Bà Nguyễn Thùy Dương: Hướng về FinTech không phải nhân duyên

(ĐTCK) Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách Bộ phận Dịch vụ tài chính ngân hàng EY Việt Nam, Phó Chủ tịch CLB FinTech Việt Nam, người được Tạp chí FinTechnews (Singapore) bình chọn trong Top 15 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực FinTech tại Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện về cái duyên với nghề kiểm toán, với lĩnh vực FinTech. 
Bà Nguyễn Thùy Dương: Hướng về FinTech không phải nhân duyên

Chấp nhận thử thách để tìm ra điểm giới hạn

Khi nghĩ đến một kiểm toán viên, xã hội mặc định đó là những người lạnh lùng, nhìn mọi người, mọi việc bằng con mắt đầy nghi hoặc, nhưng tiếp xúc với bà lại thấy đúng là “chị gái hớn hở”, như cách gọi của nhân viên của bà. Bà có khó chịu khi bị gọi như vậy?

Tại sao tôi phải khó chịu khi được gọi đúng bản chất mình như vậy? (cười). Từ trước đến nay, tôi vẫn là người rất “phởn”.

Tôi còn nhớ, thời gian đầu làm tại EY, lúc nào tôi trông cũng hớn hở, mỗi tuần đi làm đều có quần áo mới. Cùng với sự trẻ trung, nhanh nhẹn và cái “mác” đi học nước ngoài về, tôi được khá nhiều trưởng nhóm trong EY chào đón và “book” đi khách hàng… Như vậy, việc hớn hở rõ ràng đã có giá trị nhất định. 

Việc đặt chân vào 1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới (Big4) dường như khá đơn giản với bà?

Tôi học Đại học Ngoại thương và ở cái thời của tôi, kiểm toán là một nghề thời thượng. Dù chưa có bằng tốt nghiệp, nhưng EY là công ty chấp nhận hồ sơ của các thí sinh nợ bằng Đại học nên tôi đã nộp đơn ứng tuyển. Cùng nộp hồ sơ với tôi có gần 500 người, nhưng Công ty chỉ tuyển có 10 người. Vậy cũng đã là nhiều, bởi thời ấy cả EY chỉ có 50 người. Tôi phải vượt qua 5 vòng thi.

5 vòng thi là một sự nhọc nhằn với 500 con người và với cá nhân tôi còn vất vả hơn, bởi là sinh viên Đại học Ngoại thương, tôi không biết gì nhiều về kiểm toán, kế toán, không hiểu tại sao tài khoản tiền khi tăng lại ghi Nợ và khi giảm lại ghi Có. Đến giờ, tôi vẫn tự hỏi tại sao hồi đó lại nộp đơn vào EY, lập “chiến thuật” cho việc thi tuyển vào EY trong khi nghề kiểm toán, kế toán rõ ràng là không phù hợp với mình.

Tôi thấy may mắn vì cách thức tuyển dụng của EY không chỉ đơn thuần tập trung vào kiến thức chuyên môn, mà còn kiểm tra kiến thức xã hội, IQ, khả năng làm việc nhóm. Tôi qua được vòng thi tuyển vì trả lời được hầu hết các câu hỏi về kiến thức xã hội và IQ, chứ lúc đó nếu chỉ có câu hỏi về kế toán, kiểm toán thì chắc đã trượt từ vòng gửi xe rồi (cười). Cái duyên với nghề này bắt đầu từ đó. 

Gần 20 năm gắn bó với EY, làm thế nào để bà có thể trụ lại với nghề này lâu đến vậy khi tính cách tưởng như không phù hợp lắm?

Bắt đầu làm tại EY, tôi cảm thấy rất bó buộc, vì phải học rất nhiều và có quá nhiều nguyên tắc phải tuân thủ, nhưng sau này, tôi rất biết ơn vì có được những cơ hội học tập quý báu như thế. Sau 1 tháng đi làm chính thức, đang tính chuyện xin nghỉ việc bởi các tổ chức phi chính phủ mời về làm với mức lương cao hơn thì anh Võ Tấn Hoàng Văn (trước làm Phó tổng giám đốc EY, hiện nay là Tổng giám đốc SCB) xuất hiện, kéo tôi sang nhóm kiểm toán ngân hàng (tiền thân của Bộ phận Dịch vụ tài chính sau này). Tôi thấy rất phù hợp, rất vui nên ở lại và gắn bó với mảng Dịch vụ tài chính đến nay.

Hồi đó, cũng có những hoài nghi về khả năng làm việc của tôi và có nhiều người còn cho rằng, sau 2 năm đảm bảo tôi sẽ “bắn” đi chỗ khác. Nhưng, tôi nhận ra rằng, kiểm toán, kế toán là nghề có thể học được, bởi biết về kế toán thôi là chưa đủ, mà cần có giác quan nhạy bén, khả năng phán đoán, phát hiện và giải quyết vấn đề. Mà những giác quan này, để có được cần đến những hiểu biết về ngành, xã hội, trên cơ sở tương tác giữa người với người, tìm ra khách hàng đang chưa đúng ở đâu, để từ đó tìm ra hướng cải thiện.

Những người học giỏi kế toán có thể không trụ được lâu trong nghề, nhưng những người nào hiểu được hoạt động kinh doanh của khách hàng trên cơ sở hiểu biết về ngành, khả năng kết nối logic giữa các sự kiện với nhau, người đó sẽ thành công. Hay nói theo một cách khác, công việc kiểm toán sẽ thuận lợi hơn khi có kỹ năng mềm. 

Trong những sự kiện của EY, nhiều khách mời đã thực sự bất ngờ khi thấy bà biểu diễn trên sân khấu một cách rất chuyên nghiệp. Phải chăng đây là một cách giải trí giúp bà giảm áp lực của công việc?

Công việc kiểm toán vốn rất căng thẳng, áp lực, đặc biệt khi thấy khách hàng không vui và mình không thể làm gì khác. Do vậy, tôi luôn tìm ra những điểm tích cực trong mọi vấn đề, tìm những điều hay từ mọi người xung quanh để học hỏi và tin vào tương lai tốt đẹp hơn của ngày mai.

Đồng thời, tôi luôn làm mới bản thân, sẵn sàng dấn thân, chấp nhận thử thách để tìm ra điểm giới hạn. Và biểu diễn trên sân khấu là một trong những cách giúp tôi thoát khỏi vùng an toàn của bản thân. Chỉ khi dám làm những điều khác đi, bạn mới có thể đạt được những kết quả mình chưa từng có. 

Chừng nào còn cố gắng, chừng đó còn có cơ hội

Là nữ partner trẻ nhất trong các công ty Big4 tại thời điểm được bổ nhiệm và ở vị trí đó đã được 9 năm, thành công khi còn rất trẻ, có khi nào bà nghĩ “duy trì ở vị trí này như thế nào”?

Tại sao lại chỉ nghĩ rằng duy trì như thế nào mà không nghĩ sẽ phát triển như thế nào? Đối với tôi, trở thành partner đơn giản là một sự bắt đầu của một khởi đầu mới. Ví dụ, tôi sẽ không dừng lại là chỉ làm ở Việt Nam mà có thể “xuất khẩu” sang các nước khác, bởi sẽ có những kinh nghiệm ở Việt Nam có thể giới thiệu ở các nước trong khu vực.

Còn nhớ, năm 2013, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng sau 5 năm phải thay đổi công ty kiểm toán. Thời điểm đó doanh thu của EY từ việc kiểm toán mảng ngân hàng giảm rất mạnh do trước đó thị phần của EY trong mảng này là rất lớn, nếu không nói là chiếm 90% thị trường.

Tôi thấy may mắn khi đã được trải qua những giai đoạn như thế cùng với những anh em đồng nghiệp của mình, luôn sát cánh với mình và tin tưởng mình. Nếu như không có khả năng chèo chống, không thể chứng tỏ được bản lĩnh của người làm nghề và là người đứng đầu bộ phận này thì tôi đã phụ lòng của tất cả mọi người.

Ý nghĩ đó thôi thúc tôi phải tìm ra hướng đi mới, tôi vừa phụ trách EY Lào, vừa tiếp tục kiểm toán các ngân hàng trong nước và mở hướng cho việc làm tư vấn một cách toàn diện.

Hình ảnh của một nhà tư vấn được khách hàng tin cậy luôn là điều tôi tâm niệm nên việc giữ chữ tín là quan trọng nhất. Danh tiếng có được của nhà tư vấn chủ yếu là nhờ giữ chữ tín đối với khách hàng, muốn làm điều tốt nhất cho khách hàng. Và dĩ nhiên điều tốt nhất cho khách hàng phải đúng trong các điều kiện và hoàn cảnh phù hợp.

Trở thành một nhà tư vấn buộc tôi phải chuyển đổi bản thân, phải không ngừng học hỏi, phải thích ứng với những nhu cầu của công việc, cùng kinh nghiệm sẵn có với những năm tháng làm việc trong và ngoài nước để mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng. Ảnh hưởng của mình đối với thị trường, khách hàng của mình là quan trọng, chứ không hẳn là duy trì ở vị trí này như thế nào. 

Nằm trong Top 15 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực FinTech tại Việt Nam do FinTechnews Singapore bình chọn và hiện là Phó Chủ tịch CLB FinTech Việt Nam, nhân duyên nào đưa bà từ “Zero đến Hero” trong lĩnh vực FinTech?

Năm 2013 - 2014, khi EY thúc đẩy Basel 2, EY “làm mưa làm gió” trên thị trường và sau đó sự cạnh tranh bắt đầu lớn dần, đòi hỏi tôi tìm một lĩnh vực ngách không ai cạnh tranh được. Theo đó, hướng về công nghệ, trong đó có FinTech không phải là nhân duyên, mà là ý chí chủ quan trong việc bắt kịp xu hướng mới.

Thời điểm năm 2016, làm tư vấn cho mảng FinTech cũng rất mới mẻ, tôi đã “lê la” khắp nơi để học hỏi lĩnh vực này và trên đường đi tôi đã gặp được những nhân vật rất thú vị, rất hiểu biết, các founders của các start-up đầy nhiệt huyết và tôi đã học hỏi được rất nhiều từ họ. Tôi có được như ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực học hỏi, tìm tòi cái mới, bên cạnh đó là sự hỗ trợ từ các nhóm FinTech của EY tại văn phòng các nước khác.

Khi là lãnh đạo, tầm nhìn rất quan trọng vì điều này xác định mình khi phục vụ khách hàng sẽ có gì mới? vấn đề mới này có là xu hướng phải bắt kịp? Khách hàng đã sẵn sàng cho xu hướng này hay chưa? Giải thích cho khách hàng hiểu nếu muốn chuyển đổi từ mô hình hiện tại sang một mô hình hoàn toàn mới như số hóa cần phải làm gì, thách thức gì? Tôi không đâm đầu vào việc gì, mà luôn có kế hoạch cho một chiến lược mới. 

Dường như thời gian qua, Fintech ở Việt Nam phát triển khá chậm so với trong khu vực. Là người phụ trách mảng dịch vụ, bà nhìn nhận ra sao về tương lai mảng dịch vụ này tại EY?

FinTech ở Việt Nam vẫn phát triển, nhưng sẽ phụ thuộc rất lớn vào định hướng của Chính phủ trong việc có cho phép làm thử nghiệm hay không. TechCompany, InsurTech, EduTech, HealthTech… đang ngày càng phát triển cho thấy sự phát triển của công nghệ trong các lĩnh vực đặc thù là điều không thể tránh khỏi.

Khách hàng của EY là các tổ chức tài chính, ngân hàng hợp tác với FinTech và mua lại giải pháp của các công ty FinTech hoặc đang trong quá trình số hóa các hoạt động của mình. Đây là mảng mà EY đang tập trung và làm rất tốt trong hai năm vừa qua.

Khi quan sát con trai tôi chơi cờ, tôi luôn nghĩ rằng khả năng tính được trước 3 - 4 nước đi là rất quan trọng và sẽ quyết định mình có thắng hay không. Phương châm của tôi là tiếp tục cố gắng, chừng nào còn cố gắng là chừng đó mình có cơ hội và cơ hội có hay không là do mình.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục