Doanh nhân Đỗ Chí Lệ: Tâm huyết với công trình xã hội dân sinh

Ngoặt một cái sang làm doanh nghiệp, 15 năm dấn thân vào thương trường, ở mỗi công trình của mình, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thành Đạt (Công ty Thành Đạt) Đỗ Chí Lệ   đều hướng tới những người dân quê.    
Doanh nhân Đỗ Chí Lệ: Tâm huyết với công trình xã hội dân sinh

“Mầm” kinh doanh ấp ủ  từ tấm bé

Ông Lệ luôn tự hào được sinh ra ở một vùng quê có truyền thống yêu nước. Xã Quỳnh Sơn (huyện Quỳnh Phụ) quê hương ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời chống Pháp. Ông cũng  tự hào về gia đình mình, các anh trai đều tham gia quân đội và các anh chị em đều là đảng viên.

Khi được hỏi về tuổi thơ học hành, ông Lệ cười vui và nhận ngay: “Hồi đi học, mình có biệt danh là “nghịch như quỷ sứ”. Mải nghịch, ham chơi đi liền với lười học, nên việc học luôn ở nhóm “đội sổ”. Bù lại, tôi được tiếng là chăm làm. Ngay những ngày học cấp 2, bây giờ gọi là cấp THCS, tôi đã sáng đi học, chiều vẫn đi làm đồng lấy điểm hợp tác xã giúp bố mẹ”.

 Dường như, cái duyên kinh doanh, buôn bán đã “ủ” sẵn trong con người ông. Công việc ông Lệ thích thú nhất từ thuở bé là được theo cha đi buôn tre, buôn chè, buôn nhãn. Đạp xe, lên đò qua sông Luộc, sang Hưng Yên mua nhãn lồng về bán, ông khoái nhất là lúc trèo lên vặt nhãn, vừa vặt vừa ăn. Cảm tưởng những trái nhãn lồng còn ngọt lịm đến bây giờ.

Thời trẻ, ông Đỗ Chí Lệ còn luôn ước mong được khoác lên mình màu xanh áo lính. Ông tình nguyện xin đi nhưng không được, vì gia đình đã có 2 người trong quân ngũ. Năm 1978, ông tiếp tục tình nguyện xin lên đường bảo vệ biên giới phía Bắc, nhưng ước muốn vẫn không thành. Rồi ông  dự tuyển vào lực lượng công an nhân dân và trở thành lính của trung đoàn cảnh sát cơ động, sẵn sàng chi viện cho biên giới.

20 năm trong ngành công an, vừa công tác, vừa học tập nâng cao trình độ, ở bất kỳ cương vị nào, một cảnh sát bảo vệ, cảnh sát hình sự hay làm công tác hậu cần, ông Lệ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhưng hình như, cái duyên với công việc buôn bán, kinh doanh vẫn âm ỉ trong ông, chỉ chờ ngày cháy lên. Năm 1998, đang làm công tác hậu cần - một công việc không vất vả đêm ngày như cảnh sát bảo vệ, cũng chẳng hiểm nguy như cảnh sát hình sự, nhiều người mơ chẳng được, nhưng ông vẫn cảm thấy không phù hợp với bản thân mà luôn đau đáu nghĩ tới việc tự mình làm kinh tế. 

Lối rẽ doanh nhân

Cũng không phải trăn trở, suy nghĩ nhiều, ông Lệ quyết định xin chuyển ngành để thực hiện ý định thử thách trong kinh doanh. Đầu tiên, ông về Phòng Kế hoạch, Công ty Dệt nhuộm Thái Bình (thuộc Sở Công nghiệp Thái Bình). Hai năm làm việc ở đây, ông vẫn cảm thấy công việc gò bó trong khuôn khổ, không phát huy được sở thích kinh doanh, buôn bán tự do của ông.

Việc gì đến thì cũng sẽ đến, cuối năm 2000, ông đặt vấn đề xin nghỉ chờ hưu. Được tin, bạn bè khuyên can ông: “Người ta còn khai rút tuổi để ở lại công tác chẳng được, ông thì đùng đùng bỏ nhà nước…”. Ông chỉ cười, nhưng trong lòng cồn cào suy tính để thực hiện những dự định của mình. Quả vậy, sẵn máu làm ăn, ông lao vào con đường kinh doanh tự do, với mặt hàng chủ lực là ô tô.

 Sau gần 2 năm vật lộn trên thương trường, ông Lệ nhận thấy cần phải có một chỗ dựa, nền móng vững chắc thì mới có thể mở rộng và phát triển bền vững. Tháng 12/2002 trở thành một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời ông: Công ty Thành Đạt trình làng. Ông Lệ thú thật: “Lúc ấy, bạn bè, người thân mới chỉ có một phần tin tưởng vào quyết định chuyển ngành, nghỉ việc nhà nước trước đó của tôi, bởi tôi chưa một ngày học quản lý kinh tế hay thương mại, hoàn toàn là trái ngành, trái nghề”.

Quả thực, đó cũng là một  khó khăn với công ty non trẻ, với một người đứng đầu doanh nghiệp như ông. Đó là chưa kể khó khăn về vốn, khi ban đầu ông chỉ có vài trăm triệu đồng, văn phòng công ty cũng phải đi thuê.

Nhìn thẳng vào thực lực, ông Lệ vẫn chọn con đường buôn bán và lấn thêm vào lĩnh vực môi giới xuất khẩu lao động nước ngoài. Hai hoạt động này vừa tạo thu nhập ngay, vừa giúp ông mở rộng mối quan hệ, bổ sung kiến thức quản trị, kinh doanh, tìm hiểu các lĩnh vực kinh tế khác, trong đó có hoạt động đầu tư.

Bước đột phá trong nghiệp  kinh doanh

Sau thời gian tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm, ông Lệ quyết định chọn “đột phá khẩu” là đầu tư một chợ hải sản tại TP. Thái Bình. “Nhà tôi ở gần chợ này, hàng ngày mục kích sự sầm uất đi liền với hình ảnh lều quán tạm bợ, lầy lội, mất vệ sinh, tôi không khỏi suy nghĩ. Hơn nữa, giai đoạn này, Nhà nước cũng có chủ trương cho tư nhân vào đầu tư chợ, nên tôi quyết định tham gia”, ông nói.

Lúc đầu, ông Lệ cùng cộng sự chưa nắm hết việc, nên từ xây dựng dự án, đến quản lý điều hành gặp không ít khó khăn, nhưng rồi ông cũng thành công. Chợ hải sản Lê Hồng Phong đã trở thành chợ đầu tư theo hình thức BOT đầu tiên của tỉnh Thái Bình.

Chính từ thành công này, ông Lệ quyết định tập trung đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế xã hội. Năm 2006, ông Lệ xin đầu tư xây dựng các nhà xưởng sản xuất trên diện tích 27.000 m2 cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh không tiếp cận được việc thuê đất, hoặc các hộ sản xuất nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư nội thành thuê lại. Thực chất, đây là mô hình cụm công nghiệp thu nhỏ mà Công ty Thành Đạt làm với tư cách là nhà đầu tư hạ tầng, kiêm luôn xây dựng nhà xưởng.

Khi dự án đi vào thực hiện cũng là thời điểm nền kinh tế thế giới suy giảm, việc kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào khó khăn, lãi suất khoản vốn vay lại cao…, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình tài chính của Công ty. Mặc dù vậy, với quyết tâm cao, ông Lệ kiên trì tìm cách tháo gỡ.

Quyết tâm của ông dần được đền đáp. Đến năm 2009, đã có hàng chục doanh nghiệp vào thuê nhà xưởng và từ đó đến nay, các doanh nghiệp dần ổn định, phát triển, doanh thu mỗi năm đạt hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động. Đây chính là hiệu quả to lớn động viên ông cùng doanh nghiệp tiếp tục đầu tư.

Một công trình gắn với hiệu quả xã hội được Công ty Thành Đạt đầu tư tiếp theo là chợ Quỳnh Côi. Đây là một chợ truyền thống lâu đời, hạ tầng đã cũ kỹ và lạc hậu. Nhưng ông vẫn quyết định rót vốn đầu tư, vừa là theo tiếng gọi quê hương, vừa là mong muốn góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại ở một vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thái Bình. Sau hơn một năm xây dựng, Thành Đạt đã hoàn thành giai đoạn I của dự án, với 400 gian hàng hiện đại thuộc vào diện “đẹp nhất hàng tỉnh”  hiện nay.  

Những dự án vui từ mùa Xuân mới 2015

Ông Lệ phấn chấn cho biết, bước vào năm 2015, Thành Đạt sẽ khởi công cùng lúc 3 dự án, đều là những dự án thiết thực với cuộc sống người dân. Đó là Dự án cấp nước sạch nông thôn 5 xã của huyện Quỳnh Phụ với tổng vốn 54 tỷ đồng; Dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại phường Tiền Phong, TP. Thái Bình, với tổng vốn đầu tư 67 tỷ đồng; Dự án Chợ thực phẩm sạch phường Bồ Xuyên với tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng. Công ty Thành Đạt đặt mục tiêu, cả 3 dự án trên cùng dự án nhà máy xử lý rác sẽ hoàn thành trong năm 2015 và chậm nhất vào giữa năm 2016.

“Đó là những dự án thiết thực. Từ nay đến năm 2020 và xa hơn là năm 2025, Công ty Thành Đạt sẽ vẫn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, mà trọng tâm là sản xuất thực phẩm sạch, an toàn”, Giám đốc Đỗ Chí Lệ cho biết.

Lã Quý Hưng
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục