Thoái vốn khỏi Xà phòng Hà Nội: Thương vụ khó của Vinachem

(ĐTCK) Từng thất bại sau hai lần đấu giá công khai năm 2015, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) lại tiếp tục lên kế hoạch thoái toàn bộ 80% vốn khỏi CTCP Xà phòng Hà Nội (XPH). Tuy nhiên, với tình hình làm ăn ngày càng thua lỗ của XPH, đây là một thương vụ không dễ giải quyết.
Thoái vốn khỏi Xà phòng Hà Nội: Thương vụ khó của Vinachem

Phụ thuộc vào Unilever, kết quả đi xuống liên tục

Mối lương duyên của XPH với Unilever bắt đầu từ năm 1994. Công ty được chấp thuận cho liên doanh với Tập đoàn Unilever và tách ra làm hai doanh nghiệp: Một là Công ty Xà phòng Hà Nội, một là Công ty Liên doanh Lever - Haso.

Trong thời gian liên doanh, hoạt động chủ yếu của Lever- Haso là dịch vụ thương mại và gia công sản phẩm mang thương hiệu Unilever Việt Nam. Tới năm 2003, toàn bộ phần vốn góp của Xà phòng Hà Nội tại liên doanh này được bàn giao lại cho Vinachem quản lý trước khi cổ phần hóa. Ngày 1/2/2005, Xà phòng Hà Nội chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Tính tới năm 2017, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam vẫn là một đối tác rất lớn của XPH trong lĩnh vực gia công sản xuất các sản phẩm: Nước rửa chén bát Sunlight, nước làm mềm vải Comfort, xà phòng bánh Lifebuoy. Điều này mang lại doanh thu ổn định cho XPH trong các năm trước, nhưng nguy cơ hiện hữu khi tính phụ thuộc quá lớn.

Trung bình mỗi năm, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm gia công cho Unilever chiếm tới 98,6% tổng sản lượng tiêu thụ của XPH. Mặc dù có phát triển các sản phẩm riêng như nước rửa chén Shiny, nước giặt AVO, xà phòng thơm AVO, song những sản phẩm này có lượng tiêu thụ rất thấp.

Sự phụ thuộc của XPH đã phản ánh rất rõ trên báo cáo tài chính năm 2017 của XPH. Hợp đồng gia công cho Unilever đã kết thúc vào 31/5/2017 nên doanh thu thuần của XPH cả năm chỉ đạt 13,1 tỷ đồng, tương ứng bằng 27% doanh thu đạt được năm 2016.

Tình hình kinh doanh của XPH giai đoạn 2012 - 2017 đều theo chiều hướng đi xuống. Nếu như doanh thu thuần của XHP năm 2012 là 260,4 tỷ đồng, thì năm 2013 đạt 217,1 tỷ đồng; năm 2014 đạt 131 tỷ đồng; năm 2016 đạt 48,5 tỷ đồng. Doanh thu thuần năm 2017 chỉ còn bằng 5% mức thực hiện năm 2012.

Doanh thu đi xuống kéo theo lợi nhuận lao dốc. Nếu như năm 2012, Công ty lãi nhẹ 2,3 tỷ đồng thì năm 2013, Công ty lỗ 2,3 tỷ đồng; năm 2014 lỗ 5,9 tỷ đồng; năm 2015 lỗ 9,2 tỷ đồng. Năm 2016, XPH thoát lỗ, song khoản lãi rất nhỏ, chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng. Từ năm 2017 tới nay, Công ty lại tiếp tục thua lỗ.  

Ban lãnh đạo Công ty đã dự tính được việc kết thúc hợp đồng gia công sẽ ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu. Từ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Công ty đã đặt mục tiêu quyết liệt tăng doanh thu tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, tìm phương hướng sản xuất - kinh doanh khác như tìm đối tác gia công khác. Tuy nhiên tìm được một đối tác lớn đa quốc gia như Unilever là điều không hề đơn giản, nhất là khi thị trường còn nhiều doanh nghiệp gia công khác tương tự XPH.

Bớt lỗ nhờ gửi tiền lấy lãi và cổ tức

Năm 2017, trong khi doanh thu sụt giảm mạnh thì yếu tố cứu XPH thoát lỗ là khoản doanh thu tài chính (từ tiền gửi ngân hàng và đầu tư vào công ty khác).

Tại thời điểm cuối năm 2017, Công ty có 1,8 tỷ đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn và 63 tỷ đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng. Khoản tiền gửi ngân hàng của XPH đã tăng hơn 13 tỷ đồng trong năm 2017. Công ty không vay vốn ngân hàng nên không chịu chi phí lãi vay.

Khoản lãi và lãi dự thu từ việc gửi ngân hàng trong năm qua của XPH ước đạt khoảng 3,5 tỷ đồng.

Quý IV/2017, Công ty sẽ còn lỗ lớn hơn nếu như không có khoản cổ tức hơn 8,3 tỷ đồng từ CTCP Bất động sản Xanvico.

Xanvico là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2010 theo hợp đồng hợp tác ba bên: XPH, CTCP Xây dựng và kỹ thuật Việt Nam và CTCP Vincom. Xanvico có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, XPH góp 71,25 tỷ đồng, tương ứng 3,6% vốn điều lệ. Năm 2017, XPH nhận khoản cổ tức 8,3 tỷ đồng từ Xanvico.

Đáng nói là, khoản cổ tức này được XPH hạch toán đến hai lần, trên báo cáo tài chính quý III và quý IV/2017. Cụ thể, Công ty hạch toán khoản này vào mục Doanh thu khác trên báo cáo tài chính quý III/2017, nhờ đó, XPH không những không lỗ mà còn lãi ròng tới 4,8 tỷ đồng. Tới quý IV/2017, XPH tiếp tục đưa khoản này vào mục doanh thu từ hoạt động tài chính. Sau đó, kiểm toán viên đã điều chỉnh lại tại báo cáo kiểm toán cả năm.

Tính đến 31/3/2018, XPH có khoản lỗ lũy kế hơn 18,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm sáng trên báo cáo tài chính của XHP là khoản mục Quỹ đầu tư phát triển vẫn duy trì mức 95 tỷ đồng trong vòng 5 năm qua.

Vinachem không dễ thoái vốn khỏi XPH

Theo Đề án Tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2012 - 2015, Vinachem phải thoái hết vốn Nhà nước mà Tập đoàn nắm giữ tại XPH. Nhưng cho đến nay, qua nhiều lần rao bán trọn lô, không có nhà đầu tư nào mặn mà, Vinachem vẫn đang nắm 80% cổ phần XPH.

Vấn đề thoái vốn khỏi XPH lại tiếp tục được đặt ra trong Đề án Tái cơ cấu của tập đoàn này giai đoạn  2016 -2020.

Trên báo cáo tài chính 2017 của Vinachem, giá gốc đầu tư của Tổng công ty tại XPH là 46,7 tỷ đồng. Trong hai lần tổ chức đấu giá trước, mức giá khởi điểm mà Vinachem đưa ra là 18.000 đồng/cổ phần. Nhưng đến nay, qua nhiều năm doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, giá cổ phiếu XPH trên sàn UPCoM chỉ còn quanh mức 6.000 - 7.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản rất thấp, nhiều phiên không có giao dịch.

Cổ phiếu XPH kém hấp dẫn giới đầu tư vì doanh nghiệp không định vị được thương hiệu trên bản đồ ngành. Không tạo được dấu ấn bằng sản phẩm riêng, XPH chỉ được biết đến như một đơn vị gia công.

Hiện tại, ngành hàng chất tẩy rửa phục vụ người tiêu dùng Việt Nam như bột giặt, nước tẩy rửa, xà phòng, nước rửa chén… đã và đang bị chiếm lĩnh chủ yếu bởi các tập đoàn đa quốc gia, cùng với sự tấn công ồ ạt của hàng ngoại nhập khiến thị phần cho các doanh nghiệp trong nước ngày càng nhỏ lại.

Bên cạnh đó, trong danh sách những công ty con mà Vinachem cần thoái vốn còn có hai doanh nghiệp cùng ngành với XPH là CTCP Bột giặt NET (NET) và CTCP Bột giặt LIX (LIX). Tại hai doanh nghiệp này, Vinachem cần thoái vốn để nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ  xuống 36%, tương ứng bán ra 15% tại mỗi đơn vị.

Ngược lại với XPH, NET và LIX có tình hình kinh doanh ổn định. Đối với LIX, sản lượng hàng tự sản xuất chiếm tỷ trọng 55%, 45% còn lại là sản phẩm gia công cho Unilever. Không chỉ phát triển thị trường nội địa, LIX còn đưa sản phẩm ra các quốc gia như Nhật Bản, Campuchia… Năm 2017, LIX đạt 2.117 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 147 tỷ đồng. Thị giá LIX trên HOSE quanh mức 43.000 - 44.000/cổ phiếu.

Còn NET, ngoài ngành nghề sản xuất mua bán chất tẩy rửa, mới đây, cổ đông NET đã thông qua bổ sung ngành sản xuất mỹ phẩm, xà bông, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh.

Cũng như LIX, NET phát triển theo hướng vừa sản xuất thương hiệu của riêng mình, cung ứng cả trong và ngoài nước vừa gia công cho các đối tác trong và ngoài nước có nhu cầu. NET hiện đang niêm yết trên HNX với thị giá quanh mức 24.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, chỉ so với “anh em trong nhà”, cổ phiếu XPH đã kém sức hút. Bán ra thị trường, XPH lấy gì để hấp dẫn nhà đầu tư?         

Minh Vui

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục