VEC lao đao với khoản cưỡng chế thuế hơn 5.000 tỷ đồng

Do thiếu khoảng 20 tỷ đồng vốn điều lệ, nên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang bị Cục Thuế TP. Hà Nội cưỡng chế truy thu hơn 5.000 tỷ đồng thuế VAT đã trả cho các nhà thầu trong giai đoạn 2016 - 2017.
Tiến độ một số dự án do VEC thực hiện sẽ bị ảnh hưởng bởi việc cưỡng chế truy thu thuế VAT đối với đơn vị này. Ảnh: A.M Tiến độ một số dự án do VEC thực hiện sẽ bị ảnh hưởng bởi việc cưỡng chế truy thu thuế VAT đối với đơn vị này. Ảnh: A.M

Tê liệt

“Trong 6 tháng vừa qua, gần như mọi hoạt động liên quan đến dòng tiền đi/đến của VEC đóng băng sau khi Cục Thuế TP. Hà Nội ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế”, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC cho biết.

Trước đó, cuối tháng 5/2019, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội đã ký liên tiếp 5 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đối với VEC bằng biện pháp trích từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Ngân hàng SCB - Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng VietinBank - Chi nhánh Đống Đa, Sở Giao dịch Vietcombank, Ngân hàng MB - Chi nhánh Thăng Long, Ngân hàng BIDV - Sở giao dịch 3.

Lý do được Cục Thuế TP. Hà Nội đưa ra là người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp thuế đã quá hạn phải cưỡng bức theo quy định của Luật Quản lý thuế và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Số tiền mà Cục Thuế TP. Hà Nội yêu cầu mỗi ngân hàng phải trích từ tài khoản VEC để nộp vào Kho bạc Nhà nước TP. Hà Nội là 1.033 tỷ đồng, gồm tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) 83,468 tỷ đồng và tiền truy thu hoàn thuế VAT là 949,737 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền mà VEC bị cưỡng chế truy thu thuế lên tới 5.166 tỷ đồng, cao gấp 5 lần vốn điều lệ của đơn vị này.

Ông Mai Tuấn Anh cho biết, đến đầu tháng 6 năm nay, 5 ngân hàng đã phong tỏa và tự động trích tiền chuyển sang tài khoản Kho bạc Nhà nước theo yêu cầu của cơ quan thuế. Các quyết định của Cục Thuế TP. Hà Nội chỉ chấm dứt hiệu lực khi đối tượng bị cưỡng chế nộp đủ số tiền bị cưỡng chế theo đúng yêu cầu.

Được biết, vụ việc hy hữu này xuất phát từ đợt thanh tra sau hoàn thuế đối với VEC của Cục Thuế TP. Hà Nội vào tháng 3/2018. Đoàn thanh tra cho rằng, tính đến thời điểm thanh tra, VEC vẫn thiếu 21,289 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng vốn điều lệ ghi trên giấy phép kinh doanh.

Trong khi đó, Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/6/2016 của Bộ Tài chính quy định: “Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ vốn điều lệ như đăng ký thì không được hoàn thuế”. Đây là lý do khiến Cục Thuế TP. Hà Nội cho rằng, VEC chưa đủ điều kiện hoàn thuế VAT theo quy định và tiến hành truy thu số thuế VAT mà VEC đã hoàn cho các nhà thầu thi công các dự án đầu tư đường cao tốc trong giai đoạn từ tháng 7/2016 đến ngày 31/12/2017.

Cần phải nói thêm, hiện nay, các khoản vay ODA của Bộ Tài chính cho các dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư không có thuế VAT, trong khi các hiệp định, cam kết giữa Việt Nam với các nhà tài trợ, thì phần thuế trả cho nhà đầu được Nhà nước bố trí từ vốn đối ứng. Các khoản thuế được hoàn và chưa được hoàn từ ngày 1/1/2016 đến nay, VEC đều đã phải thanh toán cho các nhà thầu để thi công dự án đúng tiến độ và đảm bảo không có khiếu kiện từ các nhà thầu theo điều khoản hợp đồng.

Đọng vốn điều lệ

Quá trình đọng vốn điều lệ của VEC trên thực tế kéo dài từ khi đơn vị này được thành lập (năm 2004) cho tới nay.

Văn bản số 1245/CP-ĐMDN ngày 1/9/2004 của Chính phủ quy định, Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (tiền thân của VEC) có số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, gồm 50 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp và nguồn bán quyền thu phí tại 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 là Cầu Giẽ và Phù Đổng.

Tháng 4/2005, Bộ Tài chính có Văn bản số 4751/BTC-TCDN về cơ chế quản lý sử dụng thu phí 2 trạm Cầu Giẽ và Phù Đổng để bổ sung vốn điều lệ cho VEC. Tuy nhiên, tại văn bản này, Bộ Tài chính chỉ ghi thu/ghi chi là 978,71 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng vốn điều lệ được Chính phủ phê duyệt. Đáng nói là, suốt 15 năm qua, VEC liên tục có văn bản thúc giục, nhưng vốn điều lệ còn thiếu của VEC vẫn chưa được cơ quan quản lý ngân sách làm thủ tục ghi thu, ghi chi.

Vào tháng 6/2010, khi tiến hành chuyển đổi VEC từ công ty lên tổng công ty, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Quyết định số 1666/QĐ-BGTVT nâng vốn điều lệ của đơn vị này lên 1.018,79 tỷ đồng, dù về thủ tục giấy tờ, số vốn VEC được cấp tính đến khi Cục Thuế TP. Hà Nội vào thanh tra vẫn chỉ là 978,71 tỷ đồng. Như vậy, chiểu theo Văn bản số 1245/CP-ĐMDN, VEC đang thiếu khoảng 21,289 tỷ đồng, nhưng theo Quyết định số 1666/QĐ-BGTVT, khoản nợ đọng vốn điều lệ tăng lên khoảng 40 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, lãnh đạo VEC đã có nhiều văn bản gửi Cục Thuế TP. Hà Nội để thuyết phục việc dẫn chiếu Thông tư số 130/2016/TT-BTC là chưa phù hợp, bởi vốn điều lệ của VEC được bổ sung từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, nhưng cơ quan thuế vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, VEC không đủ điều kiện hoàn thuế.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2019, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị cho phép cơ quan đại diện phần vốn nhà nước được phê duyệt điều chỉnh mức vốn điều lệ của VEC là 1.000 tỷ đồng theo đúng quy định của Chính phủ.

Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính thực hiện ngay thủ tục ghi thu, ghi chi 21,289 tỷ đồng còn thiếu để vốn điều lệ của VEC đáp ứng đủ quy mô 1.000 tỷ đồng, đồng thời chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội tạm hoãn các biện pháp cưỡng chế thuế đối với VEC và hoàn trả số tiền đã thu hồi theo các quyết định cưỡng chế thuế.

“Việc tiếp tục cưỡng chế thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của VEC, đặc biệt là tiến độ triển khai các dự án đường cao tốc đang trong giai đoạn nước rút và tác động xấu đến khả năng trả nợ các khoản gốc, lãi vay đã đến hạn mà Bộ Tài chính đang phải bảo lãnh”, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp lo ngại.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục