Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt trong môi trường kinh doanh nhiều biến động hiện nay. Hơn 20 năm lăn lộn trên thương trường, vị doanh nhân đúc kết: “Thách thức luôn chiếm tỷ lệ chi phối trong thước đo thành công của các doanh nghiệp. Vậy nên, chỉ có một cách là đối mặt và vượt qua nó bằng sự quyết tâm, ý chí và năng lực”.
Nắm cơ hội từ tầm nhìn
Năm 2000, ông Bá mở một công ty kinh doanh hóa chất. Năm 2007, trong một lần đi giao hóa chất tẩy rửa cho một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông chợt nhận ra chiếc xe của mình lọt thỏm giữa những dãy dài xe tải chở ngô giao cho nhà máy.
“Tôi vốn nghĩ loại hóa chất mình đang kinh doanh lúc đó là một loại hàng hóa có nhu cầu cao, nhưng nhìn cảnh nhà máy thu mua nông sản hôm ấy, tôi nhận ra nông sản mới là mặt hàng mà thị trường có nhu cầu lớn”, ông Bá kể.
Ngay sau đó, ông quyết định chuyển hướng kinh doanh, rồi dần trở thành nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Sau đó, ông Bá tiếp tục mở rộng kinh doanh sang các mặt hàng nông nghiệp khác như gạo, điều, thịt lợn... Năm 2019, Tân Long ra mắt thương hiệu gạo A An chất lượng cao nhằm mang đến tay người tiêu dùng sản phẩm gạo sạch, an toàn. Hoạt động kinh doanh gạo A An đã phủ khắp toàn quốc và vươn ra thị trường quốc tế cùng mạng lưới khách hàng tại nhiều châu lục, từ châu Á, Nam Thái Bình Dương đến Tây Phi, châu Âu, châu Mỹ. Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, gạo A An đã chính thức xuất khẩu 5 container sang Nhật Bản, một trong những thị trường khó tính nhất. Thương hiệu A An có hơn 50 nhà phân phối và gần 70.000 điểm bán trên toàn quốc. Sau nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thì gạo và điều đóng góp doanh thu lớn thứ hai cho Tân Long.
Với mảng chăn nuôi, Tân Long đã thành lập Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE), phát triển mô hình chăn nuôi lợn khép kín 3F (Feed - Farm - Food). Sản phẩm thịt lợn BaF Meat của Công ty đang được phân phối qua chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Siba Food và điểm bán BaF Meat Shop. Hiện chuỗi phân phối Siba Food đã có hơn 50 cửa hàng và 250 Meat Shop trên toàn quốc. Trong năm nay, Công ty dự kiến sẽ mở rộng mạng lưới phân phối lên 116 cửa hàng Siba Food và 1.116 quầy Meat Shop.
Ông Bá chia sẻ, dù lương thực, thực phẩm là những sản phẩm thiết yếu của đời sống, tiềm năng thị trường rất tốt, nhưng để đi được đường dài, cần phải đầu tư cho toàn chuỗi, hình thành nên mối liên kết sản xuất - tiêu thụ, từ bao tiêu vùng nguyên liệu đến xây dựng kênh bán hàng, nhằm đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm thực sự chất lượng cũng như đảm bảo lợi ích cho nông dân.
Với sản phẩm lúa gạo, ông Bá đã triển khai mô hình liên kết với nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ông chia sẻ, hiện Tân Long nằm trong nhóm 3 doanh nghiệp có tiềm lực xay xát, sấy trữ gạo lớn nhất của vựa lúa phía Nam, Nhà máy gạo Hạnh Phúc mới đưa vào hoạt động có quy mô thuộc nhóm lớn nhất châu Á.
Doanh nghiệp của ông Bá cũng tập trung chuyển đổi mô hình canh tác từ nhỏ lẻ sang mô hình cánh đồng lớn để tiết kiệm chi phí đầu vào, thuận lợi hơn trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đảm bảo chất lượng gạo an toàn để phục vụ các thị trường xuất khẩu khắt khe và thị trường yêu cầu cao nội địa - mục tiêu tưởng đơn giản nhưng không dễ thực hiện.
Tương tự, với lĩnh vực chăn nuôi, ông và cộng sự quyết tâm tự đầu tư theo công nghệ châu Âu để ra chất lượng thịt lợn tốt nhất. Tân Long liên kết với nông dân có sẵn trang trại để đầu tư giống thức ăn, sau đó thu mua lợn hơi, chế biến giết mổ đảm bảo và cung cấp sản phẩm cho chuỗi Siba Food.
Phát triển được thị trường rộng khắp, con đường kinh doanh nông nghiệp của ông Bá dường như quá thuận lợi? Ông trả lời: “Không có lĩnh vực nào không có thách thức, nhất là nông nghiệp. Làm cánh đồng lớn thì phụ thuộc thời tiết, chăn nuôi phụ thuộc an toàn sinh học, dịch bệnh. Nhưng khó khăn không có nghĩa không làm được. Chúng tôi khát vọng đi sâu vào nông nghiệp để cùng bà con nông dân phát triển ngành lên tầm cỡ toàn cầu, tổng hợp các nguồn lực để cùng phát triển”.
Lãnh đạo Tân Long và FPT ký kết hợp tác toàn diện |
Với độ chín của một doanh nhân hơn 20 năm lăn lộn trên thương trường, ông Bá hiểu rất rõ sự cần thiết của những “bạn đồng hành” trên hành trình phát triển doanh nghiệp đầy gian lao nhưng thấm đượm khát vọng lớn. Đây cũng là lý do Tân Long mới đây bắt tay với Tập đoàn FPT để chuyển đổi số toàn diện.
“Bất kỳ tập đoàn nào khi lớn lên cũng có rất nhiều vấn đề phát sinh. Khi ở quy mô nhỏ thì có thể quản trị theo kiểu gia đình, quản lý qua phần mềm Excel hay các phần mềm văn phòng đơn giản khác. Nhưng khi ở quy mô lớn, doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ sâu, quản trị hệ thống, thông tin được báo cáo nhanh nhất, giám sát quản trị hiệu quả nhất”, ông nói về sự thay đổi và thích ứng của doanh nghiệp.
Thay đổi mỗi ngày để tốt hơn, hạnh phúc hơn
Theo ông Bá, hành trình của doanh nghiệp là chuỗi thay đổi để thích ứng mỗi ngày.
“Từ trên xuống dưới, chúng tôi luôn phải thay đổi, ai không thay đổi được phải văng khỏi hệ thống này”, ông kể về câu chuyện ở Tân Long.
Chuyện văng khỏi bánh xe đang theo guồng không phải là điều gì đáng nói trong câu chuyện nhân sự của các doanh nghiệp, nhưng ở Tân Long, họ không bị văng khỏi doanh nghiệp mà được bố trí công việc khác phù hợp hơn. Với sự phát triển đa dạng và luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự lớn, Tân Long có nhiều vị trí việc làm cho nhân sự thực sự có tâm và muốn gắn bó với doanh nghiệp.
Phải học, phải thay đổi, tìm hướng đi mới, cách làm mới bản thân - như ông Bá chia sẻ là - luôn nằm trong tôn chỉ của ông và cũng là điều người lãnh đạo Tập đoàn Tân Long luôn mong muốn thấm đẫm trong mỗi người lao động. Điều đó không chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp, mà còn vì khát vọng tạo ra môi trường làm việc hạnh phúc, tạo động lực cho mỗi người lao động trong Công ty.
Thông điệp đó được gửi gắm trong tên gọi của nhà máy gạo của Công ty, ông Bá giải thích khi chúng tôi tò mò về cái tên “Hạnh Phúc”.
“Ai sinh ra đều mưu cầu cuộc sống hạnh phúc, trong đó có sự thành công về nghề nghiệp và sự tự hào về tổ chức, doanh nghiệp mà mình gắn bó”, ông Bá nói.
Hạnh phúc của vị doanh nhân còn nằm ở những gì đóng góp cho xã hội. Ông kể, trong một cuộc nói chuyện với ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, tình cờ nghe ông Bình nhắc đến Trường Hope (ngôi trường FPT lập ra để nuôi dạy những trẻ em mồ côi do cha mẹ qua đời trong đại dịch Covid -19), ông quyết định Tân Long sẽ đồng hành cung cấp gạo và thịt cho các học sinh của trường trong suốt vòng đời dự án.
Nhớ đến những đôi mắt trẻ thơ trong veo xuất hiện trong clip gửi lời cám ơn ông và Tập đoàn Tân Long về nghĩa cử ấy, đôi mắt từng trải của vị doanh nhân lắng lại đầy xúc động.
“Nói cho đến cùng, doanh nghiệp ngoài mục tiêu lợi nhuận, sản xuất - kinh doanh họ cần có vai trò, trách nhiệm xã hội, chúng tôi xem trách nhiệm xã hội là nhiệm vụ, nhu cầu tự thân của doanh nghiệp”, ông Bá nói nhanh trước khi bước vào một cuộc họp khác.