Doanh nhân trẻ tranh cử Tổng thống Mỹ: Tất cả người Mỹ sẽ được phát 1000 USD/tháng

Chính sách “Thu nhập cơ bản toàn cầu” của doanh nhân trẻ Andrew Yang là một ý tưởng chính trong cuộc tranh cử cho ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2020.
Andrew Yang. Andrew Yang.

Mỗi ứng cử viên của đảng Dân chủ tranh cử tổng thống Mỹ đều ủng hộ nâng mức lương tối thiểu của liên bang tăng lên - tất cả mọi người, ngoại trừ doanh nhân công nghệ Andrew Yang.

Bởi từ lâu Andrew Yang đã đề xuất trao 1.000 USD tiền mặt mỗi tháng cho mỗi người Mỹ - một chính sách được gọi là “Thu nhập cơ bản toàn cầu”. Đây chính là ý tưởng chính của Yang trong cuộc tranh cử cho ứng cử viên tổng thống Mỹ hồi tuần trước.

“Ý tưởng này sẽ giúp cứu vãn nền kinh tế khó khăn với tất cả mọi người, từ người dân, gia đình và toàn cộng đồng của chúng ta, những người sẽ tiêu tiền”, Yang nói hôm thứ Năm tại Miami.

“Và sổ tiền này sẽ lưu thông qua nền kinh tế và khu vực lân cận của chúng ta, tạo ra hàng triệu việc làm cho các gia đình”, Yang nói thêm

Khái niệm “Thu nhập cơ bản toàn cầu” đã có từ nhiều thế kỷ và gần đây, nó đã được nhiều người Mỹ ủng hộ, bao gồm nhà đầu tư nổi tiếng đến từ Thung lũng Silicon - người đồng sáng lập Facebook Chris Hughes - và được một nhà kinh tế từng giành giải thưởng Nobel ủng hộ.

Yang đã biến ý tưởng này thành trung tâm của một chiến dịch và được thúc đẩy bởi truyền thông xã hội. Yang nói rằng đó là một cách để giảm bất bình đẳng và đảm bảo cung cấp một mạng lưới an toàn cho hàng triệu người Mỹ, những người có nguy cơ mất việc làm vì tự động hóa trong tương lai. Ý tưởng này cũng cung cấp một khoản bổ sung dành cho mức tiền lương cơ bản tại Mỹ - vốn đã bị trì trệ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Peter Diamond, một trong những nhà nghiên cứu về lao động và việc làm, người được trao giải thưởng Nobel về kinh tế năm 2010, đã nói rằng việc đảm bảo tiền mặt cho mọi công dân bất kể thu nhập của họ sẽ giúp giải quyết các vấn đề về nghèo đói hệ thống.

Cụ thể cách thức hoạt động theo chương trình của Yang, đó là, các khoản thanh toán bằng tiền mặt hàng tháng sẽ được chuyển đến mọi người Mỹ trên 18 tuổi. Họ sẽ nhận được số tiền bằng nhau bất kể họ sống ở đâu và có thu nhập bao nhiêu.

Để có tiền trả cho ý tưởng này, Chính phủ sẽ đánh thuế giá trị gia tăng 10% đối với hàng hóa và dịch vụ cũng như tăng thuế đối với những người có thu nhập cao và những doanh nghiệp gây ra ô nhiễm môi trường, theo trang web Yang.

Chi phí là trở ngại lớn nhất của ý tưởng này. Trung tâm ngân sách và chính sách Mỹ đã dự kiến mức hơn 3.000 tỷ USD/năm cho một chương trình nhỏ hơn so với chương trình của Yang – chăm sóc sức khỏe miễn phí hoặc học đại học miễn phí.

Đề xuất này cũng đã bị chỉ trích bởi một số nhà nghiên cứu khác. Họ nói rằng chính sách này sẽ giúp đỡ một cách không tương xứng những người không có con, người trẻ hơn 18 tuổi hoặc những người đã thuộc tầng lớp trung lưu.

Một số người cấp tiến nói rằng chính sách “Thu nhập cơ bản toàn cầu” sẽ không bao gồm chi phí như chăm sóc sức khỏe và thực phẩm cho người nghèo, nếu nó được trả thay cho các ích lợi xã hội của chính phủ, như Yang đề xuất. Họ cũng lập luận rằng nó sẽ làm suy yếu mức tăng trưởng tiền lương, khiến các tập đoàn tăng lương.

Đó là lý do tại sao nhiều người thích ý tưởng nâng cao mức lương tối thiểu quốc gia hơn, hoặc một ý tưởng khác rằng chính phủ sẽ cung cấp công việc cho tất cả những ai muốn nó, với mức lương đủ sống. Cory Booker, một trong những đối thủ của Yang ở đảng Dân chủ, đã ủng hộ một kế hoạch như vậy.

Tuy nhiên, suy cho cùng, chính sách “Thu nhập cơ bản toàn cầu” có thể thu hút những người Mỹ cảm thấy bị bỏ lại phía sau và những người không thấy thu nhập của họ tăng lên trong những năm gần đây.

Và nó cũng sẽ cung cấp một liều thuốc giải độc cho tương lai, nơi mà hàng chục triệu việc làm sẽ bị đe dọa bởi robot và trí tuệ nhân tạo.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục