Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát: “Một nghề thì sống…”

(ĐTCK) Đề nghị nói ít về hoạt động chăn nuôi của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), song ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn lại say sưa nói về thép và khẳng định, đây luôn là lĩnh vực trọng tâm của Công ty. Tới đây, HPG sẽ tiếp tục đầu tư lớn vào ngành thép, không để tuột mất vị trí dẫn đầu thị trường.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG

6 tháng đầu năm 2016, nhiều DN ngành thép báo lãi lớn, HPG cũng đạt lợi nhuận cao kỷ lục. Ông nghĩ sao về ý kiến các DN ngành thép đã hưởng lợi ích lớn từ việc áp thuế tự vệ chính thức với phôi thép và thép dài nhập khẩu?

Tại bất kỳ lĩnh vực nào, chỉ có tối ưu hóa chi phí mới có thể mang lại lợi nhuận cao. Lợi nhuận của chúng tôi đến từ đầu tư chiều sâu, từ tối ưu hóa chi phí sản xuất. Chẳng hạn, chúng tôi tính toán được nhu cầu sử dụng quặng, dùng biện pháp kỹ thuật như mua hedging (bảo đảm) để có giá tốt.

Hiện tại, giá nguyên liệu trên thị trường là 55-56 USD/tấn, chúng tôi chỉ mua với giá 40 USD/tấn, trong khi đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định. Càng ngày HPG càng thành thạo, chuyên nghiệp hơn. Trong bối cảnh làm thực, bỏ công sức thực như vậy, chúng tôi chỉ mong muốn một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.

Có nhiều doanh nghiệp phản đối việc áp thuế tự vệ chính thức. Tuy nhiên, đây là động thái cho thấy, Nhà nước tôn trọng doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, các doanh nghiệp này xứng đáng hoạt động hiệu quả hơn so với các công ty “hớt váng”. Tác động tài chính từ việc áp thuế chính thức không nhiều, nhưng đây là chính sách rất giá trị, bởi nó như chiếc khiên chắn bảo vệ, là hàng rào tốt cho ngành thép Việt Nam.

Theo số liệu thống kê ban đầu, sau khi áp thuế tự vệ, lượng phôi và thép xây dựng của Trung Quốc nhập vào Việt Nam giảm. Giá bán thép hiện giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Giá thép tăng trong tháng 4 sau khi áp thuế tự vệ tạm thời, nhưng đã quay đầu giảm vào tháng 5, tháng 6. 

Thị trường thép đang trong trạng thái dư cung. Vậy mà mới đây, Hòa Phát đưa lò cao số 3 vào hoạt động, gia tăng công suất, ông có lo bị ế hàng không?

Sau nhiều khó khăn, Hòa Phát đã hoàn thành việc đầu tư lò cao số 3 và đưa lò đi vào hoạt động từ tháng 4/2016, sang năm sẽ chạy hết công suất với sản lượng trên 2 triệu tấn/năm. Hiện giờ, thách thức lớn nhất với chúng tôi là hoạt động tiêu thụ. Năm 2015, toàn thị trường tiêu thụ 6,7 - 7 triệu tấn thép, tăng 10%. Đến năm 2020, dung lượng thị trường sẽ vào khoảng 8,5 - 10 triệu tấn thép xây dựng.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát: “Một nghề thì sống…” ảnh 1

 Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Kinh Môn, Hải Dương

Tôi đã đặt mục tiêu cho đội bán hàng năm nay phải tiêu thụ được 1,6 triệu tấn. Thị phần tăng hay giảm cũng phải bán hết lượng đó. Tôi nghĩ năm 2017, mức tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn là thực tế và đã giao nhiệm vụ cho bộ phận bán hàng. Trong ngắn hạn 1-2 năm tới, chúng tôi cần làm tốt công tác thị trường để tiêu thụ hết lượng sản phẩm.

Nhắc đến thị phần, Hòa Phát đã dẫn đầu thị trường thép và vượt khá xa các đối thủ khác, các ông có tự tin về vị trí số 1 của mình?

Sau 6 tháng đầu năm, thị phần ngành thép của Hòa Phát đạt 20,5%, giảm so với mức 22,5% hồi đầu năm. HPG chú trọng thị trường xây dựng dân dụng, hệ thống đại lý đều tập trung bán hàng tại thị trường này. Ngoài ra, thị trường dự án, đặc biệt là các công trình lớn cũng rất chuộng thép HPG do sử dụng công nghệ lò cao (thép ít tạp chất).

Tôi đã quán triệt trong Tập đoàn, dù sao vẫn phải giữ được thị phần, có sản lượng bán hàng tốt; có doanh thu, lợi nhuận lâu dài. Nhưng có tài giỏi cỡ nào, doanh nghiệp cũng phải theo diễn biến chung của thị trường. Chẳng hạn, tháng 6 nhu cầu thép giảm 27%, mình cũng chịu ảnh hưởng.

Vụ việc của Formosa khiến nhiều người cảm thấy nghi ngại khi nhà máy thép được đặt ở khu vực cư dân sinh sống. Là Chủ tịch Hòa Phát, ông nhận xét gì về điều này?

Chưa bao giờ ngành thép có nhiều vấn đề như vậy sau vụ Formosa, đặc biệt là về vấn đề môi trường. Tuy nhiên, tôi tin rằng, với doanh nghiệp làm việc thực chất, càng làm, chúng tôi càng hoàn thiện hơn nữa quy trình, gây tác động tối thiểu tới môi trường. Khu liên hợp thép Hưng Yên của Hòa Phát qua 8 năm vẫn hoạt động tốt, rất nhịp nhàng.

Cũng may, bởi hồi đầu triển khai dự án, chúng tôi đi tham quan có rất nhiều công nghệ luyện than cốc. Có công nghệ tạo ra chất thải độc hại vì họ luyện cốc làm thép đồng thời còn bán được cả phụ phẩm của cốc, rất quý. Chúng tôi đã chọn công nghệ đốt hoàn toàn lấy khí phát điện. Ngày đó chưa nghĩ được hết cho môi trường, cứ lựa chọn công nghệ, giờ mới thấy may mắn. Có một điều chắc chắn là giờ doanh nghiệp xin làm thép sẽ khó vì bị chú ý rất lớn vấn đề môi trường.

Khó làm dự án mới, Công ty có tính chuyện M&A, chẳng hạn mua lại dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên?

Chúng tôi không thiết tha với M&A. Chẳng hạn, với Dự án Gang thép Thái Nguyên, cũng đã có gợi ý cho chúng tôi nghiên cứu xem xét cơ hội mua lại, nhưng chưa có tài liệu chính thức. Hơn nữa, theo chúng tôi, bản thân nhà máy này không còn nhiều lợi thế. Trước đây, nhà máy chủ động nguồn than cốc, nay đã hết và phải nhập khẩu nhiều, trong khi vị trí nhà máy lại xa cảng biển.

Các dự án mới Hòa Phát làm phải có quy mô trên 2 triệu tấn thép/năm, chúng tôi đang xem xét địa điểm tại Dung Quất, Bình Thuận, Bà Rịa -Vũng Tàu và một số nước trong khu vực.

Ngoài thép, các ông còn đầu tư mạnh cho tôn mạ màu. Trên thị trường đã có nhiều đại gia về lĩnh vực này, điển hình là Hoa Sen. Có phải Hòa Phát cũng chạy theo phong trào?

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, tôn mạ màu là dự án mới của Hòa Phát. Thực tế, dự án này chúng tôi đã nghiên cứu từ năm 1998, trước khi chúng tôi làm thép xây dựng. Hiện tại, khi đã làm thép tốt rồi, có kinh nghiệm, có tiềm lực, chúng tôi quay trở lại với dự án tôn mạ màu, bởi nhu cầu thị trường với sản phẩm này đang tăng rất nhanh.

Trước đây, Hòa Phát làm thép xây dựng, ống thép, hiện giờ là tôn mạ màu. Chúng tôi sẽ bám sát nhu cầu tiêu thụ của thị trường và sản phẩm tôn mạ màu sẽ song hành với ống thép bởi chúng tôi đã có hệ thống đại lý trên toàn quốc.

Như vậy đây không phải đầu tư theo phong trào. Giai đoạn một nhà máy tôn mạ màu có công suất 400 nghìn tấn/năm, đặt tại Hưng Yên. Hiện chúng tôi đã kết thúc đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài về việc cung cấp thiết bị. HPG sẽ bán tôn mạ màu tại nhóm sản phẩm giá cao, chất lượng tốt, phấn đấu thị phần ngang bằng thép, tối ưu hóa chi phí sản xuất để có giá thành tốt nhất. Công ty sẽ bán hàng trên toàn quốc, sau đó xuất khẩu.

Ngoài ra, chúng tôi có thể xây dựng nhà máy thứ hai tại Bà Rịa Vũng Tàu với quy mô 400 nghìn tấn/năm.

Ngoài tôn mạ màu, Hòa Phát còn lấn sân sang mảng chăn nuôi và thêm cả bất động sản. Với bất động sản, các ông có kế hoạch thâu tóm quỹ đất mới hay không?

Chúng tôi xác định sản xuất công nghiệp là chính, mũi nhọn của chúng tôi là sản xuất thép. Với bất động sản, chúng tôi đã quyết định không đầu tư lớn, chỉ làm hết quỹ đất cũ. Sau thời gian dài thực hiện thủ tục hành chính, hiện chúng tôi đang triển khai Dự án Madarin Garden 2. Với bất động sản, HPG sẽ tập trung mạnh vào khu công nghiệp, còn các khu đô thị, tôi nhắc lại, Công ty sẽ hoàn thiện thủ tục để thực hiện nốt khu đất đang có.

Tập đoàn nào cũng có đường đi của mình. Chiến lược của Hòa Phát đã lựa chọn là ngành thép. Năm ngoái, lĩnh vực này chiếm 80% nguồn thu và lợi nhuận, 6 tháng đầu năm nay chiếm tới 85%.               

Trần Hà – Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục