Doanh nhân David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO VWS: “Vua rác” coi trọng giá trị cộng đồng

Thông thường, giá trị tài sản là thước đo chính của nhiều doanh nhân, nhưng với ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), giá trị mang lại cho cộng đồng đôi khi lại được xem là tài sản có giá trị nhất.
Doanh nhân David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO VWS: “Vua rác” coi trọng giá trị cộng đồng

Cuộc chiến với người khổng lồ

Năm 2014 là năm để lại nhiều ấn tượng với David Dương, khi “chú bé tí hon” Công ty California Waste Solutions (CWS) do ông làm chủ đã thắng thầu ngoạn mục Công ty Waste Management (WM) - công ly lớn nhất Hoa Kỳ và có thể nói là mạnh nhất thế giới về lĩnh vực môi trường, với các chi nhánh đặt tại 50 tiểu bang Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới.

“Lịch sử TP. Oakland (Hoa Kỳ) lần đầu tiên ghi nhận một hợp đồng có giá trị hàng tỷ đô -la Mỹ được trao cho một công ty do người Việt Nam làm chủ. Thành công của ông David Dương đem lại niềm tự hào cho cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ”, ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco đánh giá.

Nhớ lại cuộc chiến này, ông David Dương cho biết, ông và các cộng sự tại CWS đã chuẩn bị hơn 2 năm với rất nhiều ý tưởng, xây dựng đề án, đến đầu tư trang thiết bị để chào thầu. Đã có lúc họ cận kề thất bại như thời điểm 29/5/2014, khi Hội đồng TP. Oakland họp và bầu chọn WM có giá thấp nhất và phục vụ tốt nhất.

Trước tình hình đó, ông David Dương đã tìm cách chứng minh cho Hội đồng TP. Oakland rằng, có sự không công bằng trong đấu thầu. “Lý do CWS bỏ thầu giá cao hơn WM vì Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố này áp đặt tiêu chuẩn cao hơn, còn WM có giá thấp vì được áp dụng tiêu chuẩn thấp hơn”, ông David Dương kể lại và cho biết, chính phản ánh của ông đã dẫn đến phiên điều trần lịch sử kéo dài 5 tiếng vào ngày 30/7/2014 tại trụ sở Hội đồng TP. Oakland.

Sau 5 giờ “chiến tranh cân não”, CWS của ông David Dương đã đại thắng với 8/8 phiếu bầu của Hội đồng TP. Oakland. Các thành viên của Hội đồng đều ủng hộ vì CWS đã đưa ra mức giá rẻ hơn, thuê mướn đa số cư dân Oakland, cam kết bảo vệ các quyền lợi của người lao động… 

Ước mơ “phủ” công nghệ xanh ở quê hương

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông David Dương nhận ra rằng, ngành công nghiệp xử lỷ rác và tái chế phế liệu mang lại hàng chục tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Nó đòi hỏi những khoản đầu tư lớn, nhưng cũng tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho công nhân. Đó là lý do ông quyết định mở rộng quy mô đầu tư tại Mỹ và đưa công nghệ xanh về quê nhà.

“Tôi là người Việt Nam. Gần 30 năm cùng gia đình định cư tại Mỹ, khi trở về nước, tôi luôn đau đáu phải làm điều gì đó có ích cho quê hương. Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải ở nước ngoài, tôi nhận ra rằng, rác chính là nguồn tài nguyên quý, những ai biết cách sẽ biến nó thành vàng”, “vua rác” David Dương nói.

Sau thành công của Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước ở TP.HCM, ông đang đầu tư dự án Khu công nghệ môi trường xanh ở Long An. Với quy mô 1.760 ha, Dự án có chức năng xử lý các chất thải sinh hoạt và công nghiệp bằng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.

Khu công nghệ Môi trường xanh sẽ xử lý toàn bộ chất thải cho TP.HCM và các tỉnh Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài ra, nơi đây sẽ dành các khu riêng biệt để phân loại, tái chế chất thải điện tử, chất thải nguy hại từ hộ gia đình; xử lý chất thải y tế, tái tạo năng lượng từ chất thải.

Cùng với xưởng chế biến phân compost, Khu công nghệ Môi trường xanh tại Long An còn có nhà máy xử lý nước sinh hoạt và bùn thải, sản xuất nước uống từ nước sau khi xử lý và nước mưa... Dự án cũng có Khu trung tâm công nghệ môi trường Hoa Sen, với diện tích 450 ha, được quy hoạch và thiết kế nhằm đảm bảo chất thải phát sinh từ các hoạt động trong Khu để xử lý kịp thời ngay tại đây.

Tổng mức đầu tư trong 20 năm đầu của Dự án vào khoảng 500 triệu USD và sẽ dần dần tăng lên khi Công ty phát triển thêm các dây chuyền công nghệ xử lý các loại rác khác nhau. Sau lễ khởi công vào ngày 9/11/2014, Dự án sẽ hoàn thành, bắt đầu tiếp nhận xử lý rác sau 12 tháng nữa.

“Ước tính, khối lượng rác thải rắn sinh hoạt của cả vùng đến năm 2020 là khoảng 20.063 tấn, lượng rác thải công nghiệp cũng tương đương. Với khối lượng rác lớn, nguồn thu cũng tăng, Dự án sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ cao, hạ giá thành xử lý chất thải, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm được ngân sách về kiểm tra, quản lý và bảo vệ môi trường”, “vua rác” tự hào cho biết.

Bảo Giang
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục