Trần Bá Thìn là người năng động. Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học 15 năm trước, anh đã cùng nhóm bạn khởi sự kinh doanh một cửa hàng thức ăn nhanh, cung cấp hàng trăm suất ăn mỗi ngày cho làng sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2010, anh quyết định tự đi con đường riêng, thành lập công ty chuyên gia công phần mềm (IT Outsourcing) và duy trì hoạt động cho đến nay.
Trải qua hơn 12 năm trong nghề, tham gia nhiều dự án lớn nhỏ, Trần Bá Thìn dần nhận ra bản chất ngành IT Outsourcing, nếu không có gì đột phá, thì chỉ là ngành kiếm tiền trong ngắn hạn.
“Với mình, câu chuyện không chỉ là kiếm tiền, mà còn làm sao tạo lập thành tựu của cuộc đời, mang lại giá trị lâu dài cho xã hội”, chàng trai sinh năm 1988 tâm niệm.
Tình cờ một lần công ty outsourcing của anh nhận đơn đặt hàng làm phần mềm quản lý toà nhà từ một công ty quản lý bất động sản. Sản phẩm sau khi “ra lò” không quá hoàn hảo, nhưng khách hàng vẫn đồng ý sử dụng. Tò mò vì sao khách không sử dụng phần mềm đã có sẵn trên thị trường, mà chấp nhận một sản phẩm “khá tệ”, Thìn nhận được câu trả lời đầy bất ngờ: “Tệ nhưng ít ra còn đáp ứng cơ bản được cho bên chị, các bên khác đã thử hết rồi nhưng không dùng được”.
Câu trả lời khiến Thìn như chạm tới “ánh sáng cuối đường hầm” sau một thời gian thử và sai với hàng loạt ý tưởng start-up mới. Cùng lúc đó, thời điểm nửa sau năm 2019, nhu cầu chuyển đổi số đi kèm với xu hướng sử dụng phần mềm dịch vụ (SaaS) từ các doanh nghiệp tăng cao, anh quyết định tái khởi nghiệp bằng một nền tảng chuyển đổi số cho ngành quản lý vận hành chung cư, tòa nhà. Và PiHome đã bắt đầu như vậy.
CEO 8x thừa nhận, nhìn sơ qua, PiHome không khác nhiều so với các giải pháp đã tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên, các giải pháp khác lấy việc khai thác dữ liệu cư dân để cung cấp dịch vụ (sửa chữa, môi giới bất động sản, thuê trọ…), làm động lực tăng trưởng, còn bán phần mềm chỉ là phụ. Trong khi đó, PiHome định vị trở thành một hệ điều hành thông minh cho tòa nhà, tôn trọng tuyệt đối tính bảo mật của khách hàng và quyền riêng tư của cư dân.
Là nền tảng B2B (doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp), PiHome đem tới cùng lúc 3 bộ giải pháp: bộ giải pháp quản lý, bộ giải pháp vận hành và bộ giải pháp thống kê tài chính. Không chỉ phù hợp với mô hình quản lý chung cư, PiHome còn đáp ứng mọi mô hình tòa nhà, khu phức hợp, trung tâm thương mại...
Chính thức ra mắt từ đầu năm 2021, đến nay, PiHome đã ký kết hợp tác với 200 tòa nhà. Khách hàng đầu tiên cũng như tất cả khách hàng sử dụng PiHome đều gắn bó lâu dài với nền tảng, cho đến nay chưa có khách hàng nào rời bỏ.
Bí quyết khởi nghiệp cùng… vợ
Và một điều quan trọng nữa, là con mình phải được dành thời gian chăm sóc, yêu thương, kết nối. Thời gian sẽ trôi nhanh và thành công nếu có, sẽ không còn trọn vẹn, nếu người khởi nghiệp tập trung quá vào công việc khiến con trẻ bị tổn thương.
Trần Bá Thìn cho biết, điều PiHome tự hào nhất là có đội ngũ nhân sự “xịn sò” và tâm huyết. Với một start-up làm về công nghệ, trong những ngày đầu nguồn vốn còn eo hẹp, làm sao tuyển được người phù hợp là một bài toán hóc búa.
Thìn vẫn nhớ, suốt 3 tháng trời, anh “đỏ mắt” đọc từng profile trên Linkedin để tìm kiếm các kỹ sư công nghệ, lục lọi trong danh sách hàng trăm kỹ sư từng làm việc với mình để đề nghị cùng hợp tác. May mắn, anh tìm được 6 nhân sự tài năng, tạo thành bộ khung vững chắc cho PiHome phát triển. Họ cùng anh đồng hành, chiến đấu từ giai đoạn đầu mà không đòi hỏi gì về quyền lợi.
Nhưng nhân sự đặc biệt nhất trong đội ngũ lãnh đạo PiHome có lẽ phải kể đến đồng sáng lập Lê Hoài Thanh, cũng là người bạn đời của Trần Bá Thìn. CEO 8x chia sẻ rằng, vợ chồng anh yêu nhau từ năm nhất đại học, từng “đồng cam cộng khổ” nhiều năm trên hành trình gây dựng sự nghiệp. Hoài Thanh vốn có nền tảng là một luật sư đầy triển vọng, nhưng đã rút lui để cùng khởi nghiệp với chồng.
“Vợ mình có lẽ là người có năng lực chuyên môn và làm việc quyết liệt, hiệu quả nhất mình từng biết”, Trần Bá Thìn không giấu nổi sự tự hào khi nhắc đến vợ.
Trong mô hình PiHome, Thìn là người đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm cho toàn bộ hoạt động của start-up. Nếu hai vợ chồng phát sinh mâu thuẫn liên quan đến công việc, họ sẽ từ từ ngồi xuống, tìm ra nguyên nhân gốc rễ với một tư duy tích cực, để mâu thuẫn tự mất đi. Khi đó, chỉ còn lại câu hỏi “giải pháp là gì” và nếu đã xác định xong giải pháp, họ lại cùng nhau giải quyết.
Với bất kỳ nhà sáng lập nào, khởi nghiệp là hành trình chạy marathon nhiều chặng, cần có sự tiếp sức từ đồng đội để đi đến đích. Vậy nên, Thìn cho rằng, nếu tìm được một nhà đồng sáng lập là vợ/chồng, hành trình khởi nghiệp sẽ trở nên hấp dẫn, xứng đáng và thú vị hơn. Tuy nhiên, khi lựa chọn khởi nghiệp cùng người bạn đời, cả hai càng phải có trách nhiệm và phải làm sao để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến con cái, đặc biệt trong những thời khắc khó khăn.
Thìn chia sẻ, trong phim “Cướp biển vùng Caribbean”, khi con tàu của Hải quân Hoàng gia Anh bị đánh chìm bởi tàu Ngọc Trai Đen sau nhiều năm truy đuổi Jack, thuyền trưởng hạm đội tàu Hoàng Gia danh tiếng đứng trên con tàu đang bị đánh chìm, với ánh mắt bất lực, miệng lẩm bẩm: Just Only Business (chỉ là công việc thôi mà). Đó là hình ảnh thú vị và gây ám ảnh.
“Là một nhà sáng lập, mình tự nhủ, phải vững vàng, dù chuyện gì đến thì đó cũng chỉ là công việc, cần cố gắng hướng tới suy nghĩ tích cực, lạc quan. Lo nghĩ nhiều quá sẽ khiến mình bị hút cạn năng lượng và bị đánh gục bất cứ lúc nào”, CEO Trần Bá Thìn nói.