CEO MoMo: Sẽ không có “giấc mơ Mỹ” ở Việt Nam

(ĐTCK) Ai sống cũng cần có ước mơ để tiến hóa, vươn lên. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sẽ không có “giấc mơ Mỹ” (American Dream). Để thành công, cần phải hội tụ đủ các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. 
CEO MoMo: Sẽ không có “giấc mơ Mỹ” ở Việt Nam

Đó là đánh giá của ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc M_Service, đơn vị sở hữu thương hiệu MoMo và là đơn vị đang gây chú ý lớn của thị trường với thương vụ nhận khoản đầu tư  trị giá 28 triệu USD từ Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs (GS) khi trao đổi với ĐTCK.

Thời gian gần đây, nhiều chính khách thường hay nói về Startup, dường như ông cũng nằm trong loại hình này, ông có cho rằng Startup ở Việt Nam sẽ bùng nổ hay không? Các doanh nghiệp Việt có đang mơ mộng?

Chúng ta cần động viên tinh thần khởi nghiệp (entrepreneurship) của giới trẻ. Ai sống cũng cần có ước mơ để tiến hóa, vươn lên. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sẽ không có “giấc mơ Mỹ” (American Dream). Để thành công, cần phải hội tụ đủ các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. 

Nhiều người cho rằng, giới công nghệ thường hay "nổ" và "chém gió”. Là dân công nghệ “xịn”, ông nghĩ sao về điều này?

Với tôi, trên đời có 3 loại người. Loại thứ nhất: nói mà không làm. Loại thứ hai: làm mà không nói. Loại thứ ba: nói được, làm được.

Tôi có khá nhiều người bạn thân thuộc loại thứ ba. 

Có người so sánh MoMo với Paypal, ông nghĩ gì về điều này?

Rất vinh dự khi được so sánh như vậy. PayPal thực sự là nguồn cảm hứng của chúng tôi. Chúng tôi học và thực hành nhiều điểm giống PayPal. Ngoài ra, chúng tôi còn học hỏi từ những dịch vụ thanh toán điện tử khác trên thế giới như M-Pesa ở Kenya, BKash ở Bangladesh và Wing Money ở Campuchia. 

Về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, là một thành viên trong đó, ông có “buồn” không khi mà “gã khổng lồ” Alibaba đang chuẩn bị bước vào?

Thương mại điện tử là một trong nhiều lĩnh vực cần ứng dụng thanh toán. Tôi lại thấy mừng vì chưa có người dẫn đầu và thành công trong lĩnh vực này. Điều đó có nghĩa là, bài toán hậu cần và thanh toán chưa được giải quyết ổn thỏa cho các nhà cung cấp thương mại điện tử, nên cửa vẫn còn rộng mở cho MoMo và các đơn vị khác.

Việc Alibaba có thể thành công hay không tại thị trường Việt Nam chưa thể nói trước, song dù có thế nào, MoMo cũng phải phấn đấu để trở thành nền tảng thanh toán tiên phong và lớn nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ chấp nhận thử thách. 

Theo ông, quy mô của thị trường thương mại điện tử nói chung và thanh toán trực tuyến nói riêng của Việt Nam hiện như thế nào?

Với xu thế phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, Việt Nam lẽ ra phải có 20 triệu người dùng và 25 tỷ USD giá trị giao dịch. Tôi dựa trên số liệu thanh toán trực tuyến của thị trường Trung Quốc hiện tại để suy ra con số này.

Vậy ông hình dung tương lai của thị trường và MoMo sẽ như thế nào?

Trong 5 năm tới, thị trường thương mại điện tử sẽ là sự kết hợp của mô hình kinh doanh online và offline. Hai hình thái này sẽ bổ trợ đắc lực cho nhau. MoMo với tư cách là nền tảng chuyển tiền và thanh toán trực tuyến, sẽ giúp cả kinh doanh online và offline phát triển tốt. 

Quay trở lại thương vụ GS và SCPE “rót” 28 triệu USD vào MoMo, trong quá trình vận động đầu tư, ông đã đưa thông điệp gì tới họ? Họ đánh giá thế nào về điều đó?

Tôi đã đưa ra 3 thông điệp: Thứ nhất, thị trường chuyển tiền và thanh toán mà MoMo cung cấp dịch vụ hiện đã tác động đến hàng triệu người tiêu dùng, với nhiều nhu cầu cấp thiết cần đươc giải quyết.

Thứ hai, dịch vụ MoMo đang tiếp tục hoàn thiện hơn, dù được chứng minh là có giá trị, hữu ích với người tiêu dùng.

Thứ ba, đội ngũ điều hành có tầm nhìn, kinh nghiệm và đầy nhiệt huyết, có khả năng hiện thực hóa các chiến lược và kế hoạch kinh doanh.

CEO MoMo: Sẽ không có “giấc mơ Mỹ” ở Việt Nam ảnh 1

Ông Phạm Thành Đức 

Sau khi những thông điệp được đưa ra, lúc đầu họ “chê” rằng, MoMo không phải là đối tượng đầu tư ưa thích. Song họ cũng nhận ra rằng, cơ hội của thị trường chuyển tiền và thanh toán điện tử tại Việt Nam là rất lớn và MoMo có đủ năng lực nắm bắt thời cơ đó, nên họ đã quyết định cam kết đầu tư lâu dài vào MoMo.

Với nguồn vốn mới, việc đấy mạnh sự hiện diện trên toàn quốc, phát triển các dịch vụ và mở rộng hệ sinh thái (Ecosystem) của MoMo sẽ được thực hiện thế nào?

Để mở rộng hệ sinh thái của MoMo, chúng tôi tập trung vào việc hợp tác với các ngân hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ, cũng như phát triển các điểm chấp nhận thanh toán MoMo. Hiện nay, chúng tôi đang mở rộng thêm hàng trăm dịch vụ mới, đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng ngày của mỗi cá nhân, từ ăn uống, đi lại, mua sắm, thanh toán trực tiếp tại các cửa hàng…

Cụ thể, tại Hà Nội, MoMo đã hợp tác với hãng vận tải VIC Taxi, các khách hàng khi dùng taxi của hãng này có thể dễ dàng trả tiền xe qua ứng dụng MoMo.

Bên cạnh đó, hàng loạt quán cà phê, quán ăn, chuỗi cửa hàng điện tử viễn thông… tại Hà Nội và TP. HCM cũng đang sử dụng phương thức thanh toán qua ứng dụng này. MoMo cũng đã bắt tay với Vietjet Air nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị, sự thuận lợi trong việc đặt chỗ và thanh toán trực tuyến ngay trên ứng dụng.

Trên tất cả, điều mà chúng tôi đang theo đuổi và hướng đến như là mục tiêu cuối cùng, đó là thay đổi hành vi của người tiêu dùng Việt Nam: chuyển từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán điện tử. MoMo mong muốn sẽ kết nối nhiều hơn nữa với các điểm bán lẻ dịch vụ để mọi nhà, mọi người cùng chấp nhận thanh toán trực tuyến, đúng với xu hướng đang diễn ra trên thế giới.

Hiện nay, MoMo đã ký hợp đồng cung cấp giải pháp thanh toán trên ứng dụng MoMo cho các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng tiện lợi, chuỗi các cửa hàng điện tử viễn thông như Viễn Thông A, FPT Shop... Khách hàng đến mua sắm tại các chuỗi này sẽ sớm được sử dụng các dịch vụ do MoMo cung cấp. Để mở rộng sự hiện diện của hệ thống MoMo trên toàn quốc, chúng tôi dự kiến tăng số lượng 4.000 điểm giao dịch đang có hiện tại, lên con số 10.000 điểm. 

GS và SCPE sẽ giữ vai trò gì trong việc lập chiến lược kinh doanh, cũng như điều hành MoMo trong thời gian tới?

Các cổ đông như GS và SCPR luôn có tầm nhìn, kinh nghiệm ở bình diện toàn cầu. Họ giúp chúng tôi định hình rõ về chiến lược phù hợp dành riêng cho thị trường Việt Nam. Dựa vào họ, chúng tôi sẽ tránh được những sai lầm mà các công ty thường gặp phải ở thị trường khác, đồng thời thu hẹp được quãng đường “về đích”. 

Liệu có chuyện họ chờ MoMo “chín” để “hái quả”?

Hầu hết các cổ đông khi thành lập doanh nghiệp hoặc đầu tư vào một công ty đều mong đợi sẽ thu được thành quả sau một quá trình đầu tư. Cá nhân tôi cũng là một thành viên sáng lập và cổ đông trung kiên của MoMo, vậy nên tôi đang nỗ lực lao động để chờ đến ngày “mùa màng bội thu”. 

Nếu được so sánh với Vinagame (VNG), một trong số ít doanh nghiệp thành công nhờ vốn đầu tư mạo hiểm, ông đánh giá thế nào về thương vụ này?

VNG là một doanh nghiệp đáng ngưỡng mộ. Chúng tôi hy vọng rằng, nếu VNG đã thành công với ứng dụng Zalo, thì M_Service cũng sẽ thành công với dịch vụ chuyển tiền và thanh toán điện tử MoMo.

Thùy Vinh thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục