Trái phiếu Đạt Phương “lách luật” rao bán ra công chúng?

(ĐTCK) Trong những ngày gần đây, nhiều nhà đầu tư cá nhân liên tục nhận được chào mời từ môi giới Công ty cổ phần Chứng khoán SSI bán trái phiếu của Công ty cổ phần Đạt Phương (mã DPG - sàn HOSE). Đáng chú ý, Công ty đăng ký phát hành riêng lẻ nhưng đại lý phát hành không hề áp điều kiện gì về số lượng nhà đầu tư.
Trái phiếu Đạt Phương “lách luật” rao bán ra công chúng?

Chào mời tới các nhà đầu tư cá nhân, môi giới SSI nói “Mức lãi suất của sản phẩm này cực kỳ hấp dẫn”, thậm chí họ còn tư vấn để nhà đầu tư vay ngân hàng, lấy tiền mua trái phiếu nhằm hưởng chênh lệch lãi suất, được mô tả tới 4-5%/năm.

Được biết, đợt trái phiếu này có quy mô huy động 150 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm, kỳ hạn 2 năm. Đợt phát hành được thực hiện trong bối cảnh Đạt Phương vừa triển khai đợt huy động 300 tỷ đồng trái phiếu vào tháng cuối quý III đầu quý IV/2019 nhưng “ế” hơn 2/3 và chỉ bán được 81 tỷ đồng, trong đó phần lớn là các nhà đầu tư cá nhân mua. Cũng cần lưu ý rằng, đây là đợt phát hành riêng lẻ (tức là chỉ dành cho dưới 100 nhà đầu tư).

Trong bản chào gửi tới các nhà đầu tư, có rất nhiều thông tin hấp dẫn, chẳng hạn dòng tiền từ các dự án bất động sản của Công ty bắt đầu được hạch toán từ năm 2019 với ước tính 1.000 tỷ đồng/năm.

Tuy vậy, thông tin trong báo cáo thường niên của Công ty lại cho thấy, ngoại trừ dự án Casamia đủ điều kiện mở bán hơn 200 căn biệt thự với số tiền cọc cho 149 căn bán thành công đợt đầu là 71 tỷ đồng, các dự án khác vẫn đang trong quá trình triển khai, giải phóng mặt bằng, chưa nộp tiền sử dụng đất…

Báo cáo tài chính của Đạt Phương cho thấy, 9 tháng đầu năm 2019, chi phí khấu hao của Công ty đạt 106 tỷ đồng, tăng 94,5%; chi phí lãi vay hạch toán vào báo cáo hoạt động kinh doanh là 156 tỷ đồng, gấp 2,94 lần cùng kỳ năm ngoái; chi phí lãi vay chiếm 93,4% lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT). Tính đến 30/9/2019, Công ty có dư nợ vay 2.513 tỷ đồng, với 77,4% là các khoản vay dài hạn; nợ vay chiếm 49% tổng nguồn vốn và gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.

Một điểm đáng lưu ý khác là trái phiếu Đạt Phương có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của chính công ty chứ không phải các tài sản khác. Đây là điều nhà đầu tư cần phải tỉnh táo vì giá trị cổ phiếu có thể biến động rất lớn trong khoảng thời gian ngắn, ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Trong cơ cấu cổ đông của Đạt Phương, cá nhân Chủ tịch Lương Minh Tuấn và những người có liên quan được cho là có thể sở hữu tới 30% cổ phần, ngoài ra các cổ đông lớn đều là cá nhân, chủ yếu nằm trong ban lãnh đạo doanh nghiệp và những người có liên quan, không có tổ chức hay cổ đông lớn bên ngoài, thanh khoản của cổ phiếu DPG cũng ở mức thấp, vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.

Giao dịch của cổ đông nội bộ thời gian qua bán nhiều hơn mua, đặc biệt gần đây người có liên quan Chủ tịch Lương Minh Tuấn còn đăng ký bán ra cổ phiếu.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản cả nước đang “hạ nhiệt”, nhiều dự án bị chậm tiến độ triển khai do gặp khó khăn khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, doanh nghiệp có cấu trúc vay nợ cao, dòng tiền thu về từ hoạt động kinh doanh thấp, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho các mảng thủy điện, bất động sản và trả nợ hiện hữu lớn, người mua trái phiếu Đạt Phương rất cần lưu ý tới những gót chân asin này.

Trên thị trường, đóng cửa phiên 18/12, cổ phiếu DPG giảm nhẹ 0,2% xuống mức 44.000 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 58.660 đơn vị.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục