Doanh nhân Nguyễn Thu Thủy: Hạnh phúc là những thành tựu được tạo dựng bởi sự nỗ lực

0:00 / 0:00
0:00
Bước chân vào bất cứ lĩnh vực nào, doanh nhân - họa sỹ - TS. Nguyễn Thu Thủy đều “cháy” hết mình, nhưng người phụ nữ năng động, tài hoa này khiêm tốn chỉ là “tố chất thừa hưởng từ gia đình".
Doanh nhân Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ khoa học và Du lịch (TASS). Doanh nhân Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ khoa học và Du lịch (TASS).

1.

Năng khiếu hội họa của Nguyễn Thu Thủy bộc lộ từ rất sớm. Từ 4 tuổi, Thủy đã bắt đầu cầm cọ vẽ tranh và 1 năm sau đã đoạt giải trong cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi toàn quốc với tác phẩm “Con gà trống”, được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lựa chọn trưng bày.

Sau thành công ngoài mong đợi của triển lãm tranh solo mang tên “Ghép ký ức” tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào cuối năm 2021, Nguyễn Thu Thủy tiếp tục chuẩn bị ra mắt triển lãm chuyên đề gốm với chủ đề “Hồi sinh”.

Trong không gian sáng tạo nghệ thuật ở làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), Thủy và các cộng sự đang khẩn trương hoàn thành những tác phẩm cuối cùng của dự án. 50 bức tượng đầu người với đủ sắc thái, không bức nào giống bức nào, nhưng không hề gây cho người xem cảm giác sợ hãi, mà trái lại, nó gợi lên nhiều ý nghĩa, thông điệp…

“Đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, tất cả mọi người trên thế giới đều phải chung tay để chống lại con quái vật này. Cũng từ dịch bệnh, con người phải nhìn lại cách đối xử với thiên nhiên, phải thay đổi cách nghĩ, cách ứng xử để sống có trách nhiệm hơn với chính mình và với ngôi nhà chung mà chúng ta đang sinh sống, đó chính là Mẹ thiên nhiên. Thông qua triển lãm “Hồi sinh”, tôi mong muốn chia sẻ một góc nhìn của nghệ sỹ về dịch bệnh”, Thủy giãi bày.

Chia sẻ về quá trình đến với gốm, Thủy kể, trước đây, cô tham gia một khóa học về đổi mới sáng tạo do giảng viên người Ailen giảng dạy. Yêu cầu của khóa học là phải tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc, trong đó, du khách không chỉ đơn thuần là tham quan, tìm hiểu, mà còn trực tiếp tham gia cùng người dân. Sản phẩm tour “Một ngày ở Bát Tràng” do nhóm của Thủy thiết kế được các giảng viên đánh giá cao bởi không những đáp ứng yêu cầu của đề bài, mà còn có tính thực tiễn cao, góp phần đa dạng sản phẩm của ngành du lịch.

Sau đó, tour này được nhiều đơn vị lữ hành triển khai thành công, đưa một lượng lớn khách du lịch quốc tế tới trải nghiệm cuộc sống và lao động sản xuất của người dân làng nghề gốm Bát Tràng.

Có một sự trùng hợp thú vị liên quan đến gốm là một thời gian sau, Thủy trở lại làng gốm Bát Tràng trong vai trò giảng viên Khoa Du lịch học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) để hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng theo đề án của Sở Du lịch Hà Nội. Quá trình tiếp xúc với người dân làng nghề nhân lên trong Thủy tình yêu với gốm, thôi thúc cô thử sức mình ở loại hình nghệ thuật độc đáo nhưng cũng rất phức tạp này.

“Là một họa sỹ, nên tôi có sự rung cảm mãnh liệt trước nghệ thuật. Tôi muốn tìm hiểu xem mình có thể làm gì với gốm…”, Thủy tâm sự.

2.

Hiện nay, Thủy đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Khoa Du lịch học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Đây là lĩnh vực mà Thủy coi là “tay trái”, bởi cô không qua trường lớp đào tạo bài bản, nhưng lại rất thành công.

Vẽ tranh từ nhỏ, lớn hơn chút nữa, Thủy tự mày mò thiết kế đồ họa. Đến khi học đại học năm thứ nhất, cô đã khá nổi tiếng với biệt danh “Thủy Corel”, được hàng loạt công ty chuyên thiết kế chào đón với mức thu nhập mà giới đồ họa chuyên nghiệp cũng mơ ước. Năm thứ 3 đại học, Thủy đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác logo do Hội Sinh viên Việt Nam phát động, với biểu tượng chú chim bồ câu trắng tung cánh hướng đến ngôi sao phía trước tượng trưng cho khát vọng…

“Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, ông nội, bố, cô, chú, rồi sau đó đến tôi và 3 người em đều trở thành họa sỹ. Tôi biết vẽ và đam mê vẽ là nhờ được bố dạy và truyền cảm hứng. Khi học cấp 2, tôi đã được bố dẫn đi thiết kế, dàn dựng triển lãm, hội chợ... Cứ như vậy, đam mê ngấm dần vào người. Nhưng tới năm thi đại học, tôi không chọn trường mỹ thuật mà lại chọn Trường đại học Tổng hợp vì… được cộng điểm, nhờ đoạt giải văn toàn quốc”, Thủy kể.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Du lịch học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Thu Thủy trở thành giảng viên của Khoa. Bên cạnh tấm bằng thạc sĩ ngành du lịch, Thủy đã hoàn thành luận án tiến sĩ ngành quản lý văn hóa (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam).

Bên cạnh công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, họa sĩ, TS. Nguyễn Thu Thủy vẫn dành thời gian cho sáng tạo nghệ thuật. Nguyễn Thu Thủy là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (chuyên ngành đồ họa) từ năm 2006. Cô đoạt hàng loạt giải thưởng thiết kế trong và ngoài nước và bước sang cả lĩnh vực kinh doanh.

Hiện tại, Thủy đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch (TASS, thành lập năm 2010, thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Hoạt động của TASS tập trung vào 3 mảng: đào tạo cho doanh nghiệp; tổ chức du lịch outbound, inbound và sự kiện.

Phát huy thế mạnh đào tạo, từ năm 2011 đến nay, Công ty đã triển khai rất hiệu quả mảng du lịch học tập dành cho học sinh, sinh viên, với tour cho sinh viên Singapore sang Việt Nam học tập và góp một phần công sức vào việc cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật trường học ở Mai Châu (Hòa Bình), Sapa (Lào Cai) và Bến Tre, Tiền Giang. Tour outbound chủ yếu đưa học sinh đi trại hè kỹ năng ở Singapore và học tiếng Anh ở Philippines…

“Tôi luôn tâm niệm, hạnh phúc chính là những thành tựu được tạo dựng bằng sự nỗ lực của bản thân mình và trong hành trình đó, tôi luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo, đổi mới để tránh sự nhàm chán bởi lối mòn sẵn có. Tôi coi đây là quan điểm sống. Với những thành công bước đầu có được, bên cạnh yếu tố may mắn, thì việc tuân theo nguyên tắc là hết sức quan trọng”, Thủy bày tỏ.

Bận rộn với công tác nghiên cứu, giảng dạy, kinh doanh, sáng tạo nghệ thuật, nhưng vốn là người đam mê “xê dịch”, nên bất cứ lúc nào có điều kiện là Thủy lập tức “xách ba lô lên và đi” để khám phá những chân trời mới. Cầm trên tay tấm hộ chiếu kín đặc con dấu của những lần xuất nhập cảnh hồi Covid-19 chưa xuất hiện, Thủy bảo, 2 năm qua, nếu không có dịch bệnh, chắc chắn cô đã lên đường để khám phá châu Phi, Bắc Cực, Tây Tạng…

Chiếc điện thoại là “vật bất ly thân” của Thủy trong những chuyến du lịch cả trong và ngoài nước. Ngoài kết hợp đi học, hội nghị, hội thảo, triển lãm…, các chuyến du lịch của Thủy luôn là hành trình khám phá những vùng đất lạ.

Cũng vì sở thích này, Thủy đã nhiều lần vướng vào những tình huống dở khóc, dở cười. Một lần, cô lỡ tàu từ Pháp về Đức do mải mê ngắm cảnh, chụp ảnh, nên khi đến sân ga thì tàu vừa lăn bánh và phải mua vé tàu cao tốc với giá đắt hơn nhiều lần để bắt kịp chuyến tàu khởi hành trước đó…

Đó là kỷ niệm đáng nhớ, cũng là “kinh nghiệm xương máu” khi ra nước ngoài được Thủy chia sẻ với những “tín đồ du lịch” trên báo chí và các diễn đàn du lịch nổi tiếng khác. “Lệ thuộc vào hành lý mang theo là câu chuyện của rất nhiều người khi đi du lịch nước ngoài. Mọi việc trở nên đơn giản hơn nhiều khi ta tối giản mọi thứ” - lời khuyên ngắn gọn này là kết quả từ những trải nghiệm, những hành trình qua 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ở hầu hết các châu lục trên thế giới của Thủy.

Viễn Nguyệt
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục