Doanh nhân Vũ Phi Hải và cú 'rẽ ngang' định mệnh

0:00 / 0:00
0:00
Tâm niệm 'theo đuổi đam mê sẽ dẫn lối tới thành công', từ một kỹ sư ngành điện - tự động hóa, Vũ Phi Hải 'rẽ ngang' sang lĩnh vực thiết kế, rồi thành lập doanh nghiệp với những bước đi đầy chắc chắn.

Doanh nhân Vũ Phi Hải mở đầu câu chuyện về “nâng tầm sản phẩm làng nghề Việt” bằng những hồi ức về quê hương anh - làng nghề truyền thống đan lát Kim Sơn (Ninh Bình) với lịch sử hơn 100 năm tuổi.

Vùng đất Kim Sơn nằm giữa 2 con sông lớn là sông Càn và sông Đáy, tiếp giáp với biển, nên các bãi bồi được hình thành đều nhiễm phèn rất nặng. Ngoài cây cói, không một loài cây nào có thể sinh trưởng được. Cách đó không xa là Nga Sơn (Thanh Hóa) cũng chủ yếu là đất phèn. Bởi vậy, khu vực ven biển từ Kim Sơn kéo dài đến Nga Sơn được xem là vùng nguyên liệu cói lớn nhất của cả nước. Từ bao đời nay, bà con làng nghề cói vẫn cần cù làm ra những chiếc chiếu cói, túi cói, đệm cói… đưa đi tiêu thụ khắp cả nước.

Thừa hưởng tinh hoa của làng nghề truyền thống, ngay từ khi còn bé, Hải đã tạo nên dấu ấn khác biệt bằng những sản phẩm sáng tạo độc đáo. Sau này, khi học ngành điện - tự động hóa, Hải vẫn miệt mài với ý tưởng thiết kế kết hợp chất liệu truyền thống của làng nghề với xu hướng hiện đại để nâng cao giá trị của sản phẩm.

Thời điểm này, một số thương gia nước ngoài đã tìm đến Kim Sơn đặt hàng gia công các thành phẩm bằng chất liệu cói, sau đó được chuyển đến thị trường của họ để hoàn thiện sản phẩm. Dù bà con làng nghề có thêm việc làm, thêm thu nhập, nhưng tính chất gia công theo đơn đặt hàng không thể tạo nên thương hiệu của làng nghề, cũng như gia tăng giá trị của sản phẩm. Từ chất liệu cói được gia công tại chỗ, các doanh nghiệp nước ngoài đã tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu của họ và được bán với giá rất cao.

Trăn trở trước những hạn chế của làng nghề, chàng sinh viên Vũ Phi Hải đặt quyết tâm phải làm mọi cách để nâng tầm sản phẩm làng nghề truyền thống của quê hương, làm phong phú tính ứng dụng của sản phẩm trong đời sống để nâng cao giá trị các mặt hàng thủ công của làng nghề.

Sản phẩm của CTCP Xuất nhập khẩu thời trang Phương Bắc được nhiều khách hàng lựa chọn.

Sản phẩm của CTCP Xuất nhập khẩu thời trang Phương Bắc được nhiều khách hàng lựa chọn.

Cơ duyên đưa Hải đến với lĩnh vực thời trang như một sự sắp đặt của số phận. Ra trường, anh trở thành nhà phân phối độc quyền nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như Phantom của Anh, Golden Concept của Thụy Điển và một số thương hiệu khác. Công việc này giúp anh học hỏi được nhiều thứ, về quy chuẩn, chất lượng sản phẩm, cách thức phát triển thương hiệu, rồi cách tiếp cận, chăm sóc khách hàng, chế độ hậu mãi và điều quan trọng hơn, đây là cơ hội để Hải nhận diện những điểm yếu trong phát triển sản phẩm làng nghề. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc hoạch định chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp sau này.

“Các làng nghề truyền thống Việt Nam nói chung đều có nguồn nguyên liệu dồi dào, tay nghề của đội ngũ thợ trẻ không ngừng được nâng cao nhờ sự truyền thụ của lớp nghệ nhân ‘cây cao bóng cả’. Vậy đâu là điểm nghẽn khiến việc xây dựng thương hiệu cho mình không thực hiện được, mà để nước ngoài nhập về rồi gắn nhãn mác, thương hiệu của họ rồi bán ra với giá rất cao. Vấn đề chính là có quyết tâm làm hay không”, Vũ Phi Hải bày tỏ.

Cuối năm 2018, anh thành lập CTCP Xuất nhập khẩu thời trang Phương Bắc. Song song với việc nhập khẩu các sản phẩm thời trang thịnh hành, Hải thiết kế và sản xuất mặt hàng túi xách thời trang cao cấp, trong đó kết hợp các chất liệu da, lụa để tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Cùng với đó, áp dụng công nghệ máy móc hiện đại để cho ra sản phẩm tinh tế hơn, hợp gu thị trường hơn…

Công việc đang tiến triển tốt thì đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh phải tạm dừng. Tranh thủ thời gian này, thông qua mạng xã hội, Hải không ngừng tìm kiếm nhu cầu, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm thủ công ở nhiều thị trường; kết nối bạn hàng, sẵn sàng cho sự hợp tác kinh doanh khi dịch được khống chế. Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều ý tưởng về mẫu mã sản phẩm độc đáo, khác biệt được “thai nghén”.

Những sản phẩm làm từ cói đã trở thành mặt hàng lưu niệm không thể thiếu, phục vụ nhu cầu quà tặng.

Những sản phẩm làm từ cói đã trở thành mặt hàng lưu niệm không thể thiếu, phục vụ nhu cầu quà tặng.

Ngay khi bước sang “trạng thái bình thường mới”, hoạt động sản xuất được khôi phục trở lại, Vũ Phi Hải đã nhanh chóng hiện thực hóa các ý tưởng của mình. Hải chia sẻ, để tạo ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh từ nguyên liệu cói thô, phải trải qua 9 công đoạn, 12 quy trình, từ ngâm ủ cói trong dung dịch nano, rồi phơi nắng để sản phẩm không bị mốc qua thời gian, bền và đảm bảo màu tự nhiên nhất, tiếp đó là phơi sương để tạo độ dẻo…

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Viện Y học cổ truyền, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, các sản phẩm của Công ty đã đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng. Hàng loạt sản phẩm túi xách cói thời trang cao cấp kết hợp chất liệu trang trí đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc…, được người tiêu dùng đánh giá cao bởi không chỉ đáp ứng xu hướng thời trang hiện đại, cao cấp, mà còn bền, đẹp, thân thiện với môi trường.

“Các thị trường nhập khẩu quy định rất khắt khe về độ an toàn của sản phẩm cũng như các loại dung dịch ngâm, ủ. Vì vậy, tất cả công đoạn sản xuất đều phải tuân thủ nghiêm ngặt, từ các dung dịch nhập khẩu phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng, tuyệt đối không gây độc hại đến người trực tiếp sản xuất, cũng như đáp ứng các tiêu chí đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường…”, Hải cho hay.

Hiện tại, nguyên liệu phục vụ sản xuất được thu mua tại quê nhà Kim Sơn (Ninh Bình) và Nga Sơn (Thanh Hóa). Cái khó nhất là chọn lọc nguyên liệu đáp ứng cho sản phẩm cao cấp, bởi đặc tính cố hữu của bà con vùng cói là vẫn thu hoạch theo kiểu “có sao dùng vậy”, thậm chí là “vơ bèo vạt tép”, dẫn đến chất lượng nguyên liệu đầu vào không đảm bảo.

“Chúng tôi đang từng bước hướng dẫn bà con các quy trình, công đoạn thu hoạch để làm sao có chất lượng nguyên liệu tốt nhất”, Vũ Phi Hải chia sẻ.

Cùng với việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại thị trường nước ngoài, Hải và các cộng sự kết hợp với một số thương hiệu thời trang lớn trong nước như ISG, Cổ phục Vạn Thiên Y… tổ chức các chương trình biểu diễn thời trang phục vụ du khách quốc tế để từng bước tiếp cận, đưa sản phẩm từ cói trở thành mặt hàng lưu niệm du lịch, phục vụ nhu cầu quà tặng của du khách đến Việt Nam tham quan, trải nghiệm. Mới đây, một trung tâm giới thiệu sản phẩm của Công ty tại Đà Nẵng đã được khai trương để đẩy mạnh quảng bá tới du khách.

Theo doanh nhân Vũ Phi Hải, tâm lý khách du lịch khi đến một nơi nào đó đều mong muốn mua được món quà như một sự lưu giữ những kỷ niệm của chuyến đi. Việt Nam đã có nhiều món hàng lưu niệm, nhưng với tính chất độc đáo của quà lưu niệm được làm chất liệu cói kết hợp da, lụa, thì CTCP Xuất nhập khẩu thời trang Phương Bắc là những người tiên phong. Để nhấn mạnh văn hóa truyền thống, trong các thiết kế sản phẩm của Công ty đều đưa vào những biểu tượng như tà áo dài truyền thống, Khuê Văn Các, chùa Một Cột…

“Tôi mong muốn góp sức mình để xây dựng thương hiệu làng nghề, nâng tầm và gia tăng giá trị của sản phẩm, qua những sản phẩm này góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Việt Nam tới du khách quốc tế, để họ thấy một Việt Nam bình dị nhưng hết sức thân thương. Sự đa dạng trên nhiều lĩnh vực, từ văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện mến khách, ẩm thực đặc sắc, đến những món đồ lưu niệm du lịch đều ghi những ấn tượng trong lòng du khách. Dù chỉ là một phần nhỏ bé, nhưng tôi kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc lan tỏa những nét hấp dẫn của Việt Nam tới du khách một cách rộng rãi hơn”, doanh nhân Vũ Phi Hải bày tỏ.

Trước băn khoăn của chúng tôi rằng, việc sử dụng máy móc hiện đại để sản xuất các mặt hàng thủ công liệu có khiến sản phẩm mất đi tính truyền thống. Vũ Phi Hải khẳng định, không hề, bởi thứ nhất, sản phẩm xuất khẩu sang những thị trường khó tính, nên yêu cầu về chất lượng sản phẩm, tính thẩm mỹ, vấn đề đảm bảo môi trường, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, đảm bảo an toàn sức khỏe đòi hỏi rất nghiêm ngặt, có những khâu chỉ máy mới thực hiện được. Thứ hai, do kết hợp với nhiều chất liệu khác, nên việc sử dụng máy đảm bảo tính thẩm mỹ, độ tinh tế, nhưng vẫn giữ được tính truyền thống của sản phẩm.

“Dù máy móc hiện đại thế nào đi chăng nữa nhưng cũng không thể thay thế được con người. Chúng tôi vẫn có nhiều sản phẩm 100% handmade. Lợi thế là lao động người địa phương thạo nghề, có nghệ nhân giàu kinh nghiệm trực tiếp cầm tay chỉ việc cho thợ trẻ, do đó chúng tôi có những sản phẩm thủ công mang tính truyền thống cao”, doanh nhân Vũ Phi Hải nói.

Viễn Nguyệt
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục