Việt Nam sẽ có 3-4 tập đoàn viễn thông hùng mạnh

Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt, theo đó mỗi dịch vụ như di động, cố định, Internet phải có ít nhất 3 doanh nghiệp hoạt động để đảm bảo cạnh tranh.
Việt Nam sẽ có 3-4 tập đoàn viễn thông hùng mạnh

 

Cụ thể, quy hoạch viễn thông quốc gia đến năm 2020 định hướng thị trường phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo lập cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Một số thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng như cố định đường dài trong nước, quốc tế, di động, Internet bằng rộng phải có ít nhất 3 doanh nghiệp tham gia. Song mặt khác, quy hoạch tránh việc gia nhập ồ ạt, đặc biệt là tập đoàn nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực viễn thông dẫn đến cạnh tranh quá mức và hiệu quả thấp.

 

Việt Nam sẽ có 3-4 tập đoàn viễn thông hùng mạnh ảnh 1

Mỗi thị trường di động phải có ít nhất 3 doanh nghiệp để đảm bảo cạnh tranh. Ảnh minh họa.

 

Ngoài ra, bản quy hoạch đề ra mục tiêu cơ cấu lại thị trường viễn thông trên cơ sở tổ chức lại doanh nghiệp theo hướng cho phép, chuyển giao, mua bán, sáp nhập nhằm hình thành 3-4 tập đoàn, tổng công ty mạnh. Điều này giúp sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực và tài nguyên viễn thông. Việc kiểm soát chặt tập trung kinh tế, phân bổ nguồn lực hợp lý cũng được đưa ra để chống độc quyền hóa.

 

Chủ trương phát triển viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp phát huy nội lực, tạo điều kiện các thành phần kinh tế tham gia phát triển thông qua chính sách cấp phép và từng bước cổ phần hóa mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Song, Nhà nước vẫn tiếp tục nắm cổ phần chi phối những đơn vị cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảo an ninh quốc phòng...

 

Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm soát chặt chẽ về giá dịch vụ theo hướng giảm chi phí để phù hợp với thu nhập của người dân, song từng bước điều chỉnh cước một số dịch vụ hiện còn thấp hơn giá thành để đảm bảo hiệu quả cho doanh nghiệp. Bộ tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp song đơn vị kinh doanh không được tăng giá quá mức ảnh hưởng đến người dùng và mất ổn định thị trường.

 

Trước đó, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho rằng, để thị trường phát triển bền vững và hiệu quả cần ít nhất 3 doanh nghiệp có thị phần tương đương, tạo thành thế chân vạc. Bởi khi chỉ có 2 đơn vị lớn và một đơn vị nhỏ cũng khó có thể tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh.

 

Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 là cơ sở quan trọng để quyết định tái cơ cấu VNPT và sáp nhập mạng di động MobiFone và VinaPhone theo hướng nào. Hiện nay, 2 nhà mạng trên cùng Viettel chiếm đến 95% thị phần, nếu sáp nhập, thị trường chỉ còn 2 doanh nghiệp lớn, không đảm bảo cạnh tranh như bản quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt.

 

Bên cạnh đó, Luật Viễn thông quy định một doanh nghiệp không được cùng lúc nắm giữ trên 20% vốn của 2 doanh nghiệp viễn thông. Do vậy, VNPT cũng không thể giữ 2 nhà mạng song hành như hiện nay. Theo đó, việc tái cơ cấu của VNPT sẽ trở nên khó khăn hơn, nhất là khi "đại gia" MobiFone đang đóng góp đến 50% doanh thu cho tập đoàn này.

Một số chỉ tiêu phát triển trong quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020:

 

- Tỷ lệ đường dây thuê bao cố định 20-25 đường/100 dân, tỷ lệ Internet băng rộng cố định đạt 15-20 thuê bao/100 dân; tỷ lệ băng rộng di động đạt 35-40 thuê bao/100 dân.

 

- Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định đạt 40-45%, hộ gia đình có truy cập Internet là 35-40%, tỷ lệ người sử dụng Internet chiếm 55-60%.

 

- Phủ sóng thông tin di động đến trên 95% dân số cả nước, các tuyến đường giao thông, quốc lộ, tỉnh lộ, điểm trọng yếu kinh tế, quốc phòng, an ninh.

 

- 100% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối Internet băng rộng.

 

- Tốc độ tăng trưởng viễn thông đạt khoảng 1,2-1,5 lần tốc độ tăng trường GDP. Tổng doanh thu viễn thông đạt từ 15-17 tỷ USD, chiếm khoảng 6-7% GDP.

 


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục