Doanh nhân Nguyễn Trần Thi: Cân bằng “phương trình”cung ứng nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Koina trong tiếng Hawaii nghĩa là cân bằng và Nguyễn Trần Thi cùng 8 người bạn thành lập Koina với ước mơ định hình lại chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp để “phương trình” này trở nên cân bằng hơn.
Doanh nhân Nguyễn Trần Thi, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Koina Investment Group. Doanh nhân Nguyễn Trần Thi, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Koina Investment Group.

1. Xuất hiện tại điểm hẹn đúng 3 giờ chiều, Nguyễn Trần Thi sẵn sàng cho buổi phỏng vấn như kế hoạch. Vừa kéo ghế ngồi xuống, doanh nhân trẻ 32 tuổi này vừa nói đầy hứng khởi: “Đúng thời điểm là yếu tố cốt lõi để có thể rút ngắn ‘khoảng cách’ cả về chi phí lẫn quãng đường giữa hai đầu cung - cầu trong mọi chuỗi cung ứng”.

Đây chính là bài toán mà đội ngũ Koina đang giải trong chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp. Họ tham vọng có thể tác động trực tiếp từ nông dân (mắt xích đầu tiên trong chuỗi giá trị) đến từng điểm bán như hộ kinh doanh, sạp chợ, nhà hàng, siêu thị…, đảm bảo nhanh và đúng chất lượng như đã cam kết, cùng mức giá rẻ hơn cả chợ đầu mối.

Song bài toán này có nhiều phép tính và ở mỗi giai đoạn phát triển, đều cần những lời giải khác nhau. Thông qua mối quan hệ với hợp tác xã để đưa các ứng dụng công nghệ lần theo dấu chân người nông dân trên đồng ruộng được cho là bước đầu tiên cần thực hiện.

Nếu giữ tròn vai trong việc đảm bảo đầu ra ổn định, họ có thể tạo sự hợp tác bền chặt với các hợp tác xã - đối tượng gần dân, được dân đặt sự tin tưởng cao hơn doanh nghiệp không tên tuổi như Koina. Khi có đầu mối tiêu thụ, nông dân có thể yên tâm trồng nông sản với chất lượng, sản lượng cao và ổn định hơn.

Trần Thi có hơn 10 năm lăn lộn trong chuỗi cung ứng, nhưng Koina chỉ là doanh nghiệp vài tháng tuổi. Ở quy mô còn khiêm tốn như hiện tại, cũng như số lượng hợp tác xã liên kết còn ít ỏi, Koina phải thu gom nguồn hàng từ nhiều nơi, kể cả từ thương lái trước khi phân phối trực tiếp đến các sạp của tiểu thương tại chợ, nhà hàng…

Nhặt nhạnh, thu gom hàng hoá tại vườn trước khi phân phối đến cửa hàng không phải cách làm mới khi thị trường đã và đang có nhiều doanh nghiệp hoạt động. Với Trần Thi, điểm khác biệt của Koina tại mắt xích này nằm ở khả năng thu mua toàn bộ sản phẩm trên mỗi mảnh vườn, dù đó là hàng loại 1 hay thấp hơn. Nông dân cũng thích làm ăn với ai có thể bao tiêu cả vườn, thay vì nhọc công chọn loại 1 bán cho một doanh nghiệp và loại thấp cấp hơn lại phải tìm đến kênh thương lái.

“Khi đảm bảo đầu ra cho mọi loại sản phẩm với vùng trồng đủ lớn, chúng tôi mới có ‘tiếng nói’ cho việc áp dụng công nghệ trong quá trình canh tác dựa trên dữ liệu đã thu thập và từng bước cung cấp vật tư đầu vào đúng thời điểm, đủ liều lượng”, Trần Thi mô tả, đồng thời kỳ vọng vào khả năng làm việc trực tiếp, sát sao với nông dân từ các hợp tác xã.

2. Theo số liệu của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), kênh thương mại truyền thống nội địa chiếm khoảng 90% toàn ngành bán lẻ, trong khi kênh hiện đại chỉ tầm 8%. Cơ hội với Koina sẽ rất lớn nếu có thể phân phối đến tận cửa các kênh truyền thống. Dù phải chấp nhận đặc thù công nợ dài, nhưng doanh nghiệp này cũng không bỏ qua mối quan hệ hợp tác với các siêu thị - kênh có thể tiêu thụ lượng lớn hàng hoá, giúp gia tăng giá trị thương hiệu Koina.

Nhưng tại sao các kênh truyền thống cũng như hiện đại phải mua hàng từ Koina, trong khi từ trước đến nay, họ không thiếu người cung cấp? Lợi nhuận sẽ luôn là yếu tố khiến mọi doanh nghiệp đều phải cân nhắc mỗi khi ra quyết định.

Thực tế, do hạn chế về quy mô và sự phân tán của thị trường bán lẻ dẫn đến chuỗi cung ứng không được tối ưu, nên cả những người bán hàng lẫn người tiêu dùng cuối đều phải chi giá cao cho các sản phẩm, trong khi người trực tiếp tạo ra hàng hoá là nông dân lại được hưởng khoản thu thấp nhất. Quá nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng có thể kéo tăng chi phí và bào mòn lợi nhuận của tất cả các thành tố.

Trần Thi tính toán, gần 15% sản phẩm nông nghiệp sẽ bị bỏ đi ở khu vực tiêu dùng và là rác thải, gây ảnh hưởng môi trường. Đó là chưa kể đến 5-7% hàng hoá thất thoát, hư hỏng ở cửa hàng bán lẻ, 8-10% thất thoát, hư hỏng khi di chuyển từ nơi trồng đến cửa hàng bán lẻ và không hề tính đến việc dư thừa sau khi đã thành thức ăn. Nếu gần 30% sản phẩm này ở lại vùng sản xuất, thì có thể giảm ngay 30% chi phí vận hành, đồng thời còn trở thành nguồn phân bón cho cây trồng.

Với mô hình của Koina, Trần Thi ước chừng, đội ngũ này có thể giảm tối thiểu 30% chi phí trong chuỗi cung ứng so với hiện tại. Con số này không thể đạt được nếu thiếu một mắt xích cực kỳ quan trọng là các trung tâm phân phối. Mọi loại nông sản hay vật tư sẽ được lưu chuyển vào ra liên tục từ các kho hàng này dựa trên dữ liệu hai đầu cung - cầu theo thời gian thực. Đây cũng là cơ sở để Koina đàm phán sản lượng, giá cả khi mua hay bán các mặt hàng.

Một lần nữa, Thi nhắc đến vai trò của việc đúng thời điểm. “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” là đặc thù với nông sản, bắt đầu từ khi thu hoạch đến lúc đưa đến tay người tiêu dùng. Thế nên, tỷ lệ hao hụt sẽ không ngừng tăng nếu quá trình vận chuyển, bảo quản không đạt quy chuẩn hoặc tồn kho dài ngày.

“Tạo ra công nghệ, quy trình vận hành đảm bảo việc luân chuyển hàng hoá ra - vào kho cũng như điểm cuối nhanh chóng là thế mạnh của tôi”, Thi nói và lý giải thêm, thay vì tự xây dựng tất cả trung tâm phân phối, Koina sẽ đi theo hướng “con nhà nghèo”, nghĩa là bắt tay hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics hiện có trên thị trường chưa thể tối ưu những nguồn lực hiện hữu.

Việt Nam có nhiều công ty logistics nhưng rời rạc. Với vài chiếc xe, họ có thể cung cấp dịch vụ vận tải, trong khi để có lộ trình tối ưu chi phí, đội xe phải tương thích với số lượng, khu vực đặt kho hàng. Ngoài ra, Thi cho rằng, với kinh nghiệm hơn 10 năm quản lý chuỗi cung ứng, anh có thể cùng các công ty logistics đưa công nghệ vào vận hành các kho, xe, giúp tối ưu hiệu suất sử dụng các tài sản cố định, đồng thời thêm doanh thu khi liên kết với Koina.

3. Người tiên phong thường phải chắn gió cho những người đi sau. Liệu hiện tại có phải thời điểm thích hợp để đội ngũ Koina đặt nền móng cho tham vọng xây dựng lại chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp? Câu hỏi này cần có thêm thời gian để đưa ra câu trả lời thích đáng.

“Lời giải trên giấy cho bài toán này đã có. Còn lời giải thực tế, tôi nghĩ phải 3-4 năm nữa mới biết mình đúng hay không. Bởi công nghệ chỉ là cái cần trong chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp, nhưng nếu chỉ giải một phần của vấn đề, thì cuối cùng, phương trình vẫn không cân bằng được”, Trần Thi mô tả sơ lược về mức độ phức tạp của mô hình Koina đang theo đuổi.

Song, với đồng sáng lập Giao hàng Nhanh, một trong những người đặt nền móng ban đầu cho One Mount Group như Nguyễn Trần Thi, bài toán càng khó, thách thức càng lớn, mức độ tác động càng rộng, lại càng hấp dẫn để theo đuổi.

Đổ gãy chuỗi cung ứng trở thành cụm từ được nhắc đến liên tục trong gần 24 tháng qua, kể từ khi đại dịch xuất hiện, đặc biệt trong làn sóng dịch lần thứ tư ở Việt Nam. Đây cũng chính là thời điểm ghi nhận bước ngoặt trên con đường sự nghiệp của Thi, khi rời One Mount Group và tự tin có thể góp sức giải quyết được những điểm còn yếu trong chuỗi cung ứng nông nghiệp nội địa, bằng những năng lực, kinh nghiệm sẵn có của mình.

Việc vận hành logistics của One Mount Group vốn rất phức tạp khi vừa phải quản lý chuỗi cung ứng, vừa phải khắc phục những điểm yếu trong luồng phân phối sản phẩm tiêu dùng nhanh từ nhà sản xuất đến tiệm tạp hóa. Và khi nhắm vào nhóm sản phẩm đặc thù có quy mô nhỏ lẻ như nông sản, bài toán này càng khó gấp nhiều lần.

“Điều chắc chắn khi làm mô hình này là rủi ro cũng lớn hơn (so với tiếp tục làm việc tại One Mount Group - PV) và cũng không chắc có thành công hay không. Nhưng nếu không bắt đầu thì sau này sẽ rất hối hận”, Thi nói về kỳ vọng sử dụng các thế mạnh của bản thân để định hình lại chuỗi cung ứng như cách anh đã làm tại One Mount Group khi cùng đội ngũ đưa được chi phí logistics hàng tiêu dùng nhanh về dưới 4% trong 772 ngày.

Đầu tháng 11/2021, Thi đổi lại ảnh đại diện trên trang cá nhân bằng chính hình mà gần 10 năm trước đã sử dụng. Đó là thời điểm Thi cùng 7 người bạn tại Đại học Bách khoa bắt tay vào khởi nghiệp khi lập Công ty F1 Delivery và sau này đổi thành Giao hàng Nhanh, trong đó F1 hàm ý chỉ môn thể thao đua xe công thức 1 - tức là chọn tốc độ làm DNA.

Hiện tại, Thi cùng nhóm 8 người bạn tại Koina đã có kinh nghiệm trong đủ lĩnh vực (chưa kể đến xuất thân của đội ngũ này - PV) và đang cố gắng rút ngắn khoảng cách hai đầu cung - cầu trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.

“Dường như tôi đang quay lại những ngày ngây thơ và khờ dại, sống hết mình với niềm tin có thể tác động tích cực đến những người lao động. Với Giao hàng Nhanh, đó là các shipper, còn với Koina, đó là gần 30 triệu nông dân”, Nguyễn Trần Thi ngẫm lại và nói rằng, bài toán khó mà giải được thì sau này mới có chuyện để kể.

Trao đổi ngắn với Nguyễn Trần Thi

Mục tiêu trong năm sau của Koina là gì?

Chúng tôi đang cố gắng để bắt đầu từ cuối năm 2022, sẽ có hơn 1.000 tấn nông sản kết nối giữa 2 đầu cung - cầu được phân phối mỗi ngày. Trong 3 năm tới, Koina vẫn tập trung vào nhóm nông sản trước khi hướng đến các loại thịt, cá.

Như vậy, khi năng lực vận hành cung ứng đủ lớn, Koina sẽ có “tiếng nói” trong việc đưa ra cuộc chơi riêng cho chuỗi giá trị này?

Muốn thay đổi cuộc chơi, quy mô của Koina phải đủ lớn và đây là bài toán “con gà - quả trứng”. Khi ấy, chúng tôi có thể quyết định được giá, sản lượng, tiêu chuẩn về sản phẩm hay xoay xở nguồn lực tài chính cho các mắt xích trong chuỗi.

Nguồn vốn từ đâu để Koina duy trì trước khi có được quy mô như kỳ vọng?

Xây dựng được các năng lực để có thể kiểm soát được toàn chuỗi cung ứng phức tạp của nông sản sẽ cần rất nhiều tiền. Tuy nhiên, cách chúng tôi làm là tập trung vào việc liên kết với các đối tác, tận dụng các nguồn lực sẵn có, chứ không tự mình làm tất cả mọi thứ. Quá trình gọi vốn đang được thực hiện nhằm xây dựng các năng lực cốt lõi về công nghệ, dữ liệu và cũng sẽ cần vài trăm tỷ đồng để “đốt” mỗi năm.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục