Lỗ hổng trong sản xuất ống nghiệm
Là người có 15 năm công tác trong ngành y tế, có kinh nghiệm đi nhiều, làm việc nhiều với các cơ quan y tế, bệnh viện quốc tế, không khó để anh Đào Tấn Điền nhận ra rằng, có tới 3/5 mẫu ống nghiệm của Việt Nam đang làm sai với quy chuẩn cả ở quốc tế và trong nước.
Cụ thể, tại Việt Nam, với ống nghiệm chứa máu tĩnh mạch, nhiều bệnh viện vẫn đang sử dụng sai màu cho các mẫu chứa các chất phụ gia EDTA, Heparin và Citrate so với tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7612:2007 / ISO 6710:1995 về ống chứa mẫu máu tĩnh mạch dùng một lần.
Trong đó, mẫu ống nghiệm dùng để chứa chất phụ gia EDTA theo quy chuẩn là màu tím nhạt, thì hiện đang được nhiều cơ sở sản xuất thành màu xanh dương; mẫu ống nghiệm dùng để chứa Citrate theo quy chuẩn là màu xanh dương hoặc đen, tùy tỷ lệ giữa thể tích máu và chất lỏng chống đông, thì lại được sản xuất thành màu xanh lá cây; mẫu ống nghiệm dùng để chứa Heparin là màu xanh lá cây thì lại được sản xuất thành màu đen.
Nhận ra điều này, anh Điền đã nhiều lần gửi bộ nhận diện TCVN 7612:2007 tới các doanh nghiệp có liên quan, các bệnh viện, phòng khám nhằm thuyết phục họ để cùng thay đổi. Tuy nhiên, kết quả anh nhận về phần nhiều chỉ là những cái lắc đầu.
Theo anh Điền, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ngành y tế Việt Nam đã quen với mẫu ống nghiệm màu cũ, các y, bác sỹ cũng thường sử dụng màu để gọi thay cho tên dung dịch, vậy nên việc thay đổi ngay và luôn là khó.
“Dù họ đang làm sai với quy chuẩn, nhưng để thay đổi ngay là chưa thể vì nhiều nơi, nhiều bác sỹ, y tá đã quen với màu và tên cũ của các ống nghiệm. Nếu đổi luôn sẽ dễ gây ra nhầm lẫn trong công tác”, anh Điền bộc bạch.
Tuy nhiên, sau khi biết các mã màu không chỉ sai với quy chuẩn quốc tế, mà còn sai ngay với chính tiêu chuẩn quốc gia TCVN 77612:2007 / ISO 6710:1995, anh Điền cho rằng, việc phải thay đổi để hội nhập là điều tất yếu.
Sản phẩm đúng chuẩn quốc tế của Công ty Bona đang được tiếp thị đến các bệnh viện, cơ sở y tế |
Kiên trì thuyết phục khách hàng dùng sản phẩm đúng chuẩn
Với suy nghĩ đó, vào tháng 5/2020, anh Đào Tấn Điền chính thức thành lập Công ty TNHH Xuất khẩu Bona, lĩnh vực chính là sản xuất nhóm mẫu ống nghiệm chứa máu tĩnh mạch dùng một lần.
Ở thời điểm này, anh Điền nhận được không ít lời nhận xét là liều lĩnh, “ngược đời”, bởi ngành sản xuất vật tư y tế tiêu hao cần số vốn lớn, nhưng lợi nhuận lại nhỏ.
Để có tiền đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại, đạt chuẩn, anh Điền đã phải bán một số bất động sản của gia đình, đồng thời cầm cố căn chung cư, mái ấm của hai vợ chồng để vay thêm vốn ngân hàng. Hiện tại, anh phải thuê mặt bằng tại Thủ Đức vừa để sản xuất, làm việc, vừa để gia đình sống và sinh hoạt ở tầng trên.
Song, dù đang sản xuất đúng với TCVN 77612:2007 / ISO 6710:1995 và quy chuẩn quốc tế, nhưng ống nghiệm của Bona lại khó bán ở thị trường Việt Nam do các bệnh viện, cơ sở khám bệnh đã quen với mã màu sai.
“Chỉ có số ít bệnh viện quốc tế, bệnh viện rất lớn có các loại máy móc hiện đại hơn thỉnh thoảng có sử dụng các ống nghiệm nhập khẩu thì mới nhập loại đúng quy chuẩn của Bona, còn đa số từ chối, đặt hàng chúng tôi sản xuất theo mã màu sai”, anh Điền cho biết.
Tổng giám đốc Đào Tấn Điền vẫn không từ bỏ. Anh lựa chọn chiến lược một mặt sản xuất mẫu ống nghiệm theo màu các cơ sở khám bệnh, bệnh viện Việt Nam đang sử dụng rộng rãi để duy trì doanh thu cho công ty, một mặt không ngừng tiếp cận, thuyết phục các khách hàng, đối tác thay đổi cho đúng chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn quốc gia.
Anh Điền chia sẻ: “Nhiều lãnh đạo, giám đốc sau khi nghe tôi trình bày thì nói chúng tôi làm đúng, nhưng chưa thay đổi được”.
Anh thừa nhận, có thời điểm vì gặp quá nhiều khó khăn, liên tục bù lỗ bằng vốn vay ngân hàng, anh từng nghĩ đến việc đóng cửa Bona.
Nỗi trăn trở trong anh ngày một lớn khi các nhà cung ứng vật tư y tế lớn trong nước liên tục phản hồi rằng, tuy sản phẩm của Bona đạt chuẩn, nhưng sẽ chỉ đặt bút ký hợp đồng khi Bona chịu sản xuất sản phẩm y tế theo thị trường hiện đang có, nghĩa là không đi theo bộ tiêu chuẩn TCVN 7612:2007 cũng như tiêu chuẩn quốc tế.
Trước thực trạng này, anh Điền không nản lòng. Thay vào đó, anh sẵn sàng tiếp tục cung cấp ống nghiệm chứa máu tĩnh mạch dùng một lần theo mẫu, màu cũ mà các cơ sở y tế này đang sử dụng, nhưng đồng thời anh cũng để họ có thời gian chỉnh sửa, thay đổi.
“Tôi để họ có 1 - 2 năm để chỉnh sửa. Vì những mẫu màu cũ, sai lệch đã quá quen thuộc, được sử dụng hàng chục năm nên không thể nói đổi là đổi ngay được. Tuy nhiên, nhiều nhất là sau 3 năm, nếu không có sự chỉnh sửa, tôi sẽ dừng cung cấp mẫu ống nghiệm cho các đối tác này”, anh Điền nói.
Đối với một số đối tác khác như các phòng khám tư, Bona lại thẳng thắn chỉ cung cấp các mẫu ống nghiệm đúng quy chuẩn, không cung cấp các mẫu cũ, bởi đây là các đơn vị có thể thay đổi ngay, dễ dàng hơn so với các cơ sở y tế lớn.
Anh Điền bộc bạch: “Sản xuất, kinh doanh trong ngành này rất khó khăn, nhất là khi tôi lại đang làm khác với thị trường trong nước. Nhưng tôi may mắn nhận được sự ủng hộ và đồng hành hết mình của gia đình. Mỗi khi định bỏ cuộc, tôi sẽ nhớ lại lý do vì sao mình bắt đầu, nhớ tới sự ủng hộ của người thân, nhờ đó lại vững bước đi tiếp”.
Hiện tại, bên cạnh việc sản xuất ống nghiệm để cung cấp cho các đối tác trong nước, Bona đã xuất khẩu ống nghiệm chứa máu tĩnh mạch dùng một lần thông qua đường tiểu ngạch tới một số thị trường như Campuchia, Malaysia...
Nói về Bona, ánh mắt anh Đào Tấn Điền sáng lên niềm tin về một ngày ngành sản xuất vật tư y tế tiêu hao của Việt Nam hội nhập với quốc tế. Anh dự định sẽ tập trung phát triển Bona theo định hướng sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất có thể, nhằm cung cấp sản phẩm đạt chất lượng với giá thành cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.
Theo đó, Bona sẽ tập trung vào ba nhóm sản phẩm gồm: nhóm nhựa y tế (ống nghiệm lấy mẫu máu tĩnh mạch theo tiêu chuẩn, ống nghiệm lấy máu chân không (Vaccum Blood collection tubes), các vật tư y tế bằng nhựa khác); nhóm kit test (test chẩn đoán nhanh, kit PCR) và nhóm may mặc y tế (các sản phẩm trong phòng mổ, bảo hộ y tế, đồng phục bệnh viện, bệnh nhân).
Tất cả những sản phẩm sẽ được tham chiếu kỹ càng qua các tiêu chuẩn của quốc tế và Việt Nam, hướng tới không chỉ cung cấp trong nước, mà còn xuất khẩu chính ngạch ra các thị trường trên thế giới.