“Muốn nhanh thì phải từ từ”…
Một ngày giữa Thu Hà Nội, nắng vàng như rải mật, ngồi giữa vườn cây lắng nghe tiếng chim hót, không khí thật trong lành và nhịp sống thật chậm trôi qua khiến ta có cảm giác như bao nhiêu bức bối, toan lo tan biến đi đâu mất. Ông Hải bảo, thời xưa, thú chơi cây cảnh được biết đến là một thú chơi tao nhã của những bậc nho sĩ, bởi lẽ thú chơi này ẩn chứa nhiều triết lý sống và nhân sinh quan sâu sắc về cuộc đời.
Không dừng lại ở đó, ngày nay, thú chơi cây cảnh đã mở rộng thêm nhiều đối tượng người chơi. Đối với giới doanh nhân, họ chơi cây cảnh không chỉ để thỏa mãn niềm đam mê, mà những điều đúc rút được từ thú vui này, họ đã vận dụng linh hoạt, khéo léo vào công việc điều hành DN.
Nhưng cây và đá là thú chơi đòi hỏi sự tỉ mẩn, công phu và có chút gì đó nghệ sĩ, còn thương trường thì vô cùng khắc nghiệt và biến chuyển mau lẹ. Ông làm thế nào để cân bằng giữa vị trí là người đứng đầu, điều hành một DN lớn, khối lượng công việc hàng ngày vô cùng nhiều, với niềm đam mê cỏ cây hoa lá?
Là một người đứng đầu DN, thời gian dành cho công việc chiếm phần lớn quỹ thời gian của tôi. Tuy nhiên, niềm đam mê cây cảnh và công việc của tôi không mâu thuẫn nhau, mà bổ sung cho nhau rất tốt. Với tôi, công việc nào cũng cần sự đam mê và thú chơi nào cũng cần được thực hiện với sự chuyên nghiệp nhất định. Vì vậy, dù bận rộn đến mấy, hàng ngày tôi vẫn dành một khoảng thời gian nhất định để “nuôi dưỡng” niềm đam mê cây cảnh.
Chính niềm đam mê này đã giúp tôi có được sự cân bằng trong cuộc sống. Được tự tay chăm sóc những “đứa con tinh thần” sau những giờ làm việc căng thẳng đã giúp tôi có được sự tĩnh tâm cần thiết, đồng thời suy ngẫm về những triết lý sống sâu xa mà những bậc tiền nhân gửi gắm trong đó. Những triết lý mà tôi chiêm nghiệm được ít nhiều giúp tôi điều hành DN của mình được vững vàng hơn.
Nói rồi ông Hải say mê kể với người viết những triết lý nhân sinh mà ông đã “thu lượm” được sau những giờ phút hòa mình vào cây cỏ. “Chơi cây cảnh có rất nhiều nguyên tắc, nhưng nguyên tắc và cũng là triết lý mà tôi thấy tâm đắc nhất, từ nguyên tắc này tôi đã vận dụng vào việc điều hành DN là triết lý: muốn nhanh thì phải làm từ từ. Thoạt nghe thì thấy nguyên tắc này có điều gì đó rất mâu thuẫn, tuy nhiên, khi vận dụng vào thực tế sẽ thấy tính hợp lý của nó”, ông Hải nói và cho biết, với cây cảnh, muốn nó phát triển khỏe mạnh, chơi được lâu, đòi hỏi người chơi cây phải có kiến thức nhất định về giống cây, về chu trình sinh trưởng, phát triển của nó. Khi đã chọn chơi một cây nào đó thì người chơi phải dồn tâm huyết cho việc chăm sóc, thường xuyên quan sát sự phát triển của cây.
Muốn cây có được cái thế và hình dáng mà mình mong muốn thì phải có sự định hướng, cắt tỉa, uốn nắn ngay từ ban đầu. Việc uốn nắn cũng không được nóng vội, chủ quan, mà cần cẩn thận, tỉ mỉ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Sự nóng vội, thiếu hiểu biết về giai đoạn phát triển của cây có thể dẫn tới không tạo được thế cây mà mình mong muốn, thậm chí là làm hỏng toàn bộ cây đó.
Với DN cũng vậy, muốn DN tồn tại và phát triển lớn mạnh thì người lãnh đạo ngoài việc phải có kiến thức quản trị, có sự hiểu biết sâu rộng về thị trường mà DN tham gia, có hướng đi đúng đắn, thì yếu tố then chốt đó là người lãnh đạo phải thực sự tâm huyết với DN, có khát vọng và hoài bão vươn tới những đỉnh cao. Trong quá trình hoạt động của DN, người lãnh đạo cần phải nắm được từng giai đoạn phát triển và tình hình thị trường, từ đó đưa ra những quyết sách hợp lý.
“Bản thân tôi đến với nghề xây dựng, đầu tư kinh doanh bất động sản như một cái duyên tiền định. Hoài bão, ước mơ xây dựng được một DN như Hải Phát hiện nay đã xuất hiện trong tôi từ khi còn rất trẻ, có thể nói Hải Phát như một đứa con tinh thần mà tôi đã dồn tâm huyết cả cuộc đời vào nó. Nhìn lại chặng đường phát triển của Hải Phát, tôi càng thấy phương châm ‘muốn nhanh thì phải làm từ từ’ quả là rất đúng”, ông Hải đúc kết.
Còn triết lý chơi cây nào khác được ông vận dụng vào việc điều hành DN?
Chơi cây cảnh là một cách để dưỡng tâm, dưỡng trí rất tốt. Thú chơi này của các bậc tiền nhân ẩn chứa nhiều triết lý của cuộc sống, khiến một người chơi cây chưa phải là lâu như tôi càng ngẫm lại càng thấy thấm thía. Lấy ví dụ ngay ở việc ghép mắt, ghép phôi cho cây. Để có một cái cây khỏe đẹp, thông thường người chơi cây sẽ ghép mắt của một cây non, khỏe mạnh vào một gốc cây già, sinh trưởng tốt. Nếu việc ghép thành công, mắt của cây non sẽ phát triển thành một nhánh rất đẹp trên thân của cây già, cho ra một cây ghép có dáng mà người chơi mong muốn. Kỹ thuật ghép này tương đối khó, đòi hỏi người chơi phải mất nhiều thời gian mới có thể lĩnh hội được.
Từ việc ghép mắt cho cây trong thú chơi cây cảnh, tôi ngẫm tới câu tục ngữ: “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Ý nghĩa của câu tục ngữ này là hai thế hệ có những lợi thế riêng, tuổi trẻ thì có sức khỏe, khát vọng và ước mơ, còn người già họ có trải nghiệm và kiến thức sâu rộng. Do vậy, người trẻ muốn có được thành công thì phải luôn biết lắng nghe ý kiến, tiếp thu kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, kết hợp khát vọng của tuổi trẻ với kinh nghiệm của tuổi già. Trong việc lãnh đạo DN cũng vậy, để điều hành tốt DN thì bản thân người lãnh đạo phải luôn trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Việc hợp tác, làm ăn với những DN đã có bề dày kinh nghiệm, có cung cách làm ăn bài bản, nghiêm túc sẽ giúp cho DN của mình học hỏi được nhiều điều.
“Muốn trường tồn thì phải học cách thích nghi”
2011 - 2014 được coi là giai đoạn suy thoái của thị trường bất động sản Việt Nam. Rất nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này rơi vào khủng hoảng, không chịu được sức ép đã buộc phải giải thể, phá sản. Bản thân Hải Phát cũng từng gặp nhiều khó khăn, phải bán bớt dự án để thoát khỏi cơn bĩ cực. Trong giai đoạn đó, có triết lý nào của thú chơi cây đã giúp ông đứng vững và đưa DN của mình vượt qua khó khăn?
Sau khi Hải Phát vượt qua được thời kỳ suy thoái của thị trường bất động sản, tôi nhận thấy, yếu tố để một DN có thể trường tồn đó là khả năng thích nghi với sự biến đổi của môi trường xung quanh.
Thị trường bất động sản có sự cạnh tranh khốc liệt, biến động hàng ngày, hàng giờ, do vậy buộc các DN hoạt động trong lĩnh vực này phải luôn đổi mới để thích nghi với thị trường. Nếu không có sự đổi mới, phát triển thì tất yếu sẽ bị đào thải. Yêu cầu thích nghi của DN với sự biến đổi của thị trường cũng giống như sự tự biến đổi để thích nghi với môi trường xung quanh của một loại cây mà tôi đang chăm sóc. Loại cây mà tôi nói tới ở đây chính là cây Xanh.
Với người chơi cây cảnh, ai cũng biết cây Xanh có khả năng sinh tồn cao, vì thích nghi với nhiều môi trường. Cây Xanh được người chơi ưa thích bởi việc dễ tạo dáng và có dáng vẻ cổ kính của những cây Đa, cây Đề cổ thụ. Để tạo được bộ rễ cây Xanh đẹp, người chơi sẽ phải cho rễ cây (đang từ môi trường đất) tiếp xúc từ từ với đá và nước.
Để cây dần thích nghi với môi trường mới, cho đến lúc cây phát triển được ở môi trường này, đòi hỏi kỹ thuật và sự tỉ mỉ của người chơi. Rễ của cây Xanh ở môi trường đất không có gì đặc biệt, tuy nhiên khi đã sống và thích nghi với môi trường chỉ có đá và nước, thì bộ rễ của cây phát triển mạnh, lan tỏa và bám chặt trên mặt các phiến đá với hình dáng rất đẹp, giàu tính thẩm mỹ.
Với DN, khi đã thích nghi, vượt qua được thời kỳ khó khăn của thị trường, thì DN đó sẽ có cơ hội lớn mạnh trong tương lai.
Tập trung vào đầu mũi kéo cắt tỉa một nhánh bon sai, ông Hải chuyện trò với phóng viên mà như tự nói với chính mình. Rằng cũng giống như việc chơi cây, để cho ra được kết quả cuối cùng mà người chơi mong muốn đó là cây có hình dáng đẹp, có thế, thì bước đầu tiên của người chơi là phải chọn được cây khỏe mạnh, không bị sâu mọt, có hình dáng ban đầu phù hợp với định hướng sau này. Đối với DN, để DN phát triển bền vững thì phải lựa chọn được những người có tài, có đức làm việc, phụng sự cho mục tiêu chung của DN.
Với cây cảnh, để có thể phát triển tốt thì phải có môi trường thuận lợi. Đối với mỗi cá nhân trong DN thì để họ có thể phát huy các điểm mạnh của bản thân, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của DN, thì người lãnh đạo cần xây dựng được môi trường làm việc tốt, ở đó mỗi cán bộ, nhân viên luôn có động lực phấn đấu, gắn kết với nhau để tạo nên một tập thể vững mạnh, nỗ lực vì mục tiêu chung mà người lãnh đạo định hướng.
“Nếu ví mỗi nhân sự trong DN như một cái cây, thì cả DN sẽ là một vườn cây. Nhiều cái cây khỏe mạnh và có hình dáng đẹp thì sẽ cho một khu vườn đẹp, cuốn hút người xem”, ông Hải ví von.