Vụ ALC II lỗ 3.000 tỷ đồng: 30 tổ chức tài chính liên lụy

Kinh doanh thua lỗ nhiều năm nhưng đến năm 2007 mới bị phát hiện. Tuy nhiên, Agribank vẫn tiếp tục bảo lãnh và bơm vốn cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II).
Trụ sở Công ty Cho thuê tài chính II tại TP. HCM Trụ sở Công ty Cho thuê tài chính II tại TP. HCM

Ngày 17/4, lãnh đạo Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) xác nhận Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Vũ Quốc Hảo, nguyên tổng giám đốc ALC II - công ty con của Agribank, vào ngày 16/4.

 

Làm sai nguyên tắc

 

Cùng bị bắt với ông Hảo còn có ông Tôn Quang Việt, nguyên phó phòng cho thuê ALC II và ông Đặng Văn Hai, tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quang Vinh. Các cá nhân này liên quan đến khoản lỗ 3.000 tỷ đồng của ALC II.

 

Một số cán bộ của Agribank cho biết cốt lõi của vụ việc ALC II thua lỗ là tổng giám đốc Vũ Quốc Hảo và một số cán bộ cấp dưới đã làm sai nguyên tắc. Thay vì mua tài sản để cho thuê tài chính, ông Hảo lại dùng tiền đầu tư vào tài sản hoặc cho thuê tài chính sai mục đích… Còn ông Đặng Văn Hai là khách hàng của ALC II nhưng có quan hệ thân thiết với ông Hảo và ông Tôn Quang Việt.

 

Đến cuối tháng 3/2011, ALC II đã cho hàng trăm doanh nghiệp thuê thiết bị máy móc, công nghệ... với dư nợ cho thuê tài chính 7.184 tỷ đồng. Còn ALC II nợ các tổ chức gần 7.950 tỷ đồng, trong đó nợ Agribank 3.953 tỷ đồng, nợ các tổ chức khác 3.996 tỷ đồng.

Nhiều người thắc mắc ALC II chỉ có số vốn tự có khiêm tốn 450 tỷ đồng nhưng tại sao có đến 30 tổ chức tín dụng tin tưởng cho ALC II  vay hàng ngàn tỷ đồng? Phải chăng do ALC II luôn có “bầu sữa mẹ” Agribank hậu thuẫn nên các tổ chức tài chính khác trao trọn niềm tin, “vô tư” dồn vốn cho ALC II.

 

Đơn cử, BHXH Việt Nam đã cho ALC II vay 1.010 tỷ đồng, thông qua bảo lãnh của Agribank. Theo đó, Agribank  chịu trách nhiệm về việc sử dụng và hoàn trả vốn, tiền lãi cho các đơn vị trực thuộc, trong đó có số tiền mà ALC II vay của BHXH Việt Nam.

 

“Ém” thông tin

 

Thế nhưng, ALC II lại sử dụng vốn hết sức cẩu thả. Cụ thể, ALC II bỏ ra hơn 7 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền nghiền đá để cho doanh nghiệp (DN) thuê nhưng sau đó dây chuyền nghiền đá lại biến mất, buộc cơ quan chức năng vào cuộc mới thu hồi được phần vốn.

 

Trường hợp khác, DN không mua máy móc thiết bị mà dùng vốn vay của ALC II để mua bất động sản. Hệ quả, ALC II phải năn nỉ DN bán đất để thu hồi vốn ...

 

Số liệu của ALC II cũng cho thấy thời điểm ngày 30-6-2010, dư nợ cho thuê tài chính là 7.900 tỷ đồng; số tiền đầu tư dở dang vào các loại tài sản lên tới 3.990 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là đầu tư cho 5 tàu biển.

 

Cũng tại thời điểm này, tổng số nợ của ALC II lên tới 10.342 tỷ đồng, trong đó, nợ của Agribank 4.238 tỷ đồng, nợ các tổ chức khác 6.104 tỷ đồng (riêng BHXH Việt Nam 810 tỷ đồng).

 

Thực tế, ALC II kinh doanh thua lỗ đã từ lâu nhưng phải đến năm 2007 mới bị phát hiện. Khi đó, Agribank bắt đầu thành lập tổ giám sát, rồi thành lập ban chỉ đạo gồm 21 cán bộ nhằm phục hồi “sức khỏe” cho ALC II. Tuy nhiên, Agribank tiếp tục bảo lãnh cho ALC II vay tiền từ các tổ chức khác, đánh liều “bơm” vốn vượt quy định để ALC II giải quyết tình trạng nợ.

 

Tuy vậy, đến cuối năm 2009, hoạt động kinh doanh của ALC II vẫn không được cải thiện, thua lỗ 3.000 tỷ đồng, trở thành con nợ của 30 tổ chức tài chính. Trong khi đó, các tổ chức cho ALC II vay tiền vẫn không hay biết ALC II nợ nần như “chúa chổm”.


NLĐ

Tin cùng chuyên mục