Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại do dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra với ngành du lịch vào khoảng 5,9 - 7 tỷ USD. Nhưng đây là thiệt hại với các công ty du lịch đưa khách nước ngoài vào Việt Nam. Còn với công ty đưa khách du lịch Việt Nam đi nước ngoài, hiện chưa có thống kê chính thức về mức độ thiệt hại.
Trong bối cảnh đó, GoHub cũng bị ảnh hưởng, nhưng do cơ cấu khách hàng đa dạng, nên tạm thời, thiệt hại vẫn trong mức kiểm soát. “Trong trường hợp xấu đi, sẽ phải ngồi tính toán lại, vì khó khăn do dịch bệnh gây ra ảnh hưởng tới nhiều ngành, chứ không riêng gì du lịch. Lợi thế của các công ty khởi nghiệp là nhỏ, linh hoạt và khả năng quản lý chi phí tốt”, Thái Bảo nói.
Chiếc hộp kỳ diệu
“Khách hàng gọi GoHub là công ty cung cấp những chiếc hộp kỳ diệu”, Thái Bảo mở màn khi giới thiệu về GoHub. Chiếc hộp kỳ diệu mà Thái Bảo nói đến có hình chữ nhật với logo của Công ty bên trên, là thiết bị cung cấp dữ liệu di động cho nhóm khách 5 người khi đi du lịch nước ngoài. Đối với các khách hàng cá nhân, GoHub cung cấp sim di động với gói dữ liệu có sẵn.
Cả hai hình thức trên đều áp dụng gói dữ liệu không giới hạn khi khách hàng du lịch ở các nước với mức giá hấp dẫn hơn 40% so với việc khách tự mua. Để sử dụng dịch vụ, khách hàng sẽ đăng ký, đóng tiền đặt cọc thuê thiết bị và tiền sử dụng dữ liệu trong quá trình du lịch, khi về Việt Nam, Công ty sẽ đến lấy thiết bị và trả lại tiền cọc.
Ý tưởng thành lập GoHub được hình thành trong quá trình Thái Bảo tham gia dự án cung cấp dữ liệu di động cho khách du lịch đến Singapore của một công ty bản địa. Với tốc độ phát triển rất nhanh của công ty này, Thái Bảo nghĩ ngay đến thị trường Việt Nam.
Lục lại các báo cáo, Thái Bảo có số liệu từ Hiệp hội Lữ hành Việt Nam rằng, từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm có gần 10 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài, tăng 20% mỗi năm. Một số liệu khác từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, từ năm 2016, người Việt đã chi 8 tỷ USD cho du lịch nước ngoài. Quan trọng nhất, các con số đó vẫn đang tiếp tục tăng trưởng hằng năm.
Doanh nhân Lê Thái Bảo
Đó là bức tranh chung, nhưng Thái Bảo cần thông tin chi tiết hơn. Báo cáo Visa công bố tháng 3/2018 đã giúp anh trả lời câu hỏi này. Theo Visa, trung bình người Việt đi du lịch nước ngoài 3,5 chuyến/năm, chi khoảng 880 USD/chuyến. Con số dự đoán các năm tới là 5 chuyến/năm/người và 1.100 USD/chuyến/người.
Vậy dịch vụ cung cấp dữ liệu di động cho khách Việt Nam như thế nào, khi wifi công cộng không phổ biến ở các nước tiên tiến? Tìm hiểu thêm, Bảo được biết, thị trường lúc đó và cho đến tận bây giờ chỉ có các cá nhân nhỏ lẻ kinh doanh chủ yếu mặt hàng sim cho điện thoại. Không có giải pháp cho khách hàng theo nhóm, cho các doanh nghiệp du lịch hay dịch vụ chăm sóc sau bán hàng, đó là chưa kể chất lượng của các thẻ sim cũng không đảm bảo.
Rõ ràng là nhu cầu và khả năng chi tiêu của khách hàng là có, nhưng vẫn thiếu các đơn vị bài bản tham gia. Thái Bảo bàn với Phan Nguyễn Văn Trường, người bạn cùng tham gia với anh ở nhiều dự án và cả hai quyết định thử vận may của mình. Tháng 7/2018, GoHub ra đời với chiến lược là đi cùng với các công ty du lịch lớn như Vietravel, Saigontourist, Tugo…
Cái giá của sự bướng bỉnh và háo thắng
Vui tính, thân thiện và hoà nhã là cảm nhận của người viết khi tiếp xúc với Thái Bảo, nhưng trong kinh doanh, anh lại là con người hoàn toàn khác, những suy tính cẩn trọng khiến anh “già” hơn rất nhiều so với các thanh niên thuộc thế hệ 9X. Điều này được thể hiện qua cách Thái Bảo lựa chọn mô hình công ty, nhìn nhận thị trường hay tiếp cận khách hàng.
Thái Bảo kể, sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc tế (TP.HCM), anh đã tham gia một vài dự án khởi nghiệp công nghệ và tất cả đều chết từ trong trứng nước. Nguyên nhân chính là do anh và các cộng sự quá chú trọng vào các tính năng của các giải pháp, mà quên trả lời câu hỏi quan trọng nhất là thị trường có thực sự cần chúng hay không.
Đây là sai lầm cơ bản mà rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đi trước mắc phải. Dù nhận được nhiều lời khuyên, nhưng sự bướng bỉnh và háo thắng của tuổi trẻ đã khiến Thái Bảo và các đồng sự bỏ qua. Cái giá phải trả là sản phẩm tiêu tốn rất nhiều công sức của cả nhóm, nhưng không bao giờ được đưa ra thị trường.
Với GoHub, Thái Bảo xác định ngay từ đầu rằng, đây là dự án thương mại, tạm thời bỏ qua khâu đầu tư dịch vụ cao siêu, Công ty phải trả lời được rằng, giải pháp có đáp ứng được nhu cầu cơ bản của khách hàng là kết nối nhanh và giá thành có hợp lý, rồi mới tính tiếp.
Mục tiêu thứ hai, cũng quan trọng không kém, là rút ngắn thời gian chứng minh tính khả thi của mô hình. Việc lựa chọn hợp tác với các công ty du lịch lớn, vốn có lượng khách sẵn và phù hợp với các công ty có nguồn lực non trẻ như GoHub, là cách đi nhanh nhất.
Đường đi đã được định rõ, nhưng thời gian đầu, cả Bảo và Trường phải đau đầu trong việc tìm cách hợp tác với các “ông lớn”, vì mảng kinh doanh này vốn là nguồn thu nhập thêm của các hướng dẫn viên du lịch. Cách giải quyết duy nhất được họ xác định là trung hòa lợi ích của các bên.
Năm 2019, doanh thu của GoHub là hơn 12 tỷ đồng, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 30%/quý. Nhưng con số này vẫn rất thấp, vì lãi gộp của ngành này chỉ khoảng 10%, nếu quản lý chi phí tốt. Lý do là Công ty phải thuê lại dữ liệu của các nhà mạng và muốn có giá tốt, thì lượng khách hàng phải lớn hơn nữa. “Nếu tăng trưởng khách hàng dưới 30%/quý thì thực sự là khó khăn lắm”, Thái Bảo nói.
Dù hiện tại, đã có nhà đầu tư cá nhân tham gia GoHub, nhưng thời gian đầu, nguồn vốn hoạt động của Công ty là của Bảo và các cộng sự. “Nếu ai hỏi tôi rằng, khởi nghiệp giúp tôi học được bài học nào, thì câu trả lời sẽ là cách sử dụng đồng tiền hợp lý nhất, không ai không xót tiền của mình cả”, Thái Bảo nói.
Giờ đây, khi đã có lượng khách hàng nhất định, Thái Bảo đang tìm cách tối ưu hơn các dịch vụ bằng việc tiếp tục phát triển các dịch vụ mới. Một trong số đó là eSIM, dịch vụ giúp khách hàng đặt hàng trên web không cần sử dụng sim vật lý và cắt công đoạn giao nhận, đặt cọc, trước mắt là với khách hàng sử dụng các dòng điện thoại Apple do đã tích hợp sẵn.