Là doanh nhân trong thời bình, để bảo vệ chủ quyền biển đảo, theo ông nên bằng những hành động gì?
Nhiều hội thảo, diễn đàn đã thảo luận về vấn đề này. Đồng quan điểm với nhiều bậc tiền bối, nhiều doanh nhân khác, tôi cho rằng, doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế trong thời bình. Nhiệm vụ của doanh nhân là làm kinh tế, duy trì hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo đời sống người lao động, góp phần ổn định trật tự an ninh xã hội, bảo vệ sự thanh bình của đất nước.
Hậu phương có vững chắc, có ổn định, kinh tế có phát triển thì các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc mới chắc tay súng, an tâm công tác. Kinh tế phát triển cũng chính là nguồn lực củng cố, tăng cường đảm bảo an ninh quốc phòng.
Mỗi người mỗi việc, nhưng đều phải có trách nhiệm với Tổ quốc. Là doanh nhân, trong điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, quyền lợi của Tổ quốc được đặt lên trước tiên. Lấy ý tưởng từ cây phong ba, rặng san hô, những sinh vật biển từ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và câu chuyện thời sự biển đảo trên các phương tiện truyền thông, tháng 3/2012, Công ty Đồng Tâm đã ra mắt 2 bộ sưu tập gạch granite Hoàng Sa, Trường Sa.
Hưởng ứng chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, Đồng Tâm xây dựng chương trình “Cùng Đồng Tâm góp đá xây Trường Sa”. Với mỗi mét vuông gạch, khách hàng đã cùng chúng tôi đóng góp 20.000 đồng ủng hộ cán bộ, chiến sĩ và người dân đang sinh sống, làm việc tại các giàn khoan, hải đảo để giữ gìn, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Đến tháng 10/2012, chúng tôi ra mắt 2 bộ sưu tập gạch granite sân vườn “Hoàng Sa Việt Nam” và “Trường Sa Việt Nam”. Mục tiêu của chúng tôi là đến cuối năm 2016 sẽ đạt sản lượng 1 triệu m2 cho các mẫu gạch này và đóng góp 20 tỷ đồng từ doanh thu bán ra để tham gia chương trình.
Ngoài ra, từ tháng 7/2012 đến tháng 12/2015, chúng tôi hưởng ứng cuộc vận động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”. Chúng tôi phát động trong toàn hệ thống Đồng Tâm chương trình “Mét đất, mét lưới”. Với mỗi mét vuông đất kinh doanh, cho thuê, chúng tôi dành 20.000 đồng để ủng hộ ngư dân Việt Nam đang bám biển, lao động trên các ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Kế hoạch dự kiến là kinh doanh 750.000 m2 đất và đóng góp 15 tỷ đồng. Tháng 6/2014, đại diện cán bộ, công nhân viên Đồng Tâm, lãnh đạo Công ty đã trao cho bà con ngư dân 1 tỷ đồng trong tổng số 5 tỷ đồng dự kiến trao trong năm 2014.
Đó cũng là ý tưởng Kienlongbank cho ra đời thẻ ghi nợ mang tên Trường Sa - Hoàng Sa?
Đúng vậy. Vừa qua, Kienlongbank cho ra đời 2 thẻ ghi nợ nội địa mang tên Hoàng Sa Việt Nam và Trường Sa Việt Nam. Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Chúng tôi muốn tạo ra sản phẩm không những có nhiều tiện ích tốt nhất phục vụ cho khách hàng, mà còn mang lại giá trị tinh thần không nhỏ, đồng thời tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Kienlongbank đã phối hợp Báo Thanh niên hưởng ứng chương trình gây quỹ “Chung tay góp sức bảo vệ biển Đông”. Theo đó, chúng tôi phát động chương trình thúc đẩy các giao dịch của thẻ tại Ngân hàng đến năm 2015, với mỗi thẻ Hoàng Sa, Trường Sa phát hành hoặc có giao dịch thanh toán, Kienlongbank sẽ trích tương ứng 5.000 đồng/thẻ phát hành và 3.000 đồng/thẻ thanh toán, dự tính sẽ trao 2,5 tỷ đồng ủng hộ các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở Kienlongbank phát động rộng rãi trong toàn thể đoàn viên, CBNV mỗi người đóng góp 1 ngày lương ủng hộ gây quỹ. Số tiền chúng tôi đã thu được là hơn 531 triệu đồng.
Những việc làm của chúng tôi nhằm cùng với toàn xã hội chung tay góp sức xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đó chính là văn hóa Kienlongbank, phù hợp với tôn chỉ hoạt động của Ngân hàng là “Sẵn lòng chia sẻ”.
Nhưng Đồng Tâm cũng như Kienlongbank, hoạt động luôn phải tính đến hiệu quả kinh doanh?
Tất nhiên, chúng tôi phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, càng không vi phạm đến quyền lợi của khách hàng. Bằng những hành động thiết thực, ủng hộ vật chất hay tinh thần, chỉ với những giao dịch phát sinh ngẫu nhiên với thẻ Hoàng Sa, Trường Sa là người dân đã góp phần không nhỏ vào Quỹ ủng hộ lực lượng bảo vệ biển Đông.
Số tiền này được trích từ doanh thu hoạt động thẻ của Kienlongbank, không ảnh hưởng đến bất kỳ quyền lợi nào từ phía khách hàng. Kienlongbank mong muốn truyền tải thông điệp “Cộng đồng xã hội cùng chung tay đoàn kết một lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Trong hoạt động tín dụng, Kienlongbank đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với ngư dân ở khu vực miền Tây. Đối tượng khách hàng này đến với Ngân hàng thường có nhu cầu tăng vốn đầu tư hoặc mua sắm thiết bị, phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Tất cả chính sách kinh doanh của Kienlongbank đều áp dụng công bằng và rộng rãi khắp các đối tượng khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi có thể tư vấn thêm cho bà con cách thức vay và sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn.
Ngoài mục tiêu lợi nhuận, Kienlongbank mở rộng tín dụng cho ngư dân còn mang ý nghĩa nào khác, thưa ông?
Hoạt động ngân hàng luôn phải tính toán để có nguồn thu và lợi nhuận từ tín dụng. Là một ngân hàng bán lẻ và tuổi đời hoạt động còn khá trẻ so với nhiều đơn vị bạn, Kienlongbank tập trung đẩy mạnh tín dụng lĩnh vực nông - ngư nghiệp. Đặc biệt, Ngân hàng mở rộng tín dụng lĩnh vực ngư nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là thị trường trọng điểm, chiếm gần một nửa lợi nhuận đạt được của Kienlongbank hàng năm.
Rất nhiều khách hàng của chúng tôi là nông dân, ngư dân, có nhu cầu vay vốn nhỏ lẻ từ 2 triệu đồng trở lên. Đối với hoạt động tín dụng này, mục đích của chúng tôi không vì lợi nhuận, mà mang ý nghĩa giúp người nông dân, ngư dân có nhu cầu về vốn để làm ăn, ổn định cuộc sống, bám đất, bám biển và bám nghề.
Với mục tiêu hoạt động an toàn, bền vững và lợi nhuận hợp lý, thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Kienlongbank đã chủ động miễn, giảm lãi suất cho các trường hợp khách hàng gặp khó khăn, cùng ngồi lại với khách hàng để tìm phương án xử lý phù hợp. Tính đến hết quý II/2014, lãi suất cho vay bình quân của Kienlongbank giảm trên 2%/năm so với đầu năm.
Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân ông cũng như đối với Ngân hàng?
Trách nhiệm với Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng. Thực hiện các chương trình này, không chỉ có ý nghĩa với cá nhân tôi, mà còn với gia đình, CBNV Đồng Tâm Group, CBNV Kienlongbank. Văn hóa của Đồng Tâm và Kienlongbank luôn đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên, trước tiên, sau đó mới đến lợi ích của doanh nghiệp, cá nhân.
Tôi tin rằng, mỗi người lao động tại Đồng Tâm Group và Kienlongbank đều thắm đượm tinh thần và giá trị, ý nghĩa của việc mình làm với đất nước, tự hào giáo dục con cái tinh thần yêu nước này. Việc gì mình làm không những có lợi cho doanh nghiệp, có lợi cho Tổ quốc, mà còn góp phần giáo dục truyền thống cho CBNV và gia đình thì càng có ý nghĩa hơn.
Trách nhiệm với xã hội như vậy, liệu ông có tự tin về định hướng và kết quả hoạt động của hai doanh nghiệp mà ông đang quản lý?
Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chính là biểu hiện đóng góp thiết thực nhất của doanh nghiệp cho xã hội, cho đất nước. Với Đồng Tâm hay Kienlongbank thì đó chính là đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra, đảm bảo đem lại lợi ích hợp lý cho cổ đông, đảm bảo đời sống người lao động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ doanh nghiệp với Nhà nước.
8 tháng đầu năm 2014, Đồng Tâm Group ước đạt 1.250 tỷ đồng doanh thu so với kế hoạch cả năm 1.800 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của Đồng Tâm ước đạt 100 tỷ đồng so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm là 135 tỷ đồng. Với tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, Đồng Tâm tin rằng, sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2014: doanh thu thuần 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 135 tỷ đồng.
Tại Kienlongbank, chúng tôi tự tin đang đi đúng mục tiêu đã đề ra. 6 tháng đầu năm, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 211,86 tỷ đồng, bằng 50,56% kế hoạch năm. HĐQT, Ban điều hành Kienlongbank tự tin hoàn thành mục tiêu đã đặt ra trong năm 2014 là tổng tài sản 23.842 tỷ đồng (tăng 12%), huy động vốn 19.595 tỷ đồng (tăng 11%), dư nợ cho vay 13.341 tỷ đồng (tăng 10%), lợi nhuận trước thuế 419 tỷ đồng (tăng 7%).
Ở cương vị Chủ tịch HĐQT, tôi sẽ nỗ lực hết mình, điều hành tốt các doanh nghiệp để hậu phương ngày càng vững chắc, tạo điểm tựa cho những người lính đang làm nhiệm vụ cao cả ngoài biên cương, ngoài đảo xa.