“Tố” Vicem làm khó, Xi măng Tây Đô chưa thể lên sàn

(ĐTCK) Mới đây, Công ty cổ phần Xi măng Tây Đô vừa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ xin được giúp đỡ khắc phục các khó khăn và vướng mắc để hoàn thành thủ tục niêm yết trở thành công ty đại chúng và lên sàn chứng khoán.
Xi măng Tây Đô đặt mục tiêu nhanh chóng trở thành công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán Xi măng Tây Đô đặt mục tiêu nhanh chóng trở thành công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán

Đáng chú ý, theo Xi măng Tây Đô, rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp này chưa thực hiện được kế hoạch là do thiếu sự hợp tác của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), cổ đông nắm giữ trên 48% vốn.

Tiền thân là Công ty Liên doanh Xi măng Hà Tiên 2 - Cần Thơ được thành lập vào ngày 15/12/1995, Xi măng Tây Đô là công ty cổ phần không có phần vốn chi phối của nhà nước có tỷ lệ vốn góp bao gồm Vicem, chiếm tỷ lệ lớn nhất với 48,17%; Công ty cổ phần Sadico Cần Thơ 48,17% (mã chứng khoán SDG – 100% vốn tư nhân) và các cổ đông cá nhân khác 3,66%.

Xi măng Tây Đô hoàn thành cổ phần hóa tháng 7/2004 theo Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002, với loại hình cổ phần hóa theo hình thức 1 (Khoản 1 Điều 3): Giữ nguyên vốn hiện có của Công ty Xi măng Hà Tiên 2 (Vicem thừa kế từ Xi măng Hà Tiên 2) và Công ty Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Cần Thơ (nay là Công ty cổ phần Sadico Cần Thơ) tại Công ty, đồng thời huy động thêm vốn bằng hình thức phát hành thêm cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên.

Công ty không thực hiện IPO phát hành cổ phiếu ra công chúng theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước TP. Cần Thơ và Quyết định 1330/QĐUB của UBND TP. Cần Thơ về việc phê duyệt Đề án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước.

Ông Lê Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, kể từ sau khi được cổ phần hóa, Xi măng Tây Đô phát triển rất nhanh nhờ sản xuất kinh doanh hiệu quả. Từ sản lượng 300.000 tấn/năm, doanh thu 300 tỷ đồng/năm, sau 14 năm cổ phần hóa, doanh nghiệp đã đạt sản lượng 1 triệu tấn/năm, doanh thu 1.300 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, Công ty đã xây dựng được tổ hợp bao gồm doanh nghiệp bê tông, bao bì, vận tải, logistics, với doanh thu của toàn tổ hợp trên 2.000 tỷ đồng/năm.

Nắm bắt cơ hội để mở rộng quy mô hoạt động cũng như phát triển thêm các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới, lãnh đạo Xi măng Tây Đô thống nhất mục tiêu nhanh chóng trở thành công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, do hiện nay, doanh nghiệp chỉ có 58 cổ đông nên không thỏa mãn điều kiện để trở thành công ty đại chúng, vì vậy không thể niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

“Công ty đã gửi công văn đến 2 cổ đông lớn là Vicem và Sadico Cần Thơ nhờ giúp đỡ. Sadico Cần Thơ cũng có văn bản gửi Vicem đề nghị cùng giúp đỡ Xi măng Tây Đô trở thành công ty đại chúng để có điều kiện lên sàn chứng khoán, tuy nhiên, Vicem không trả lời”, công văn gửi tới Thủ tướng Chính phủ của Xi măng Tây Đô nhấn mạnh.

Giải thích rõ hơn về đề xuất và mục tiêu trở thành công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán của doanh nghiệp, công văn gửi xin sự giúp đỡ của Thủ tướng được cả 3 cấp lãnh đạo cao nhất của Công ty là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng giám đốc và Chủ tịch công đoàn cùng ký cho rằng, nếu Vicem thoái hết vốn tại Xi măng Tây Đô theo Quyết định của Chính phủ về việc thoái vốn tại các công ty nhà nước không chi phối vốn, Xi măng Tây Đô hoàn toàn có đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng và lên sàn chứng khoán, từ đó có điều kiện huy động nguồn vốn của xã hội để phát triển thêm lĩnh vực mới như vật liệu không nung, phát triển mạnh hệ thống logistics…

Tuy nhiên nguyện vọng này của doanh nghiệp đã không nhận được sự hợp tác từ phía cổ đông lớn là Vicem. Thậm chí, một cách thẳng thắn, lãnh đạo Xi măng Tây Đô còn nhấn mạnh tại công văn cho rằng, từ ngày Tổng giám đốc mới của Vicem về nhận nhiệm vụ, Vicem đã áp đặt những quy định lỗi thời của công ty nhà nước vào Xi măng Tây Đô, chặn hết mọi sự phát triển của Công ty.

“Là một doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu của TP. Cần Thơ, sau 14 năm cổ phần hóa vẫn không được là công ty đại chúng là điều vô cùng bất thường và khó hiểu. Kính mong Thủ tướng quan tâm giúp đỡ để Xi măng Tây Đô trở thành công ty đại chúng”, công văn của doanh nghiệp đề nghị và khẳng định, Công ty đã có sự lột xác tích cực không chỉ về hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp mà còn về công tác quản lý môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Điều này cho thấy hiệu quả to lớn và đích thực đối với doanh nghiệp sau khi tái cơ cấu. 

Được biết, công văn gửi Thủ tướng Chính phủ của Xi măng Tây Đô đã nhận được sự chỉ đạo từ Văn phòng Chính phủ, theo đó Bộ Xây dựng có trách nhiệm trả lời những vấn đề này trong thời gian sớm nhất, dự kiến là trong tháng 5/2018.

Cũng liên quan tới vụ việc này, đại diện lãnh đạo Vicem cho biết đang có đoàn công tác làm việc trực tiếp với Công ty Xi măng Tây Đô và sẽ có kết quả phản hồi trong cuối tháng này.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục