TNG: Hóa giải thách thức nợ vay

(ĐTCK) Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, bức tranh tài chính của CTCP Đầu tư và thương mại TNG (TNG) vẫn đang cho thấy sức ép nợ vay lớn khi dòng tiền đầu tư, kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào vay nợ.
TNG đang phát triển dòng sản phẩm tự thiết kế mang thương hiệu riêng với biên lợi nhuận cao hơn. TNG đang phát triển dòng sản phẩm tự thiết kế mang thương hiệu riêng với biên lợi nhuận cao hơn.

Lợi nhuận duy trì đà tăng trưởng cao

Báo cáo tài chính tháng 1/2019 của TNG vừa công bố cho thấy, Công ty tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

Cụ thể, trong tháng 1, TNG đạt 349,26 tỷ đồng doanh thu, tăng 63,46% so với cùng kỳ 2018. Biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ lên 18,6% so với mức 18,4% của cùng kỳ, giúp lợi nhuận gộp tăng 65,1%.

Dù các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng mạnh, nhưng kết quả, TNG vẫn thu về 19,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 78,3% so với cùng kỳ 2018, ghi nhận khởi đầu năm tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Năm 2018, theo báo cáo tài chính tự lập của TNG, Công ty đạt doanh thu 3.613 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 180,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 45% và 57% so với thực hiện năm 2017, vượt 31,4% kế hoạch doanh thu và 42,3% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

 Kết quả kinh doanh của TNG.

Sở hữu 15 nhà máy may với 233 chuyền may và các nhà máy phụ trợ, TNG hiện là một trong những doanh nghiệp dệt may có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, với các sản phẩm áo jacket bông, lông vũ, quần cargo short, hàng trẻ em... xuất sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu… và cho các đối tác tên tuổi như The Children’s Place, Decathlon…

Trong ngành dệt may, TNG nằm trong nhóm có biên lợi nhuận gộp 2018 cao nhất, tương đương với CTCP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (18,6%) và cao hơn các đơn vị khác như CTCP Sản xuất thương mại May Sài Gòn - GMC (17,6%), CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (16,7%) Tổng công ty May Việt Tiến (12%), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (9,4%), Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ (8,8%)…

Điều này được đánh giá có một phần nguyên nhân là các sản phẩm chủ lực của TNG như áo jacket có biên lợi nhuận cao hơn so với nhiều loại sản phẩm may mặc khác.

Cùng với đó là sự chuyển hướng từ sản xuất các sản phẩm gia công đơn thuần sang các phương thức có giá trị gia tăng cao hơn thông qua tự chủ nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, các sản phẩm tự thiết kế mang thương hiệu thời trang riêng của TNG cũng giúp đem lại biên lợi nhuận tốt hơn. 

Tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức nợ vay

Tính đến cuối quý I/2018, tổng nợ phải trả của TNG là 2.031 tỷ đồng, trong đó có 1.287,6 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, 228,6 tỷ đồng nợ vay dài hạn và 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.

Tổng số nợ vay phải trả lãi (gồm cả trái phiếu) đang chiếm 60,3% tổng tài sản và gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu.

Đây là mức khá cao nếu so với tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản ở mức 30 - 40% của các doanh nghiệp cùng ngành như May Thành Công (37,9%), May Sông Hồng (31,5%), Everpia (30,2%), GMC (33,4%)...

Tính từ đầu năm 2016 đến cuối tháng 1/2017, nợ vay của TNG đã tăng gần gấp đôi, từ 940,2 tỷ đồng lên 1.716,2 tỷ đồng. Nợ vay tăng nhanh khiến chi phí lãi vay không ngừng gia tăng. Trong năm 2018, tổng chi phí lãi vay phải trả của TNG  là 91 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2017.

Ngoài lãi vay, tỷ giá tăng cũng khiến TNG chịu thêm 44,7 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá trong năm 2018, gấp 2,8 lần năm 2017, phát sinh do các khoản vay ngoại tệ.

Tổng chi phí tài chính tương đương 41,5% lợi nhuận mà hoạt động kinh doanh mang lại (lợi nhuận gộp trừ đi chi phí bán hàng, chi phí quản lý).

 Biến động dòng tiền và vay nợ của TNG.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vay nợ cao, cho dù TNG đã hoàn toàn giữ lại lợi nhuận sau trích lập các quỹ để tái đầu tư và không chi trả cổ tức tiền mặt những năm qua.

TNG kinh doanh có lợi nhuận, nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liên tục âm, hoặc thu về không đáng kể, nên không bù đắp được nhu cầu đầu tư và có dư để trả nợ.

Cụ thể, dòng tiền hoạt động kinh  doanh của TNG năm 2016 âm 62,3 triệu đồng, năm 2017 âm 66,4 tỷ đồng, tuy nhiên, đến năm 2018 bất ngờ dương 253,5 tỷ đồng.

Do báo cáo tài chính tự lập lập bằng phương pháp trực tiếp và các khoản mục khác không có thuyết minh chi tiết nên chưa có thông tin để đánh giá về sự đột biến này.

Sự thất thường của dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tiếp tục được thể hiện khi chỉ trong tháng 1/2019, khoản mục này lại âm 217,8 tỷ đồng, xóa gần hết nỗ lực cả năm 2018 mang lại.

Dòng tiền hoạt động kinh doanh của TNG âm chủ yếu do nhu cầu đầu tư mở rộng với hàng loạt nhà máy được xây dựng, khiến dòng tiền đầu tư liên tục ở mức cao.

Cụ thể, năm 2016, con số này là 246,5 tỷ đồng, sang năm 2017 là 138,6 tỷ đồng, đến năm 2018 là 160,4 tỷ đồng và riêng tháng 1/2019 là 32,8 tỷ đồng - chủ yếu là mua tài sản cố định, xây dựng thêm nhà xưởng.

Theo chia sẻ của lãnh đạo TNG, ý thức được điều này, Công ty đã thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên TNG ECO - GREEN để tách riêng phần bất động sản, qua đó minh bạch hóa hoạt động kinh doanh may mặc và đầu tư bất động sản.

Ngành dệt may Việt Nam nói chung và TNG nói riêng đang có triển vọng nâng cao tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong năm 2019 nhờ một số yếu tố thuận lợi như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giảm nhiệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực..., giúp doanh nghiệp tăng khả năng tìm kiếm đơn hàng mới, song song với gia tăng đơn hàng từ các đối tác truyền thống.

Cuối tháng 12/2018, TNG đã đàm phán và ký kết thành công đơn hàng ODM đầu tiên với khách hàng tại Mỹ, đem về gần 4 triệu USD doanh thu, mở ra cơ hội hợp tác với các khách hàng quốc tế khác.

Việc bán hàng theo hình thức ODM cho phép TNG tự cung cấp toàn bộ nguyên phụ liệu cho khách hàng, giúp tiết kiệm cả về thời gian và chi phí.

Để cải thiện biên lợi nhuận, đại diện TNG cho biết, sẽ liên tục nâng cao công tác quản trị, áp dụng công nghệ ERP tiên tiến vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ chi phí, nâng cao năng suất lao động, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2019 cũng như giai đoạn tới.

Về các giải pháp gia tăng sức mạnh dòng tiền, mới đây, TNG đã phát hành thành công cổ phiếu ESOP cho cán bộ, công nhân viên Công ty. Lượng tiền bổ sung gần 25 tỷ đồng từ đợt phát hành góp phần cải thiện nguồn vốn cho TNG.

Vay nợ bằng VND, nhưng có nguồn thu từ ngoại tệ, biến động tỷ giá được kỳ vọng sẽ đem lại một phần lợi nhuận cho TNG. Bên cạnh đó, việc doanh thu liên tục tăng cũng là lợi thế của Công ty

Để cân đối dòng tiền cho kinh doanh và đầu tư, giảm bớt phụ thuộc vào vay nợ, qua đó hạn chế rủi ro tài chính, năm 2019, TNG cho biết sẽ cân nhắc giảm tất cả các khoản đầu tư chưa cần thiết, ưu tiên danh mục đầu tư về máy móc, thiết bị chuyên dùng để tăng năng suất lao động.                

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục