“Một đề nghị rất bất ngờ, bởi tôi không có ý định viết sách, hơn nữa tôi vốn dốt văn. Thời học phổ thông từ năm lớp 1 đến năm lớp 9 (hệ 10 năm) tôi luôn bị chê dốt Văn. Điểm tổng kết môn Văn thường chỉ được 4,9, làm tròn thành 5,0 (hệ 10 điểm) để lớp tôi có thêm một học sinh tiên tiến. Mãi đến năm cuối bậc phổ thông, điểm Tập làm văn của tôi mới được 7 với lời phê: “đủ ý, nhưng câu văn lủng củng, nhiều lỗi chính tả, viết hoa lung tung”.
Ông Bảo kể chuyện điểm tổng kết môn Văn 4,9 với Chủ tịch Thái Hà Books, song TS. Nguyễn Mạnh Hùng nói, các bài viết của ông Bảo mà ông đã đọc sâu sắc, chất lượng và với kinh nghiệm nhiều năm xuất bản sách, ông tin là sách sẽ có nhiều độc giả.
Nhưng, viết sách với vị doanh nhân này không phải là một thương vụ hướng tới lợi nhuận. Ông viết sách vì mục tiêu muốn chuyển tải cách nghĩ, cách tư duy tích cực về kinh doanh, về khởi nghiệp, về các vấn đề cốt lõi của cuộc sống cho các bạn trẻ, góp phần giúp họ thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc trong cuộc sống.
Cuốn sách “Khát vọng Việt, vì sao đất nước ta còn nghèo” đã ra đời như thế. Ông cũng trăn trở với nội dung cuốn sách và chia sẻ rằng: “Khi tôi viết “Vì sao đất nước ta mãi nghèo", rất nhiều bạn đã phản đối vì cho rằng tôi đã kể những điểm yếu cố hữu của người Việt, dân tộc Việt. Có điều gì mâu thuẫn không khi tôi luôn nói về khát vọng "làm giàu cho cá nhân, gia đình, công ty và đất nước, khát vọng mang tinh thần và trí tuệ Việt Nam đi chinh phục thế giới, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường".
Rồi ông đã tự trả lời: “Không có gì mâu thuẫn cả, lý do rất đơn giản là tôi rất tâm đắc với nguyên lý: "Muốn thành công phải thấu hiểu bản thân, thấu hiểu người khác".
Từ thực tiễn thương trường và trải nghiệm sống, vị doanh nhân này cho rằng, mỗi cá nhân muốn thành công thì phải thấu hiểu bản thân, phải hiểu sở trường, sở đoản, điểm mạnh, điểm yếu của cá nhân mình. Khi đã thấu hiểu rồi thì phải thực hiện phương châm: "Làm đúng sở trường, đúng lĩnh vực mà mình yêu thích, điểm mạnh được phát huy, điểm yếu phải được hạn chế và khắc phục".
Trong kinh doanh, khi hợp tác với ai đó thì cũng phải hiểu sở trường, sở đoản, điểm mạnh, điểm yếu của họ để làm sao cộng hưởng sức mạnh, làm sao phối hợp cho khớp, cho nhịp nhàng.
Khi đối đầu với ai đó thì cũng phải hiểu sở trường, sở đoản, điểm mạnh, điểm yếu của mình và của đối phương để làm sao phát huy hết điểm mạnh, hạn chế tối đa điểm yếu của mình, khai thác tối đa điểm yếu của đối phương với mục tiêu là giành chiến thắng.
Thực ra, nguyên lý “thấu hiểu bản thân, thấu hiểu người khác” không có gì mới, bởi ông cha ta đã có câu "Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng". Chính xác hơn nguồn gốc của câu này là từ binh pháp Tôn Tử của Trung Quốc: "Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại".
Theo ông Bảo, rất tiếc rằng hầu hết chúng ta chỉ vận dụng binh pháp này của Tôn Tử trong chiến tranh, trước một trận đánh hoặc trong kinh tế, trước một thương vụ mà quên mất rằng binh pháp này phải được áp dụng mọi lúc, mọi nơi, áp dụng hàng ngày.
Trong cuốn sách, ông đã đúc kết: “Có một nhà thành công học đã đưa ra công thức thành công như sau: thành công = (hardware + POS) x SIF. Trong đó, hardware là phần cứng do di truyền, tức trí tuệ và thể chất do bố mẹ sinh ra, nó là hằng số, POS là sự nỗ lực của bản thân trong suốt cả cuộc đời, SIF là sự thấu hiểu bản thân. Công thức này nói nên rằng trí tuệ và thể chất cũng như sự nỗ lực của bản thân trong suốt cả cuộc đời là vô cùng quan trọng, nhưng nó chỉ là hệ số cộng, còn thấu hiểu bản thân lại là hệ số nhân, có nghĩa rằng nó còn quan trọng hơn nhiều lần.
“Hãy mạnh dạn và dũng cảm nhìn nhận điểm yếu của cá nhân mình, của dân tộc mình cũng như hãy mở lòng thừa nhận điểm mạnh của đối phương, của dân tộc khác”, doanh nhân chia sẻ quan điểm.
Không chỉ viết sách, lên lớp với các bài giảng về quản trị kinh doanh, hoặc tham gia đào tạo, dẫn dắt các doanh nhân trẻ trong chương trình như “Sư phụ, đệ tử” của Khoa Quản trị kinh doanh FSB, Đại học FPT cũng là cách “truyền lửa” mà doanh nhân Đỗ Cao Bảo đang thực hiện.
Doanh nhân: Chân thành, tận tụy và phục vụ
Một khi bước chân vào con đường kinh doanh, chúng ta phải rèn luyện để trở thành một người có đức tính kiên trì, sự chân thành, lòng nhẫn nại và đặc biệt phải là người luôn sẵn sàng phục vụ với sự tận tuỵ cao nhất. Chỉ có rèn luyện và xây dựng cho mình tinh thần sẵn sàng phục vụ, lòng tận tuỵ, chân thành, chúng ta mới có hy vọng chiếm được sự tin tưởng, yêu quí của khách hàng. Và phải chiếm được sự tin yêu của khách hàng, chúng ta mới có cơ hội thành công trong kinh doanh.
Thi thoảng tôi vẫn nhận được những câu hỏi kiểu như "Tại sao một số người kinh doanh thành công, nhưng trong số họ nhìn qua không thấy sự sắc sảo, nhạy bén của một người kinh doanh lớn". Câu trả lời của tôi là: Trong kinh doanh tính phục vụ, sự chân thành và lòng tận tuỵ quan trọng hơn sự sắc sảo và nhạy bén.
Bởi lẽ, để trở thành một người làm kinh doanh, việc đầu tiên chúng ta phải chấp nhận là luôn bị động về thời gian. Một khách hàng muốn chúng ta đi uống bia lúc 10 giờ tối để giảm bớt sự căng thẳng trong công việc, hay một khách hàng muốn chúng ta gặp họ vào buổi tối hoặc Chủ nhật để bàn về một công việc mà họ chợt nghĩ ra..., những yêu cầu đột xuất như vậy luôn diễn ra thường xuyên và người kinh doanh phải luôn sẵn sàng đáp ứng với thái độ vui vẻ nhất. Sẽ có rất nhiều lần chúng ta phải lỡ hẹn với người thân cũng là để đáp ứng một nhu cầu nào đó của khách hàng. Tất cả những sự việc như vậy chỉ có thể kết thúc tốt đẹp nếu chúng ta có sẵn trong mình tính phục vụ.
Đã là người kinh doanh, chúng ta phải luôn thấu hiểu phương châm "làm trước hưởng sau". Điều này có nghĩa rằng, trong quan hệ với khách hàng, chúng ta phải luôn luôn thấm nhuần 2 nguyên tắc cơ bản "làm thì chúng ta phải chủ động giành lấy, còn vui chơi chúng ta phải chủ động nhường khách hàng trước". Lấy ví dụ đơn giản, nếu cùng đi công tác thì check-in, check-out khách sạn, vé máy bay, mang vác vali hành lý, túi xách hiển nhiên là việc của chúng ta; còn khi đi hát karaoke thì hiển nhiên khách hàng sẽ được chọn bài trước. Khi đi ăn tiệc thì hiển nhiên khách hàng sẽ được ưu tiên chọn nhà hàng, chọn chỗ ngồi, chọn và đặt món ăn.
Như thế thôi chưa đủ, chúng ta phải làm những việc ấy với thái độ hết sức vui vẻ và thành tâm.
Rất nhiều người quan niệm người kinh doanh thì ngoài sự nhanh nhẹn, nhạy bén, sắc sảo thì cần phải khôn ngoan, thậm chí phải hơi láu cá một chút. Thực tế đã chứng minh rằng thông minh, nhanh nhẹn, nhạy bén, sắc sảo sẽ tạo nên sự thành công, nhưng khôn ngoan quá, khôn hết cả phần người khác sẽ hạn chế sự thành công của họ. Người vừa thông minh, nhanh nhẹn, nhạy bén lại thêm chân thành và chân tình thì mới tạo lên thành công lớn. Điều đơn giản là những người khôn và quá khôn sẽ luôn tìm cách đạt được hiệu quả tối đa cho mình trong mỗi thương vụ mà họ quên mất lợi ích của người hợp tác với họ. Chính vì vậy khi hiểu ra đối tác sẽ ngại không muốn hợp tác tiếp các thương vụ tiếp theo. Kết quả là họ sẽ đạt hiệu quả tối đa cho một thương vụ, nhưng số thương vụ sẽ ít dần đi.
Ngược lại, nếu chúng ta quan hệ với khách hàng chân thành và chân tình, quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của họ thì chúng ta sẽ nhận được sự tin cậy và yêu quí của khách hàng, càng ngày càng có nhiều người muốn hợp tác, kết quả là số thương vụ sẽ càng ngày càng tăng.
Những đúc kết này tôi viết vào cuối năm 2004, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập FPT IS, 10 năm tôi dấn thân vào con đường kinh doanh, quản lý và lãnh đạo. Đã 12 năm trôi qua, xã hội đã đổi thay rất nhiều, công nghệ thay đổi rất nhiều, rất nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời, nhưng những đúc kết TẬN TUỴ, PHỤC VỤ và CHÂN THÀNH vẫn còn nguyên giá trị, ít nhất là dưới góc nhìn của tôi.