Doanh nhân Đỗ Thị Mỹ Diệu: Kế hoạch kinh doanh khả thi không có chỗ cho sự trừu tượng, hão huyền

Đối với Đỗ Thị Mỹ Diệu, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV CDTS, một kế hoạch kinh doanh khả thi không có chỗ cho sự trừu tượng, hão huyền. CDTS nhận được vốn đầu tư từ Intracom cũng vì lý do này.
Doanh nhân Đỗ Thị Mỹ Diệu, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV CDTS trong Chương trình Cafe Khởi nghiệp tập 37

Vào tháng 10/2018, CDTS đã ký kết nhận vốn đầu tư 10 tỷ đồng từ Intracom sau 100 ngày thẩm định dự án. Mọi kế hoạch ban đầu đều phải thay đổi khi có sự tham gia từ các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, có một kỳ vọng vẫn giữ nguyên đó là đến năm 2020, mỗi tỉnh thành ở Việt Nam đều có ít nhất một đại lý của CDTS.

“Tôi nghĩ nhà đầu tư quyết định rót vốn vào bởi tin tưởng tôi khi đưa kế hoạch không trừu tượng, xa vời. Tôi tin rằng, một khi bạn đã quyết chí thì cả vũ trụ cũng phải theo bạn”, Mỹ Diệu nói và lấy ví dụ về nữ vận động viên điền kinh Nhật Bản đã cố gắng bò 200 m trên đường nhựa với hai đầu gối liên tục rỉ máu để tiếp tục chuyền dải băng để đồng đội chạy tiếp sức.  

Đó là bài học về sự kiên trì và tình đoàn kết trong mỗi tập thể.

Trong mỗi lá đơn ứng tuyển vào CDTS, Diệu đều đặt yêu cầu mỗi nhân viên phải đưa ra mục tiêu, ước mơ của mình.

Đây là điều cô học được từ chính những trải nghiệm của mình, từ công việc kế toán trước khi khởi nghiệp. Khi đó, là người làm công ăn lương, dù không được yêu cầu, nhưng Diệu luôn chủ động đưa ra các kế hoạch trong tuần, tháng của mình.

Chính cấp trên của cô cũng bất ngờ vì những kế hoạch đó, nhưng cô thì xác định, mục tiêu càng rõ ràng, sẽ biết cách sắp xếp thực hiện công việc hiệu quả. 

Luôn có sự chuẩn bị và nghiêm túc cũng là đức tính giúp Đỗ Thị Mỹ Diệu thuyết phục nhà đầu tư chi 10 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV CDTS - nơi Diệu đang giữ vai trò Tổng giám đốc.

“Biết tính toán kỹ càng sẽ phần nào hạn chế rủi ro về tài chính, khả năng hoàn vốn, hiểu rõ báo cáo tài chính. Và sự tỷ mỷ của kế toán sẽ bù đắp sự phóng khoáng trong kinh doanh”, Mỹ Diệu chia sẻ.

CDTS là công ty chuyên sản xuất các trang phục bảo hộ lao động. Công ty thu hút sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp khi nhận được cam kết đầu tư trên một chương trình đầu tư bởi sự chân thành và đam mê.

Sau 5 năm hoạt động, doanh thu của Công ty đã đạt trên 50 tỷ đồng, với 7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2017.

Với Diệu, con số này mới chỉ dừng ở mức “đủ ăn đủ mặc”, nên muốn kêu gọi vốn để đầu tư cho nhà máy, nhắm vào các thị trường lớn như Hàn Quốc và mong muốn xây dựng một công ty may mặc có giá trị “tỷ đô”. Đó là một kế hoạch mộng lớn, nhưng không hão huyền.

Quan điểm sống của mỗi người sẽ quyết định hoài bão riêng của họ. Với Diệu, không có rào cản với phụ nữ trong kinh doanh. Cả khi sinh ra và mất đi đều không thể mang đến hay mang đi điều gì, nên Diệu muốn chọn cách sống hết mình với đam mê trong ngành sản xuất đồng phục lao động mang ý nghĩa nhân văn.

Hậu phương vững chắc mang lại sự yên lòng cho Huệ khi tự tin tham gia một chương trình gọi vốn. “Chồng tôi rất cảm thông, hiểu tôi rất rõ nên sẵn sàng hy sinh để tôi theo đuổi đam mê của mình”, Diệu chia sẻ.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục