Thủ tướng và Chính phủ gần dân và hành động.
Đây là nhiệm kỳ gian nan với cả Chính phủ và doanh nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng 5 năm tới là giai đoạn đột phá của nền kinh tế Việt Nam. Chìa khóa chính là thể chế và năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Chúng tôi mong muốn Thủ tướng và Chính phủ gần dân và hành động. Chính phủ hãy lắng nghe người dân, phát huy không chỉ nguồn lực, mà cả trí tuệ của nhân dân. Chính phủ mới cần phát động phong trào toàn dân hiến kế, cả nước học tập; phải vươn ra thế giới, học tập kinh nghiệm tốt… để Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực.
5 năm tới, tạo công ăn việc làm cho người dân sẽ là nhiệm vụ quan trọng. Để thực hiện được, Chính phủ không chỉ tháo gỡ khó khăn mà phải thúc đẩy, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân, kinh tế toàn dân, hướng tới một quốc gia khởi nghiệp.
Tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng.
Bà Lê Thùy Chi, Tổng giám đốc Công ty Á Châu
Chính phủ đang khuyến khích doanh nghiệp công nghệ cao phát triển, nhưng khuyến khích thôi chưa đủ. Chính phủ tạo ra một môi trường công bằng để các doanh nghiệp, gồm cả tư nhân, nhà nước và đầu tư nước ngoài cạnh tranh sòng phẳng.
Chính phủ, các bộ, ngành phải xắn tay vào cuộc. Doanh nghiệp cần chính sách cụ thể, ưu đãi rõ ràng, các tiêu chí đưa ra phù hợp với khả năng của doanh nghiệp; sát cánh giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp.
Chúng tôi tha thiết mong muốn Chính phủ mới có những chỉ đạo để ngành hải quan cởi mở và lắng nghe doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, làm sao để chúng tôi không phải chạy tới chạy lui để khai báo cho những mặt hàng mà hiện nay chưa có tên trong danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu và định danh chính xác bằng tiếng Việt…
Thúc đẩy niềm tin kinh doanh.
Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Anh Quân Strong
Doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ mới tiếp tục tạo nên đột phá cho môi trường kinh doanh Việt Nam, thúc đẩy niềm tin kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp trẻ mong được tham gia vào quá trình này. Chúng tôi đang tổ chức các nhóm làm việc để nghiên cứu, đề xuất chính sách. Trong tháng 6/2016, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam do Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam tổ chức sẽ chính thức gửi các kiến nghị cụ thể tới Chính phủ.
Lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái
Việt Nam có nhiều cơ hội khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Nhưng cơ hội chỉ thành hiện thực khi Chính phủ mới nỗ lực và quyết tâm trong công tác điều hành. Có 3 vấn đề chính chúng tôi đang kỳ vọng.
Một là, cải cách hành chính, tránh nhũng nhiễu, đối xử công bằng, minh bạch và chống tham nhũng triệt để và hiệu quả.
Hai là, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ tháo gỡ khó khăn, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách để doanh nghiệp thuận lợi nhiều hơn khó khăn.
Ba là, để doanh nghiệp và người dân giám sát công việc của bộ máy chính quyền các cấp. Điều này giúp Chính phủ có cơ sở để thực hiện cải cách thể chế, sắp xếp cán bộ, tạo áp lực cho việc xây dựng một chính quyền vì dân và vì Tổ quốc.
Cần sự thống nhất trong chỉ đạo từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương.
Ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom
Một vấn đề không mới nhưng vẫn thời sự, đó là quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Cộng đồng doanh nghiệp muốn có được thông tin cụ thể, đầy đủ về các loại quy hoạch, từ cấp quốc gia đến từng ngành, từng địa phương.
Chỉ có minh bạch trong thông tin thì mới minh bạch trong thực hiện, mới chấm dứt được cơ chế xin – cho. Đó chính là sự hậu thuẫn, hỗ trợ thiết thực nhất giúp cho doanh nghiệp phát triển.
Mở rộng cửa cho doanh nghiệp tham gia vào các dịch vụ công.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch HĐQT Công ty M-Service
Chúng tôi là những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (Fintech), như một kênh chính thống, tương như hệ thống ngân hàng, tài chính, bưu điện.
Dựa trên nền tảng công nghệ, các doanh nghiệp như chúng tôi có thể đưa ra các mô hình phát triển dịch vụ mở vượt ra khỏi các phương pháp thông thường. Nhưng chúng tôi cần một hành lang pháp lý đủ mở để mô hình có thể phát triển.
Đồng thời, Chính phủ cần xem xét cho phép các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Fintech tham dự vào các dịch vụ công như thanh toán tiền thuế, thu tiền phạt giao thông…