Vụ HASC: Sẽ lấy tài sản cá nhân để trả nợ

(ĐTCK-online) Nguyên Chủ tịch HĐQT CTCK Hà Thành (HASC) Trương Duy Sơn đã đưa ra phương án xử lý tài sản cá nhân để khắc phục hậu quả của vụ "vỡ" tín dụng do mình gây ra. Liên quan đến vấn đề này, ĐTCK có cuộc trao đổi với ông Bùi Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT HASC.
Trụ sở CTCK Hà Thành - Ảnh: Quang Sơn Trụ sở CTCK Hà Thành - Ảnh: Quang Sơn

>> Bảo lãnh vay của Chủ tịch HASC có dấu hiệu bất thường

Số âm trên các tài khoản do ông Sơn đứng ra bảo lãnh là khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài trách nhiệm của ông Sơn thì trách nhiệm của HASC và những người liên quan đến đâu, đặc biệt là ở khía cạnh kiểm soát rủi ro trong quá trình hoạt động của Công ty?

Sự việc trên xảy ra trong năm 2010, nên vào cuối năm đó, Ban giám đốc của HASC đã làm việc với ông Sơn để xử lý các khoản nợ do cá nhân ông Sơn đứng ra bảo lãnh và yêu cầu ông Sơn xuất trình các văn bản chứng minh khả năng tài chính để bù đắp các khoản thâm hụt. Giữa tháng 2/2011, Ban giám đốc HASC chính thức báo cáo HĐQT về tình hình các tài khoản đầu tư do ông Sơn bảo lãnh để có biện pháp xử lý.

 

Ông Sơn và những người có liên quan lập ra một số tài khoản cá nhân để kinh doanh chứng khoán, đồng thời với tư cách là Chủ tịch HĐQT của HASC, ông Sơn đã đứng ra bảo lãnh vay tiền ngân hàng để kinh doanh dẫn đến thua lỗ. Việc bảo lãnh này do quyết định của cá nhân ông Sơn hay có chủ trương hoặc ý kiến chấp thuận của Ban lãnh đạo HASC?

Ông Sơn và những người có liên quan đến vụ việc HASC bảo lãnh cho khách hàng vay tiền kinh doanh chứng khoán trên một số tài khoản cá nhân, gây ra khoản thâm hụt cho các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính là việc làm chủ yếu mang tính cá nhân của ông Sơn. HĐQT HASC không có nghị quyết về chủ trương thực hiện các hợp đồng nêu trên. Do đó, ông Sơn và những người liên quan phải chịu trách nhiệm cá nhân trước cơ quan có thẩm quyền và pháp luật về các hành vi đó của mình.

Hiện nay, cơ quan chức năng đang xem xét để giải quyết vấn đề này theo quy định của pháp luật. Trong các cuộc họp của HĐQT HASC sau khi xảy ra vụ việc, ông Sơn đã nhận trách nhiệm cá nhân đối với khoản thâm hụt nêu trên đối với các tổ chức tài chính và ngân hàng, đồng thời ông Sơn đưa ra phương án giải quyết nhằm khắc phục hậu quả bằng các tài sản như nhà cửa, đất đai và cổ phiếu của cá nhân và gia đình. Đối với các khách hàng có liên quan đến khoản thâm hụt tài sản của HASC, Ban giám đốc đã triển khai thu hồi những khoản nợ này theo quy chế của Công ty và theo quy định của pháp luật.

 

Chuyển hồ sơ vụ CTCK Hà Thành sang Công an

 

Một quan chức của UBCK cho biết, trong quá trình kiểm tra hoạt động tại CTCK Hà Thành (HASC) sau khi xảy ra tình trạng thâm hụt tín dụng liên quan đến trách nhiệm của nguyên Chủ tịch HĐQT HASC Trương Duy Sơn, UBCK nhận thấy có một tình tiết phức tạp xung quanh các hợp đồng bảo lãnh vay tiền của các tổ chức tín dụng mà ông Sơn ký, nên đã chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan Công an thụ lý giải quyết. Mức độ sai phạm của ông Sơn và những người có liên quan đến đâu sẽ được đưa ra sau khi Cơ quan Công an kết thúc quá trình điều tra và đưa ra kết luận chính thức.

 

Theo vị quan chức trên, số tiền thâm hụt chỉ xảy ra đối với tài khoản của ông Sơn và tài khoản của các NĐT uỷ quyền cho ông Sơn giao dịch, chứ không liên quan đến tiền của NĐT mở tài khoản giao dịch tại HASC.

Thưa ông, ngoài trách nhiệm của ông Sơn thì những người có liên quan đến vụ việc là ai, giữ vị trí gì tại HASC, những người này đã bị xử lý ra sao?

HASC đã thay kế toán trưởng để hoàn thiện lại hệ thống kế toán của Công ty và kiểm điểm trách nhiệm của Ban giám đốc trong việc điều hành hoạt động chung của HASC.

 

Ngày 23/5, UBCK có văn bản yêu cầu HASC rà soát lại toàn bộ các hợp đồng giữa Công ty với khách hàng, giữa Công ty với ngân hàng. Việc này đang được HASC triển khai ra sao?

Hiện tại, HĐQT, Ban giám đốc, Ban kiểm soát và các cổ đông lớn của HASC một mặt phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để làm rõ hành vi của ông Sơn, mặt khác trực tiếp chỉ đạo, giám sát hoạt động của Công ty và bóc tách trách nhiệm của từng cá nhân liên quan đến hành vi của ông Sơn để đảm bảo sự hoạt động ổn định của HASC, bảo vệ tài sản của Công ty và cổ đông.

 

UBCK yêu cầu các CTCK phải tách bạch tài khoản tiền gửi của NĐT với tài khoản của công ty tại ngân hàng. Phải chăng HASC không tuân thủ quy định này nên mới dẫn đến "sự cố" hiện nay?

Từ khi HASC đi vào hoạt động cho đến nay luôn thực hiện chế độ quản lý tách bạch tài khoản của NĐT và tài khoản của Công ty tại ngân hàng. Hiện HASC hoạt động bình thường và đảm bảo việc giao dịch chứng khoán và các giao dịch khác như nộp, rút, chuyển khoản tiền của NĐT.

 

Thưa ông, việc liên lạc với ông Sơn để khắc phục hậu quả đang được HASC tiến hành ra sao? Ông Sơn và những người liên quan có đưa ra cam kết bao giờ khắc phục xong hậu quả do mình gây ra?

Ban lãnh đạo HASC đang phối hợp với gia đình ông Sơn và các bên có liên quan để xử lý tài sản của ông Sơn nhằm khắc phục hậu quả. Qua vụ việc này, HĐQT và Ban lãnh đạo Công ty đang rà soát để củng cố quản lý và hoạt động của HASC, nhằm không để lặp lại sự việc trên trong thời gian tới.

Hữu Hòe thực hiện
Hữu Hòe thực hiện

Tin cùng chuyên mục