Thủy sản Minh Phú (MPC) phản hồi về yêu cầu của Nghị sĩ Mỹ điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá

(ĐTCK) Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) vừa có phản hồi về việc ông Darin LaHood, Nghị sỹ Mỹ đã gửi thư yêu cầu Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) tiến hành điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với Tập đoàn, cáo buộc Minh Phú có khả năng đã nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang thị trường Mỹ với xuất xứ tôm Việt Nam.
Thủy sản Minh Phú (MPC) phản hồi về yêu cầu của Nghị sĩ Mỹ điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá

Về vấn đề này, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết: “Minh Phú không phủ nhận có nhập khẩu từ Ấn Độ một tỷ trọng nhỏ (khoảng 10%) trong tổng nguyên liệu, để bổ sung thiếu hụt nguồn cung trong nước tại từng thời điểm, do lượng tôm thu hoạch có tính mùa vụ và phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Việc này là hết sức bình thường, phổ biến và không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào.

Mặt khác, trong những năm trở lại đây, tỷ trọng tôm xuất khẩu sang Mỹ của Minh Phú đã giảm chứ không tăng. Trong quý I/2019, xuất khẩu tôm sang Mỹ chiếm 33% tổng lượng xuất khẩu, giảm so với tỷ trọng 41% của năm 2015, là thời điểm ngay trước khi Minh Phú được bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá vào Mỹ trong năm 2016".

Ông Quang cho biết, sở dĩ Minh Phú sau 2 ngày mới chính thức phản hồi trước thông tin cáo buộc nhập khẩu tôm từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang thị trường Mỹ với xuất xứ tôm Việt Nam, là do chờ luật sư ở Mỹ tư vấn.

Theo đó, Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Công ty Luật IDVN tư vấn và đại diện cho Minh Phú cho biết, Minh Phú đã chỉ định luật sư đại diện tại Mỹ chủ động liên lạc với Hải quan Mỹ thông báo sẵn sàng hợp tác khi có yêu cầu.

Về rủi ro liên quan đến thị trường Mỹ, ông Quang chia sẻ, “đã lường trước” nên chủ động giảm tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ. Minh Phú không muốn mọi người cảm nhận rằng, Minh Phú tăng xuất khẩu là nhờ thị trường Mỹ mà thực chất là đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

“Chúng tôi cũng có lo lắng nhất định vì việc này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng. Trong trường hợp một cuộc điều tra diễn ra thì việc chuẩn bị hồ sơ giấy tờ để đáp ứng các yêu cầu của phía Mỹ sẽ tạo áp lực cho đội ngũ nhân viên. Nhưng với hệ thống quản lý minh bạch chúng tôi sẵn sàng hợp tác với hải quan Mỹ khi có yêu cầu chính thức”, ông Quang nói.

Theo như tư vấn từ Luật sư của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tại Mỹ, sau khi CBP nhận được các yêu cầu, cáo buộc từ các bên liên quan hoặc một cơ quan nhà nước khác, theo quy định tại Đạo luật về Bảo vệ và Thi Hành năm 2015 của Hoa Kỳ, CBP sẽ có 95 ngày để cân nhắc các thông tin liên quan đến cáo buộc trước khi tiến hành khởi xướng điều tra và sẽ ra thông báo về kết luận chỉ sau khi hoàn tất việc điều tra theo quy định.

Như vậy, bức thư nói trên của Nghị sỹ LaHood chỉ đơn giản là một yêu cầu dựa trên cáo buộc từ một phía, chưa có bằng chứng và cũng không phải là một quyết định hay kết luận của cơ quan nhà nước về vấn đề này.

Minh Phú cho biết, hiện nay, vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu hay thông báo nào từ CBP cho thấy CBP đã quyết định khởi xướng điều tra.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục