Doanh nhân Thiều Phương Nam: Làm công nghệ, phải… hoang tưởng mới thành công

Rất mực điềm tĩnh và rất đỗi khiêm nhường, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam và Lào, Campuchia có vẻ “đúng chất” một “người đàn ông công nghệ” - như ông vẫn thích mọi người gọi mình như vậy - hơn là một người làm kinh doanh. 

Doanh nhân Thiều Phương Nam Doanh nhân Thiều Phương Nam

Nhưng trò chuyện với ông mới thấy rõ những khát khao cháy bỏng đưa Việt Nam tới gần hơn với thế giới bằng công nghệ, và gần 20 năm qua, ông đã làm được điều đó - bằng con mắt của một doanh nhân.

1.“Có ai nói với ông rằng, trông ông rất hiền lành, sợ rằng không phù hợp với vị trí CEO của một tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới ở Việt Nam không?”. Thấy tôi bắt đầu câu chuyện bằng câu hỏi ấy, Thiều Phương Nam chỉ cười hiền lành và thừa nhận điều đó. Nhưng ông bảo, thước đo quan trọng nhất chính là hiệu quả công việc, chứ đâu phải cứ… quát nạt nhân viên mới là giỏi.

“Tôi chọn cách làm ngược lại, luôn động viên, hỗ trợ nhân viên. Quan trọng nhất với người quản lý là đặt ra tầm nhìn cho công ty, chọn được người phù hợp cho từng công việc để thực hiện tầm nhìn đó”, Thiều Phương Nam cười nhẹ.

Có lẽ, đó là cách mà ông đã làm để mang lại thành công cho Qualcomm ngày hôm nay tại Việt Nam. Muốn đặt một phép so sánh giữa một Qualcomm Việt Nam lúc chưa có và đã có Thiều Phương Nam, song một cách khiêm nhường ông bảo, đó không phải là thành tích của riêng một cá nhân ai, bởi sự phát triển của Qualcomm Việt Nam là nằm trong chiến lược và sự phát triển chung của cả Tập đoàn. Nhưng đúng là để nhìn lại, thì 3 năm qua là một chặng đường phát triển ấn tượng của Qualcomm Việt Nam, và nó được đo một phần bằng chính sự phát triển của thị trường di động Việt Nam.

“Sự phát triển 3G ở Việt Nam rất ngoạn mục, thậm chí Việt Nam còn là điểm sáng trong khu vực và trên thế giới về sử dụng smartphone và 3G. Từ chỉ 3 triệu smartphone vào 3 năm trước, nay Việt Nam có 15 triệu smartphone; tỷ lệ người dùng 3G cũng tăng từ 10% lên 40%, một bước tăng trưởng đột phá. Nhờ công nghệ, mọi người đã có thể làm việc trong không gian di động, doanh nghiệp có thể tiếp cận với thị trường toàn cầu nhanh hơn”, Thiều Phương Nam nói và tự hào rằng, Qualcomm đã có những đóng góp tích cực vào thành công chung đó, vào cuộc cách mạng công nghệ ở Việt Nam trong những năm qua.

Còn cá nhân ông và các đồng sự của mình, 3 năm qua, đã không ngừng nỗ lực để làm việc và kết nối tất cả các đối tác trong hệ sinh thái di động, từ nhà cung cấp dịch vụ, các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối, người làm nội dung và cả các cơ quan quản lý…, để làm sao thúc đẩy sự phát triển 3G và sắp tới là 4G ở Việt Nam.

“Tới đây cũng vẫn sẽ như vậy, Qualcomm sẽ hỗ trợ hệ sinh thái di động triển khai thành công 4G. Internet of Things (IoT) giờ đã thành hiện thực, phải chọn một số lĩnh vực phù hợp Việt Nam để hỗ trợ phát triển. Chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ cho ngành công nghiệp địa phương trong tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn nữa, giờ Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất thiết bị di động của thế giới, cũng đã có điều kiện để trở thành trung tâm thiết kế. Qualcomm, với tiềm lực và kinh nghiệm của mình, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này”, ông Thiều Phương Nam nói. 

2.Rất mực điềm tĩnh và rất đỗi khiêm nhường, trông thư sinh và hiền lành. Đó là những gì mà nhiều người khi lần đầu tiên gặp mặt Thiều Phương Nam đều có thể cảm nhận. Trông ông có vẻ “đúng chất” là “một người đàn ông công nghệ” - như ông vẫn thích mọi người gọi mình như vậy - hơn là một người làm kinh doanh.

Mà Thiều Phương Nam đúng là người đàn ông công nghệ làm… kinh doanh. Bởi sau khi đạt học vị tiến sĩ ngành công nghệ bán dẫn ở Nga, ông trở về Việt Nam, gia nhập Intel Việt Nam vào năm 29 tuổi. Sau 10 năm làm ở Intel, với chức vụ cao nhất là Giám đốc Kinh doanh, ông chuyển sang làm Phó tổng giám đốc khu vực của IBM trong vòng 2 năm. Cuối năm 2012, ông chính thức ngồi vào vị trí Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam và Lào, Campuchia - vào đúng thời điểm mà khá nhiều đại gia công nghệ chọn các nhân tài trẻ Việt Nam làm CEO, vị trí mà trước nay chỉ dành cho người nước ngoài.

“Lúc đầu làm kinh doanh cũng bỡ ngỡ, nhưng chỉ giai đoạn đầu thôi. Sau đó, tôi học hỏi dần trong quá trình làm việc. Cũng có lợi thế là, vì tôi học công nghệ, hiểu về công nghệ nên rất thuận lợi khi làm việc với các đối tác, cũng… nói chuyện được với các kỹ sư”, Thiều Phương Nam cười và kể, khi mới nhậm chức CEO ở Qualcomm cũng thế, áp lực cũng có nhưng rất may mắn là thị trường Việt Nam rất thú vị và nhiều tiềm năng, nên ông rất hào hứng với việc thực hiện trọng trách của mình.

“Ở vị trí CEO quốc gia của một tập đoàn, người lãnh đạo phải làm sao trở thành cầu nối giữa tập đoàn với thị trường nội địa, xây dựng được kế hoạch tốt nhất để triển khai chiến lược của tập đoàn, và làm việc với các đơn vị khác trong tập đoàn để họ hiểu, hỗ trợ nguồn lực và sẵn sàng đầu tư thêm. Làm được hai việc đó, thì CEO sẽ thành công”.

“Vậy ông có làm được điều đó không, khi ở Qualcomm bây giờ, hay Intel, IBM trước đây?”. Đặt câu hỏi với ông như vậy và câu trả lời tôi nhận được cũng là một câu hỏi: “Vậy bạn nghĩ, tôi có làm được không?”.

Thật khó để “người ngoại đạo” như tôi có được câu trả lời chính xác. Chỉ biết rằng, trong suốt thời gian làm việc tại Intel, Thiều Phương Nam đã góp phần đẩy mạnh thị trường Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Intel trên toàn cầu. Thời gian làm việc ở IBM không nhiều, nhưng 3 năm ở Qualcomm Việt Nam và Lào, Campuchia, có lẽ điều mà ông làm được cho Tập đoàn và cho cả Việt Nam là không hề nhỏ.

Có một câu chuyện được Thiều Phương Nam kể rằng, khi lần đầu tiên được tiếp xúc với máy tính (lúc đang học đại học ở Nga), dù lúc đó rất to với đĩa mềm quay vù vù và hệ điều hành DOS, và khi lần đầu tiên được biết đến Internet, trong ông đã có khát khao Việt Nam cũng có máy tính, cũng có Internet. Bởi có Internet, có công nghệ, mọi thứ sẽ phát triển. Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc cách mạng công nghệ đó.

Khi đó, cũng có không ít lời mời ở lại nước Nga, nhưng quyết tâm cống hiến cho quê hương đã thôi thúc ông trở về. Để đến hôm nay, vẫn không bao giờ hối hận vì quyết định đó. Thậm chí, còn có chút tự hào, khi dù làm việc ở Intel, IBM hay Qualcomm, đều đã có thể góp sức mình để phát triển ngành công nghệ thông tin và thị trường di động Việt Nam. Nhờ vậy, các bạn trẻ khắp nơi đều có thể tiếp cận với máy tính, điện thoại thông minh, thậm chí với giá rẻ. Và sóng 3G thì cũng đang phủ rộng khắp Việt Nam. Còn Việt Nam đang ngày càng trở thành thị trường trọng điểm của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. 

3.Ba năm trước, khi Thiều Phương Nam nhậm chức CEO của Qualcomm Việt Nam và Lào, Campuchia, đã có một câu hỏi được gửi tới ông rằng, nếu có một bạn trẻ ước mơ tương lai sẽ được như Thiều Phương Nam thì ông sẽ trả lời thế nào. Khi ấy, câu trả lời là “bạn ấy phải giỏi hơn Thiều Phương Nam gấp nhiều lần”.

Lời khẳng định bây giờ vẫn thế, thậm chí phải đặt ra ở mức cao hơn. Vì sao ư? Vì 3 năm trước chỉ có 30% người dân dùng Internet, bây giờ là 50%. 3 năm trước, chỉ một số ít người dùng 3G, thì nay rất nhiều người đã sử dụng 3G để kết nối với bên ngoài. 4G cũng sắp cận kề…

“Tôi thật may mắn vì được làm việc trong các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới khi Internet mới chỉ sơ khai ở Việt Nam và đã thấy rất rõ, công nghệ ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của mỗi quốc gia, xóa khoảng cách số giữa các quốc gia, tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tham gia vào sân chơi chung của thế giới”, Thiều Phương Nam nói thế và bảo rằng, tất cả đang tạo cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam khởi nghiệp.

Mọi thứ thuận lợi hơn nhiều bởi khi ranh giới giữa các quốc gia bị xóa nhòa, thì mỗi ý tưởng của các bạn trẻ không còn chỉ giới hạn ở Việt Nam nữa, mà vươn ra toàn cầu. Chỉ cần có ý tưởng tốt, thế giới sẽ chấp nhận. Thế giới cũng đã phẳng nên nguồn lực đầu tư cho các ý tưởng đó sẽ không chỉ quẩn quanh ở Việt Nam. Cũng chẳng sợ đi sau, khi thế giới đã đầy rẫy các tập đoàn công nghệ thuộc hàng “khủng”, bởi chúng ta có cơ hội “đứng trên vai người khổng lồ”.

“Chỉ cần có đam mê và niềm tin, tôi tin là các bạn trẻ Việt Nam sẽ khởi nghiệp thành công. Chỉ khi có niềm tin thì họ mới có thể thuyết phục được các cộng sự và các nhà đầu tư, chẳng ai có thể thành công mà chỉ có một mình”, ông truyền kinh nghiệm cho các bạn trẻ Việt Nam đang nung nấu các ý tưởng khởi nghiệp như vậy.

Với ông, để thành công, điều quan trọng nhất là phải luôn làm mới mình bởi nếu không sẽ bị tụt hậu với cuộc cách mạng công nghệ đang thay đổi từng ngày. Không ngừng học hỏi và học hỏi.

“Có hai câu nói mà tôi rất thích. Đó là làm trong ngành công nghệ thì mình lúc nào cũng phải như người hoang tưởng, hoang tưởng về đối thủ cạnh tranh, hoang tưởng về sự thay đổi của công nghệ và hoang tưởng về sự thay đổi của thị trường. Nếu không hoang tưởng thì mình sẽ tụt hậu. Câu nói thứ hai là ngành này không kính trọng sự truyền thống, mà phải luôn sáng tạo. 20 năm trong ngành, tôi đã chứng kiến nhiều công ty một thời rất thành công nhưng rồi thất bại chỉ vì ngủ quên trên chiến thắng. Vì thế, phải luôn chuẩn bị cho sự thay đổi, một sự chuẩn bị mang tính sống còn và phải luôn luôn sáng tạo”, Thiều Phương Nam nói.

Một bài học cho giới trẻ bắt đầu khởi nghiệp hôm nay? Hay là cho chính ông? Có lẽ, đó là bài học cho sự thành công của không chỉ riêng một ai.

Tố Vương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục