Doanh nhân Lê Xuân Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến: Đầu tư du lịch để xây dựng quê hương

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nhân Lê Xuân Thảo không hẳn đã nhìn hết những giá trị tiềm ẩn của vùng sinh thái biển, mà bởi ông luôn mang trong mình khát vọng giúp người dân đảm bảo cuộc sống ngay trên quê hương…
Doanh nhân Lê Xuân Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến Doanh nhân Lê Xuân Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến

1. Bước sang tuổi thất thập, nhưng ông Lê Xuân Thảo vẫn giữ được phong độ trẻ trung và tác phong nhanh nhẹn. Đặc biệt, ông có cách kể chuyện rất cuốn hút người nghe. Ông nói vui, điều đó có được nhờ sự kết hợp của các yếu tố quân sự - khoa học - kinh doanh và báo chí…

Nhớ lại quá trình hình thành và phát triển của du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), ông Thảo kể, năm 2004, khi đang giữ cương vị Chủ tịch Hội Doanh nhân Thanh Hóa tại Hà Nội, hưởng ứng chủ trương mời gọi đầu tư của tỉnh Thanh Hóa, ông đã “kéo” được 7 nhà đầu tư vào khu Hải Tiến (ghép từ tên của 2 xã Hoằng Hải và Hoằng Tiến). Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến của ông Thảo được phê duyệt 27 ha đất sát biển để thực hiện dự án.

Hồi đó, khu vực này còn hoang sơ, heo hút. Hằng năm, những cơn bão biển dồn dập “tấn công” với sức tàn phá khủng khiếp. Người dân địa phương tìm mọi cách di chuyển vào sâu trong đất liền để tránh những cơn phong ba cuồng nộ nơi đầu sóng ngọn gió. Bởi vậy, khi thấy ông Thảo bỏ tiền vào chỗ “chả nhìn thấy hy vọng gì”, họ ngạc nhiên vô cùng.

Nhưng, ông vẫn không thay đổi quyết định, không chỉ bởi đã nhìn ra tiềm năng to lớn của một vùng sinh thái có núi, có đảo và bãi biển nước trong, cát mịn; mà còn bởi ông luôn trăn trở làm thế nào để khai thác lợi thế thiên nhiên, giúp người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, đảm bảo cuộc sống ngay trên quê hương, chấm dứt cảnh ly hương kiếm sống bằng đủ thứ nghề.

“Về để góp sức xây dựng quê hương” - lời động viên của ông Phạm Minh Đoan, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lúc đó đã tiếp thêm sức mạnh cho ông Thảo. Hơn lúc nào hết, ông càng mong muốn được góp một phần sức lực, trí tuệ để làm giàu đẹp thêm mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Ở đó, ông đã chứng kiến những cảnh tang thương, tiêu điều của xóm làng mỗi khi mưa bom của đế quốc Mỹ trút xuống...

2. Giai đoạn 1965 - 1968, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá Hàm Rồng hòng cắt đứt hệ thống giao thông Bắc - Nam. Những buổi tối tham gia canh gác phòng chống biệt kích xâm nhập từ biển vào đất liền, cậu học sinh Lê Xuân Thảo đã luôn mong ước chiến tranh chấm dứt để quê hương trở lại thanh bình…

Năm 1968, có 3 trong 5 học sinh xuất sắc nhất Trường cấp 3 Hoằng Hóa được chọn đi học ở Liên Xô, trong đó có Lê Xuân Thảo và người bạn Lê Bích Thắng. Lê Xuân Thảo học ngành chế tạo tua-bin khí (một chuyên ngành quan trọng trong sản xuất máy bay) của Đại học Bách khoa Kharkov, còn Lê Bích Thắng học ngành địa chất, Đại học Tổng hợp Tashkent, Uzbekistan.

Sau 7 năm miệt mài học tập, năm 1975, Lê Xuân Thảo và Lê Bích Thắng (lúc này đã là đôi tri kỷ) tốt nghiệp loại ưu với tấm bằng đỏ trở về nước. Lê Xuân Thảo được phân công về Trường đại học Kỹ thuật quân sự, còn chị Thắng nhận nhiệm vụ tại Ủy ban Khoa học nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ)

Đến cuối năm 1984, Lê Xuân Thảo nhận nhiệm vụ mới tại Báo Quân đội nhân dân, phụ trách mảng khoa học kỹ thuật. Dù thời gian làm báo không dài, nhưng Lê Xuân Thảo cũng đã kịp đặt chân đến nhiều điểm nóng biên giới phía Bắc và các tỉnh ở miền Nam để tìm hiểu, nghiên cứu các loại vũ khí, khí tài quân sự ta thu được sau chiến tranh…

Công cuộc đổi mới của đất nước những năm cuối thập kỷ 80 đã thổi bừng lên một luồng sinh khí mới. Trong bối cảnh đó, nhu cầu nhân sự trình độ cao để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới trở nên cấp bách. Lê Xuân Thảo được điều về Cục Sáng chế, Ủy ban Khoa học nhà nước (nay là Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ).

Được xếp vào đội ngũ những chuyên gia đầu ngành, song Lê Xuân Thảo không tự bằng lòng với những gì mình có. Với tầm nhìn của một người nghiên cứu khoa học, ông sớm nhận ra “khoảng trống” pháp lý để bảo vệ các nghiên cứu, phát minh đang được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Mặc dù công việc bộn bề, ông vẫn tranh thủ thời gian theo học chương trình về sở hữu trí tuệ và lấy bằng thạc sỹ vài năm sau đó.

Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Việt Nam (Vifotec) ra đời năm 1992 do ông Lê Xuân Thảo làm Giám đốc đã trợ giúp hiệu quả cho nhiều cá nhân sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tạo động lực thúc đẩy nhiều nhân tố trong việc sáng chế, phát minh, nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực. Cùng thời điểm này, ông thành lập Trung tâm Sở hữu trí tuệ Invenmark (nay là Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ quốc tế Invenmark).

Với những cống hiến cho nền khoa học, năm 2012, Lê Xuân Thảo đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

3. Trở lại với khu du lịch biển Hải Tiến, ông Thảo kể: “Năm 2004, nhận dự án, hai vợ chồng tôi dồn hết tài sản tích cóp được để đền bù cho hơn 200 hộ dân, chuyển họ đến khu định cư mới, sau đó tập trung giải phóng mặt bằng và trồng dừa. Thế nhưng, năm 2005, cơn bão số 7 mạnh cấp 13 khiến biển xâm thực vào đất liền 30 mét; 3,6 ha đất cùng hàng ngàn cây dừa bị mất trắng”.

Bán hết những gì có thể bán được, ông Thảo bàn với vợ xây kè biển và làm đường bên ngoài bờ biển để giữ đất. Đầu tư lớn mà hiệu quả chưa thấy đâu, 2 người bạn cùng góp vốn với ông một mực đòi rút khỏi dự án.

“Tôi may mắn có sự đồng hành của người bạn đời từ khi còn đi học cho đến thời gian công tác và quá trình cải tạo, chinh phục thiên nhiên sau này. Nhờ đó, tôi luôn được động viên, chia sẻ, tiếp sức để vượt qua mọi giông tố trên đường đời”, ông Thảo chia sẻ.

Đến Hải Tiến hôm nay, du khách có thể thấy diện mạo của một “đô thị” du lịch biển với cơ sở hạ tầng khang trang, những khu nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ vui chơi - giải trí, thể thao mạo hiểm bổ trợ cho điểm nhấn chính. Khó ai có thể hình dung được, hơn 10 năm trước, nơi đây là một vùng biển hoang sơ, trống trải…

Nhiều năm nay, người bạn đời của ông Thảo đã về ở hẳn tại quê hương để điều hành công việc kinh doanh, còn ông thì vẫn đảm nhận nhiều trọng trách. Bên cạnh hệ thống khách sạn Ánh Phương gần 500 phòng, ông đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng khu nghỉ dưỡng cao cấp 14 biệt thự, khu nhà sàn, sân tennis, bể bơi... Mỗi năm, hệ thống khách sạn Ánh Phương phục vụ lượng khách rất lớn đến Hải Tiến tham quan, nghỉ dưỡng, lưu trú.

Không chỉ đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm ổn định cho người dân, nhà khoa học - doanh nhân Lê Xuân Thảo còn đóng góp tích cực vào công tác xã hội tại địa phương. Qũy Khuyến học do Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến khởi xướng từ năm 2008 đến nay đã hỗ trợ hàng chục ngàn suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại địa phương…

Gần 2 năm qua, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song ông Thảo vẫn tích cực chuẩn bị kế hoạch để triển khai ngay khi du lịch được tái khởi động. “Chúng tôi xác định không ngừng làm mới mình, sẵn sàng bứt tốc ngay khi du lịch được kích hoạt”, ông nói.

Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, ông đã cho nâng cấp phòng khách sạn, thay thế toàn bộ chăn, ga, gối, đệm cùng một số thiết bị nội thất cho hệ thống Khách sạn Ánh Phương. Về nhân sự, Công ty tăng cường đào tạo nâng cao kỹ năng phục vụ cho đội ngũ chủ chốt; trang trí khuôn viên đẹp hơn, khang trang hơn, tạo nét mới ở khu vực sảnh đón khách và khu vực lễ tân…, đồng thời đảm bảo thực hiện các quy định phòng, chống dịch.

Cùng với đó, Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến xây dựng kế hoạch thu hút du khách thông qua việc thiết kế các hoạt động vui chơi ngay tại khách sạn, liên kết với các cơ sở cung cấp dịch vụ để có hàng thủy sản tươi ngon, giá cả hợp lý và đảm bảo chất lượng tốt nhất cho du khách.

“Bên cạnh công tác đảm bảo an toàn, chúng tôi sẽ thực hiện chương trình kích cầu bằng việc giảm giá 10% đối với dịch vụ thuê phòng, 20% đối với dịch vụ ăn uống trong những tháng cuối của năm 2021 và kéo dài sang các năm kế tiếp để thu hút du khách về với Hải Tiến sau thời kỳ giãn cách”, ông Thảo chia sẻ thêm.

Viễn Nguyệt
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục