đầu tiên là không để quá phụ thuộc vào khách hàng và một ngành nào. Để phân tán rủi ro, Công ty phải đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng và phục vụ được nhiều ngành công nghiệp, như kết cấu thép xây dựng nhà xưởng, thủy điện, nhà máy thép, nhà máy công nghiệp... Sau này, có khách hàng đặt vấn đề sản xuất riêng cho họ, nhưng tôi từ chối, bởi nếu họ hắt hơi, sổ mũi là mình điêu đứng. Bên cạnh đó, phải luôn lường trước rủi ro, bởi trong kinh doanh, rủi ro là việc mà doanh nhân phải luôn đối diện. Xác định được tâm thế như vậy, thì sẽ không quá sốc khi những khủng hoảng như Covid-19 xảy ra, bởi lúc đó, mình đã có kế hoạch ứng phó. Hằng năm, Công ty luôn xây dựng các kịch bản phát triển khác nhau, kể cả những kịch bản xấu nhất, nên đã không quá bất ngờ khi Covid-19 xảy ra”, doanh nhân Hà Đức Hùng chia sẻ.

Những người làm trong ngành cơ khí ở Đà Nẵng và miền Trung chẳng xa lạ gì với doanh nhân Hà Đức Hùng, bởi từ con số không, ông đã xây dựng một thương hiệu cơ khí hàng đầu ở khu vực miền Trung. Có giai đoạn, ngành cơ khí Đà Nẵng biến động lớn, hàng loạt chủ xưởng cơ khí bỏ nghề để chuyển sang đầu tư vào những lĩnh vực khác, nhưng riêng Hà Đức Hùng vẫn gắn bó với nghề, bởi ông có tình yêu lớn với nghề này.

Ông tâm sự, khi vừa tốt nghiệp đại học thì cha ông nhập viện vì bạo bệnh. Vậy nên, thay vì theo đuổi ngành hàng hải yêu thích, Hà Đức Hùng rẽ vào kinh doanh, thay cha trông coi xưởng cơ khí của gia đình. Từ một xưởng cơ khí có quy mô nhỏ, chỉ có 5 - 7 công nhân, ông đã quyết tâm phát triển thương hiệu mà cha mình sáng lập để trở thành một nhà thầu cơ khí uy tín và chuyên nghiệp. Mất nhiều thời gian, trải qua bao thăng trầm, doanh nhân Hà Đức Hùng đã đưa Hà Giang Phước Tường trở thành thương hiệu cơ khí hàng đầu ở miền Trung.

“Trong bất kỳ lĩnh vực nào, nếu làm việc không uy tín thì sẽ không thể tồn tại lâu dài được. Vì vậy, tôi luôn đặt uy tín của Công ty lên trên hết. Điều đó tạo nên thành công cho Công ty như ngày hôm nay”, ông Hùng chia sẻ.

Chia sẻ thành công

Trong văn phòng làm việc của doanh nhân Hà Đức Hùng trưng bày một chiếc xe đạp cũ và chiếc máy tuốt lúa. Ông Hùng kể, đó là kỷ vật về người cha của ông. Lúc trước, vì cuộc sống của một nhà giáo rất khó khăn, nên cha ông phải vừa dạy học, vừa sửa chữa đồ cơ khí cho người dân quanh thành phố để kiếm thêm tiền nuôi con. Ông còn chế tạo máy tuốt lúa, sau đó cho nông dân mượn để nhận lại lúa gạo. Tận tâm với nghề, nên sản phẩm của ông được người dùng rất thích. Sau đó, ông mở một xưởng cơ khí nhỏ và khởi nghiệp từ khi đó.

“Cha tôi có tình yêu mãnh liệt với nghề cơ khí và triết lý sống mạnh mẽ. Ông xây dựng triết lý “mọi hoạt động của công ty phải làm theo lẽ phải, thuận theo tự nhiên”. Và hôm nay, tôi tiếp tục kế thừa tình yêu nghề và triết lý kinh doanh của cha mình”, doanh nhân Hà Đức Hùng tâm sự.

Doanh nhân Hà Đức Hùng chọn riêng cho mình một công thức cho cuộc sống. Theo ông, kết quả cuộc đời sẽ là nhân cách nhân với năng lực, nhân với lòng nhiệt huyết. Nếu năng lực và lòng nhiệt huyết có cao bao nhiêu, nhưng nhân cách thấp hoặc bằng không, thì cuộc đời sẽ chẳng bao giờ viên mãn. Thế nên, trong kinh doanh, ông không có khái niệm đối thủ, mà là đồng nghiệp, cùng chia sẻ công việc với nhau, đồng thời, dù khó khăn cũng phải lo cho cuộc sống của nhân viên và chia sẻ với cộng đồng.

Tinh thần chia sẻ cũng được doanh nhân Hà Đức Hùng làm rất tốt khi ông đảm nhận chức Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng. Khi đại dịch Covid-19 gây rất nhiều khó khăn cho người dân nghèo địa phương, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đã quyết định thực hiện chương trình ATM gạo. Bốn cây ATM gạo được lắp đặt ở 3 địa phương khác nhau, đã hỗ trợ hơn 250 tấn gạo cho người nghèo. Ít người biết, ông Hùng và những doanh nhân khác trong Hội đã nấu cơm và ăn thử, để đảm bảo bà con khó khăn sẽ có bữa cơm chất lượng. Và thời gian qua, các thành viên của Hội phải túc trực, vận hành những cây ATM gạo…

“Trong thời điểm đa số doanh nhân trẻ khó khăn, nhưng điều rất bất ngờ là, Hội đã kêu gọi các thành viên đóng góp được hơn 3 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch, lớn hơn rất nhiều so với những sự kiện từ thiện các năm trước. Chia sẻ để gắn kết với nhau, để cùng nâng tầm doanh nghiệp, để góp sức cho những mục tiêu lớn hơn. Giống như câu chuyện của những giọt nước, cùng nhau chúng ta sẽ tạo nên một dòng sông”, doanh nhân Hà Đức Hùng chia sẻ.

Hoàng Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục