Doanh nhân Quách Kiến Lân, CEO Vải sợi Bảo Lân: Đủ kiên nhẫn để kinh doanh bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Với doanh nhân Quách Kiến Lân, nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám thử, dám làm, không sợ thất bại là chìa khóa để anh và cộng sự kiên nhẫn với định hướng kinh doanh bền vững.
Doanh nhân Quách Kiến Lân. Doanh nhân Quách Kiến Lân.

Thoát ly vùng an toàn

Đã từng là du học sinh sống và học tập hơn 10 năm tại New Zealand, Quách Kiến Lân trở về Việt Nam mang theo bao kỳ vọng của gia đình về người kế nghiệp. Gia đình Lân theo nghiệp kinh doanh vải sợi truyền thống nhiều đời.

Thế nhưng, người kế nghiệp lại “từ chối” tham gia điều hành công ty của gia đình, lập công ty riêng mang tên Công ty TNHH MTV Vải sợi Bảo Lân.

“Vì quyết định này, ba mẹ giận tôi cả tháng trời. Họ cũng có lý do, vì gia đình đã có công ty, tại sao không làm, mà lại đi thành lập công ty riêng để làm gì”, Lân kể lại những ngày đầu tiên. Nhưng khi đó, Lân đang say sưa với hoài bão sẽ sản xuất các loại vải sợi thiên nhiên từ các loại cây trồng để tạo nguồn nguyên liệu “xanh” bền vững cho ngành dệt may Việt Nam, chấp nhận chọn con đường khó khăn hơn.

“Nhưng thực tế khó khăn hơn tôi dự liệu”, Lân kể. Công ty mới, thiếu đủ thứ, từ vốn liếng, kinh nghiệm, đến nguồn nguyên liệu sản xuất… Gỡ được những khó khăn này, sản xuất ra được vải sợi sinh thái, thì không công ty may mặc nào đón nhận, vì sản phẩm mới mà giá lại cao…

“Có lần, tôi vô tình thấy khách hàng còn ném tấm vải mà mình vừa chào hàng vào sọt rác. Lúc đó, tôi buồn vô cùng, nhưng không hiểu sao tôi không muốn dừng lại. Tôi muốn sản phẩm của mình được thị trường đón nhận, dù trước đó có lúc tôi cũng lo không biết có trụ nổi không”, Quách Kiến Lân kể.

Thế rồi, “sau cơn mưa trời lại sáng”, thành quả đã đến với Lân và cộng sự sau những ngày tháng kiên trì, tìm tòi cải tiến sản phẩm, tạo ra nhiều tính năng hơn. Công ty Bảo Lân chính thức ra mắt loại vải sợi sinh thái mang tên Greenyarn.

Sợi vải Greenyarn được sản xuất từ nguồn gốc tự nhiên như cây bông cotton, cây tre, bột gỗ để tạo ra các sợi vải sinh học thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Quan trọng là tiêu chí phát triển bền vững “xanh” trong sản phẩm vải sợi của Bảo Lân nhận được sự tin tưởng của rất nhiều đối tác nước ngoài. Từ đó, các nhà máy may mặc sản xuất sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu liên tục đặt hàng vải sợi sinh thái của Bảo Lân.

Đến nay, Bảo Lân đã cho ra đời hai thương hiệu vải là Greenyarn và W.ELL Fabric. Trong đó, thương hiệu Greenyarn tập trung vào tìm nguồn, phát triển và phân phối sợi vải bền vững số lượng lớn đến các nhà máy may mặc tại Việt Nam. Còn thương hiệu W.ELL Fabric chuyên cung cấp nguyên liệu vải sinh thái, vải đặc biệt cho các đơn hàng theo yêu cầu.

Sau thành công của 2 loại vải sinh thái, mới đây, Quách Kiến Lân tiếp tục tung ra thị trường sản phẩm tất tái chế mang tên Re.socks. Vải để may tất tái chế được dệt từ các hạt nhựa tạo ra từ các chai nhựa đã qua sử dụng được làm sạch, lọc tạp chất và xử lý.

Nhưng đó chưa phải là điểm giới hạn mang tên vải sinh thái mà Lân đang làm. Hiện tại, Quách Kiến Lân đang nhìn thấy vải, sợi dệt từ cây chuối, cây dứa…

“Khi đi qua các vùng trồng chuối như Long An, Đồng Nai, tôi thấy phần lớn thân cây chuối và cây dứa bị chặt bỏ đi rất lãng phí và gây ô nhiễm môi trường. Nếu tận dụng được thân cây chuối và cây dứa để sản xuất thành vải sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Nhưng việc cần làm trước hết là biến phụ phẩm từ chuối và dứa thành vải sợi thiên nhiên”, Lân chia sẻ.

Cơ may đến khi Trường đại học Công nghiệp TP.HCM cũng đang nghiên cứu đề tài sản xuất vải từ sợi chuối và dứa. Có thông tin, Lân lập tức tìm đến gặp chủ nhiệm đề tài để thảo luận, đề nghị đồng hành thực hiện và cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ khi sản phẩm được thương mại hóa.

“Giữa tháng 12/2022, đề tài sản xuất vải sợi từ cây chuối và cây dứa đã chính thức được nghiệm thu để bước vào giai đoạn sản xuất”, Lân hào hứng.

Kế hoạch lớn nhất tiếp theo của Lân là sản xuất vải từ thân cây chuối trên quy mô lớn nhằm giảm giá thành xuống mức “bình dân”, để ai cũng có thể mua được sản phẩm quần áo được làm từ chính các sản phẩm nông nghiệp của người Việt.

Không chỉ phát triển dự án biến cây chuối, cây dứa thành vải sợi, Lân còn kết hợp với các trường đại học để nghiên cứu các loại vải có tính năng bảo vệ sức khỏe người dùng như vải kháng UV, kháng côn trùng, kháng mùi…

CEO Quách Kiến Lân mong muốn làm ra những loại vải thân thiện với môi trường. Trong ảnh: Anh Lân giới thiệu sản phẩm vải lụa tre nhân dịp Hội nghị Tổng kết ngành dệt may năm 2022
CEO Quách Kiến Lân mong muốn làm ra những loại vải thân thiện với môi trường. Trong ảnh: Anh Lân giới thiệu sản phẩm vải lụa tre nhân dịp Hội nghị Tổng kết ngành dệt may năm 2022

Luôn giữ tinh thần khởi nghiệp

Mặc dù không muốn nhắc nhiều đến những thất bại trước đây, nhưng Quách Kiến Lân không quên được những chuỗi ngày gian khó. Nhìn lại hành trình hơn 10 năm với nhiều thăng trầm và đầy thử thách, vị doanh nhân này đã đúc rút được nhiều bài học quý giá trong kinh doanh.

Anh chia sẻ, làm kinh doanh, việc đầu tiên là phải chịu được áp lực, áp lực từ gia đình, áp lực kinh doanh, áp lực duy trì sự tồn tại của công ty... Trong suy nghĩ của Lân, người đứng đầu doanh nghiệp cũng giống như người thuyền trưởng điều khiển con tàu, khi ra khơi, gặp sóng to, gió lớn thì phải chèo lái con thuyền đứng vững vượt qua sóng gió. Với doanh nghiệp cũng vậy, nếu người đứng đầu chịu được áp lực, vượt qua được thử thách, thì mới có thể đưa doanh nghiệp tiến lên.

Đến nay, sản phẩm vải sợi xanh của Bảo Lân được nhiều đối tác nước ngoài ưa chuộng. Dù đã khá thành công, nhưng trong suy nghĩ của Quách Kiến Lân, một start-up sẽ không có khái niệm dừng lại.

“Tôi muốn bản thân mình và các cộng sự luôn mang tinh thần của một công ty khởi nghiệp, đó là dám dấn thân, dám lăn xả, cùng nhau làm, cùng nhau suy nghĩ. Khi thử nghiệm thất bại, thì phải biết cách chuyển hướng. Còn cứ suy nghĩ là mình đã thành công rồi, thì sẽ có tâm lý ngủ quên trên chiến thắng”, Lân tâm sự.

Hiện tại, Quách Kiến Lân vẫn trăn trở làm sao để làm ra những loại vải thân thiện với môi trường, sản xuất quy mô lớn, giảm giá thành để ai cũng có thể mua được; xa hơn nữa, là nghiên cứu phát triển các sản phẩm mà từ nguồn nguyên liệu cho đến sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng đều là sản phẩm bền vững…

“Mục tiêu của tôi là tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường”

Điều gì khiến anh quyết tâm sản xuất loại vải từ cây chuối và dứa?

Tôi mong muốn sẽ đưa cây chuối và cây dứa trở thành nguồn nguyên liệu mới cung cấp cho ngành may mặc. Đồng thời, tôi muốn giúp người nông dân tăng thêm thu nhập từ trồng chuối, dứa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mục tiêu của anh và Công ty trong những năm tới là gì?

Mục tiêu của tôi là tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường đến được tay người tiêu dùng phổ thông. Kế hoạch đến năm 2035, hoạt động sản xuất vải sợi của Bảo Lân không phát thải khí carbon để góp phần cùng

Chính phủ thực hiện cam kết giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 vào năm 2050.

Làm ra sản phẩm “xanh” bền vững chi phí cao, nhưng lợi nhuận thu lại ít, vì sao anh vẫn quyết làm?

Làm kinh doanh bền vững cần sự kiên nhẫn. Có nhiều thời điểm, tôi chấp nhận lỗ để làm ra sản phẩm với mục tiêu lâu dài vì cộng đồng, vì môi trường.

Lợi nhuận thu được từ việc bán các sản phẩm như tất tái chế sẽ được trích ra 50% để giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học và thực hiện các dự án hướng về thiên nhiên như trồng san hô biển, trồng cây xanh…

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục