Tại Hội thảo “Luật Thi hành án dân sự - Góc nhìn từ doanh nghiệp”, luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng Luật sư Đồng Đội lấy ví dụ về sự nhiêu khê, cửa quyền của chấp hành viên đối với bên được thi hành án là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Việt Hưng (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Vụ việc này đang gây xôn xao dư luận bởi những sai phạm của Cục Thi hành án TP. Việt Trì.
Điều đáng nói là, dù doanh nghiệp này đã có nhiều khiếu nại về bản án và sai phạm khi thi hành án, song họ không được quan tâm, xem xét, chấp hành viên vẫn bất chấp sai phạm đến cùng. Mới đây, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định kháng nghị vụ án và yêu cầu cơ quan thi hành án dừng việc thi hành án.
“Nhiều năm qua, do Luật Thi hành án dân sự không quy định thời hạn thi hành án, dù Bộ Tư pháp cũng quan tâm chỉ đạo, xử lý vi phạm của cấp dưới trong việc dây dưa, kéo dài việc thi hành án, nhưng không ít chấp hành viên vẫn nhũng nhiễu, tiêu cực, tự cho mình quyền làm gì thì làm, dẫn đến việc bên thi hành án là doanh nghiệp chán nản, mệt mỏi, sợ trù dập ngâm án”, luật sư Tiền cho biết.
Theo một doanh nghiệp tại Hà Nội, họ ký hợp đồng với đối tác từ năm 2006, số tiền quá hạn thanh toán 4 năm là 5 tỷ đồng. Sau khi thắng kiện, chuyển hồ sơ thi hành án thì vướng mắc đủ bề: doanh nghiệp khởi kiện ở Tòa án Nhân dân huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh), nhưng doanh nghiệp bị kiện ở Sơn La, nên thủ tục chậm, không phong tỏa được tài khoản, thi hành án không thể cưỡng chế…
Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Pháp chế, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết, Vietcombank đang vướng thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn, tài sản tới gần 2.000 tỷ đồng. Nếu giải tỏa được những vướng mắc về thủ tục thi hành án, quá trình thi hành án, thì số tiền này sẽ nhanh chóng được giải quyết.
Cũng bức xúc với thi hành án, ông Phạm Hải Bình, đại diện Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) cho biết, PVCombank có nhiều hợp đồng cho vay chưa trả, thậm chí chủ khoản chuyển sang tên người khác. Khi ra tòa, nhiều khả năng không giải quyết được, lại tốn kém, nên PVCombank quyết định không khởi kiện tại tòa án để đòi nợ vì những phiền hà, kém hiệu quả của công tác thi hành án.
Bên cạnh những nhiêu khê của chấp hành viên, những quy định không rõ ràng về thời gian phải thi hành án, thì doanh nghiệp cũng phải đối mặt với hàng loạt vướng mắc khác liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm, trả lãi hồ sơ, hoạt động thẩm định giá và đấu giá tài sản, thi hành phán quyết trọng tài… Trong khi đó, phương án sử dụng dịch vụ đòi nợ hợp pháp, thậm chí dùng xã hội đen đòi nợ có thời gian thu hồi ngắn, tỷ lệ thành công cao đã khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn các phương án này.
Luật sư Trần Xuân Tiền nhận xét, với những hạn chế về hiệu quả, thời gian, lợi nhuận thì cực chẳng đã, các doanh nghiệp mới lựa chọn con đường khởi kiện để đòi lại quyền lợi. Việc thi hành án kém hiệu quả khiến doanh nghiệp mất niềm tin. “Lúc đầu tôi nghĩ, có bản án của tòa là có thể đòi được tiền. Thế mà vẫn gặp khó khăn khi thi hành án. Vậy thì bản án của tòa án có giá trị gì nữa?”, ông Bùi Trường Sơn, Công ty Phục Hưng Holdings thẳng thắn chia sẻ.
Hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự
Tại Hội thảo trên, nhiều ý kiến đã góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn Dự thảo sẽ hoàn thiện hơn hoạt động thẩm định giá và đấu giá tài sản; thi hành phán quyết trọng tài; bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp trong Luật Thi hành án dân sự.
TS. Bùi Thị Huyền, Giảng viên Trường đại học Luật Hà Nội cho rằng, tình trạng thi hành án tồn đọng chuyển sang năm sau còn nhiều, mà nguyên nhân có phần do bản án, quyết định của tòa án có sai sót, không rõ ràng hoặc không phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, trên thực tế, việc cấp và chuyển giao bản án, quyết định của tòa án cho đương sự và cơ quan thi hành án dân sự thường không đúng hạn. Điều này làm ảnh hưởng đến thời hạn thi hành án dân sự, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Do đó, bà Huyền đề nghị, cần nâng cao trách nhiệm của tòa án trong hoạt động thi hành án dân sự; quy định cụ thể trách nhiệm của tòa án trong việc chậm giải thích, đính chính hoặc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, hoặc chậm cấp, chuyển giao bản án, quyết định của mình mà gây thiệt hại cho đương sự.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn kiến nghị, luật cần có chế tài rõ ràng, trường hợp như thế nào thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, trường hợp nào thì chuyển thành hình sự khi có dấu hiệu mang tài sản đi thế chấp, nếu chuyển thành hình sự thì giải quyết như thế nào. Nếu không rõ ràng khi đưa vụ việc ra tòa thì tốn kém thêm, tòa xử rồi đưa ra thi hành án cũng tốn kém thêm, mà tài sản thì không đòi được.