Chủ tịch Masan không còn là tỷ phú USD

Theo công bố của Forbes, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan không còn là tỷ phú USD do khối tài sản giảm mạnh từ 1,3 tỷ USD xuống còn 978,3 triệu USD.
Ông Quang là doanh nhân gốc Quảng Ngãi khởi nghiệp kinh doanh mì gói cùng ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank và sau đó dẫn dắt Masan Group trở thành một trong các tập đoàn kinh doanh đa ngành hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, tài chính, khai khoáng và chăn nuôi. Ông Quang là doanh nhân gốc Quảng Ngãi khởi nghiệp kinh doanh mì gói cùng ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank và sau đó dẫn dắt Masan Group trở thành một trong các tập đoàn kinh doanh đa ngành hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, tài chính, khai khoáng và chăn nuôi.

Theo cập nhật mới nhất từ Forbes, tính đến ngày 11/12, tổng tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) đã giảm xuống còn 978,3 triệu USD, đồng nghĩa với việc ông Quang đã rớt khỏi danh sách tỷ phú USD.

Như vậy, trong danh sách tỷ phú Forbes, Việt Nam còn 4 tỷ phú USD gồm ông Phạm Nhật Vượng (7,7 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,7 tỷ USD), ông Trần Bá Dương và gia đình (1,7 tỷ USD) và ông Hồ Hùng Anh (1,3 tỷ USD).

So với lần đầu được công nhận tỷ phú vào đầu tháng 3/2019 với tổng tài sản 1,3 tỷ USD, tài sản hiện nay của ông Quang đã giảm hơn 25%. Nguyên nhân chủ yếu được giới phân tích đánh giá là đà lao dốc của cổ phiếu MSN gần đây. Đến cuối phiên giao dịch ngày 11/12, thị giá cổ phiếu MSN giữ ở mức 55.700 đồng, mất hơn 26% giá trị so với cách đây một tháng.

Mới đây, Vingroup và Masan có kế hoạch hợp nhất CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco và CTCP Hàng tiêu dùng Masan thành một tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ.

Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Sự kết hợp của hai doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam thời điểm hiện tại được kỳ vọng tạo nên một thế lực đủ lớn để thống lĩnh thị trường trong nước, hơn nữa nâng cao năng lực cạnh tranh với với các doanh nghiệp nước ngoài trong cuộc chiến thị phần bán lẻ nội địa.

Hiện chưa rõ quyền, nghĩa vụ cũng như được mất của các bên sau sáp nhập, tuy nhiên trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MSN đã liên tiếp chứng kiến những phiên giảm sâu sau thời điểm công bố sáp nhập. Kể từ mức giá 69.000 đồng/cp ngày 3/12, đến hết phiên 11/12 cổ phiếu này đã giảm xuống còn 55.700 đồng/cp, tương ứng mức giảm gần 20%. Theo đó, vốn hóa của Masan cũng bốc hơi hơn 15.500 tỷ đồng.

Linh San
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục