1.
“Có ông Đoàn Phú Thái trong Top 10 đấy”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Hội đồng bình xét của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì thào sau khi VCCI họp báo công bố đã hoàn tất việc bình chọn 60 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022.
Cách đây vài ngày, khi nhận lời tham gia Chương trình Đối thoại đầu tuần với chủ đề Doanh nhân Việt - Những trái tim dũng cảm của Báo Đầu tư, ông Cung đã đề nghị mời ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, người ông vẫn hay gọi là… Đoàn Phú Thái, cùng tham gia, vì “ông ấy có thể nói về liêm chính trong kinh doanh”.
Cuộc đối thoại đã diễn ra rất thẳng thắn về thực tế kinh doanh ở Việt Nam, về những cái tên đang làm thị trường chao đảo bởi hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm tính liêm chính và cả về những doanh nghiệp đang lao đao khi doanh nhân đứng đầu rơi vào vòng lao lý, khi việc xử lý sai phạm không tách bạch được giữa doanh nhân và doanh nghiệp, đù đó là hai thực thể khác nhau cả về nghĩa vụ, trách nhiệm…
Thực tế, không phải doanh nhân nào cũng sẵn sàng nhận đề nghị này. Bản thân ông Đoàn cũng thẳng thắn, trong kinh doanh, nhất là trong môi trường cơ chế, chính sách đôi khi vẫn chưa thực sự thị trường, vẫn cần hoàn thiện nhiều, không ai có thể chắc chắn về sự đúng sai.
Tuy nhiên, nhìn vào con đường của Tập đoàn Phú Thái, có thể hiểu đôi phần vì sao ông không ngần ngại chia sẻ về vấn đề mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho là nhạy cảm.
Trong tư duy kinh doanh của ông Đoàn, khi các tập đoàn nước ngoài muốn vào Việt Nam, đầu tiên, họ muốn có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh của Việt Nam, vì họ cần điểm tựa địa phương. Vì vậy, ngay từ đầu, ông đã xây dựng Phú Thái theo định hướng thương hiệu trung thực, chân thành, cầu thị và nghiêm túc. Tất nhiên, chọn con đường này đồng nghĩa với sự khó khăn, vất vả hơn của cả hệ thống.
Nhân viên của ông từng kể, với ông Đoàn, đừng bao giờ đề cập “đánh nhanh, thắng nhanh”, vì ông chấp nhận đi chậm để ổn định nền móng, rồi chờ thời cơ tăng tốc mạnh mẽ. Nên ngay cả khi cấp dưới được giao quyền, nguyên tắc “tính toán đường đi nước bước” cụ thể, kỹ lưỡng, uy tín luôn là tiêu chí hàng đầu.
Nhưng nhìn vào danh sách đối tác chiến lược của Phú Thái, kết quả của hành trình chọn cách “đứng trên vai người khổng lồ” của ông Đoàn thực sự đáng kể. Có thể thấy P&G, Catepillar (Mỹ), PON (Hà Lan), Itochu, Colowide, Watakyu (Nhật Bản), BJC (Thái Lan), Elphistone (Australia), Medion (Indonesia), Land Rover, Jaguar (Anh)…
2.
Phú nghĩa là phú quý và Thái là thái bình. Chọn tên Phú Thái cho doanh nghiệp là để nhắc nhở phải tạo được những giá trị lớn cho cộng đồng, cho đất nước và con người Việt Nam.
Ông Đoàn chia sẻ về con đường lâp nghiệp cách đây gần 30 năm, vào năm 1993, khi quyết định rời bỏ con đường nghiên cứu khoa học để kinh doanh độc lập vì phát hiện “khoảng trống” cùng tiềm năng khổng lồ từ thị trường phân phối và bán lẻ Việt Nam.
Năm 1987, ông Đoàn được phân về làm cán bộ nghiên cứu tại Viện Công nghiệp thực phẩm trực thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công thương). Nhận công tác vào đúng giai đoạn nền kinh tế đất nước bước sang thời kỳ mở cửa và có nhiều chuyển biến tích cực, nên ông nhanh chóng trở thành một cán bộ “nguồn” giỏi chuyên môn của Viện, được cử đi tu nghiệp ở Thái Lan và Pháp.
Nhớ lại giai đoạn này, ông nói, nhiều người cứ nghĩ ông sẽ tiến xa hơn trên con đường nghiên cứu khoa học, nhưng chính thời gian va chạm, tiếp xúc với môi trường kinh tế hiện đại, sôi động tại các nước phát triển khiến ông thay đổi.
“Ngay thời điểm đó, tôi đã nghĩ, dù ở cương vị nào, làm trong Nhà nước hay tư nhân cũng đều tốt nếu mình phát huy tối đa năng lực để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, việc làm và nộp thuế cho Nhà nước”, ông Đoàn kể khi quyết định bước chân sang lĩnh vực kinh doanh, trong tay chỉ có vỏn vẹn 3.000 USD tích lũy từ những ngày học tập tại nước ngoài, chưa có kinh nghiệm “tác chiến”.
Đến giờ, ông vẫn giữ nguyên định hướng này, với một cách nói “hiện đại hơn”, đó là “ 3 chữ win” - nghĩa là lợi ích của Công ty luôn đi cùng với lợi ích cho đối tác và đất nước. Tất nhiên, gánh nặng trách nhiệm sẽ lớn hơn.
Phú Thái khi thành lập chỉ là một công ty nhỏ có 10 nhân viên, rất khác với Tập đoàn Phú Thái hiện nay. Với hệ thống gần 50 công ty thành viên, hoạt động ở nhiều lĩnh vực, như Phú Thái CAT (máy móc xây dựng và động cơ điện), Kowil (thời trang), GreenVet (thuốc thú y), Phú Thái Group (hàng tiêu dùng), Phú Thái Mobility (xe ô tô), Phú Thái H&B (sức khỏe và sắc đẹp), Phú Thái Invest (giáo dục, nhà hàng, dược phẩm…), cùng đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm và gần 5.000 cán bộ, nhân viên hoạt động trải rộng toàn quốc, Tập đoàn đạt doanh số gần 10.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm.
“Tôi luôn mong muốn Phú Thái ngày càng phát triển cùng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển và hội nhập của đất nước để sánh vai cùng với các nước phát triển trong khu vực. Chìa khóa để thực hiện mong muốn này chính là doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật, làm ăn bài bản, chuyên nghiệp”, ông Đoàn chia sẻ.
Song, gốc của vấn đề này, ông Đoàn thừa nhận, doanh nhân phải kinh doanh có đạo đức, có văn hóa và cả sự liêm chính. Chính yếu tố này quyết định hướng đi của doanh nghiệp, đầu tư vào đâu, ứng xử trong doanh nghiệp, với thị trường, với đối tác thế nào… Văn hóa doanh nghiệp cũng thành hình trên cơ sở này.
3.
Trong cuộc giao lưu với các sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội hồi đầu năm, ông Đoàn đã khiến cả hội trường nóng lên khi gửi đi thông điệp: “Các bạn trẻ nên nuôi dưỡng giấc mơ trở thành tỷ phú USD”. Khát vọng làm giàu hay cống hiến lâu nay vẫn là nội dung gây tranh luận trong các cuộc trao đổi định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ. Với ông Đoàn, đây là 2 mặt của một vấn đề và không có gì đối lập.
“Có thể trở thành tỷ phú USD là một giấc mơ xa vời với nhiều bạn trẻ, nhưng nếu sẵn sàng mơ, chắc chắn các bạn sẽ rất nghiêm túc trong vấn đề đầu tư cho bản thân, học tập, tìm tòi, tìm kiếm sự hỗ trợ, cùng nhiều hành động để hiện thực hóa giấc mơ ấy”, ông Đoàn bày tỏ rõ ràng quan điểm.
Đây là điều mà 30 năm trước, ông và thế hệ doanh nhân Việt Nam đã mơ và đang hiện thực hóa giấc mơ bằng mồ hôi, nước mắt và nhiệt huyết không ngừng nghỉ. Điều đáng nói là ông và nhiều doanh nhân thế hệ đầu tiên đang sẵn sàng hậu thuẫn cho những người dám mơ và bắt tay hiện thực hóa giấc mơ lớn.
Ông Đoàn đang là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam, là Chủ tịch Quỹ BK Fund (Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội), tham gia đầu tư vào ThinkZone… Trong dự định của ông luôn có các kế hoạch thúc đẩy đội ngũ doanh nhân kế nghiệp, đặt họ vào trách nhiệm với doanh nghiệp; kế hoạch trợ giúp các ý tưởng khởi nghiệp của các sinh viên, của giới khởi nghiệp ngay từ khi bắt đầu… Cùng với đó là các khoản đầu tư không hề nhỏ, đi kèm với những rủi ro lường trước.
Đây không phải là mối quan tâm chính của ông Đoàn khi chia sẻ về kế hoạch đầu tư cho khởi nghiệp. “Có thể có ý tưởng thành công, có ý tưởng không, nhưng đi cùng với nhau, chúng ta sẽ có một thế hệ doanh nhân được tôi luyện tốt trong tương lai. Nền kinh tế Việt Nam cần những doanh nhân được tôi luyện”, ông Đoàn nói.
Trò chuyện với doanh nhân Phạm Đình Đoàn
Ông nghĩ thế nào về văn hóa doanh nhân Việt?
Không phải dễ dàng định nghĩa về văn hóa doanh nhân Việt, vì văn hóa là cuộc sống, được đúc rút trong hành trình phát triển.
Sau hơn 30 năm đổi mới, có thể thấy, chúng tôi - những doanh nhân Việt Nam đã chững chạc hơn, đi cùng với các đối tác lớn của thế giới một cách tự tin hơn. Đây cũng là lý do tôi không ngần ngại khi nói về liêm chính trong kinh doanh.
Chắc chắn, sớm hay muộn, văn hóa doanh nhân Việt sẽ định hình rõ nét hơn, để có thể gọi tên.
Nhưng lúc này, điều tôi tâm tư là đa phần doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang dựa nhiều vào doanh nhân. Nếu doanh nhân có vấn đề, nhiều khi cả doanh nghiệp bị hủy hoại.
Vậy nên, không chỉ doanh nhân nhận thức và thực hành đạo đức kinh doanh, cả cộng đồng cùng hướng tới mục tiêu này, để hình thành văn hóa kinh doanh, từ đó để có ứng xử thực sự phù hợp, thúc đẩy văn hóa kinh doanh, tinh thần kinh doanh của người Việt Nam.
Để nói về các doanh nhân Việt Nam, ông muốn chia sẻ điều gì vào thời điểm này?
Doanh nhân cũng là người Việt, chúng tôi đều yêu nước, muốn cống hiến cho đất nước trong công việc của mình. Với nhiều doanh nhân lớn, tiền bạc không còn là mối quan tâm chính nữa, mà là mong muốn đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, vào sự phát triền của đất nước, để Việt Nam thực sự sánh vai được với các nước trên thế giới.