SVS “mất dấu” 200 cổ đông để thanh toán tiền giải thể

(ĐTCK) Đòi tiền mới khó, chứ trả tiền thì quá dễ. Vậy nhưng, tìm cổ đông để thanh toán tiền giải thể công ty lại là chướng ngại vật cuối cùng mà CTCK Sao Việt (SVS) đang cố gắng vượt qua.
Hiện có 84 CTCK đang hoạt động bình thường, chiếm 80% Hiện có 84 CTCK đang hoạt động bình thường, chiếm 80%

Những “barie” cuối cùng

Sau gần 3 năm thực hiện Đề án tái cấu trúc CTCK của Bộ Tài chính, theo cập nhật của UBCK, đến thời điểm này, còn 84 CTCK hoạt động bình thường, chiếm 80%; 20% công ty còn lại đã không còn hoạt động môi giới, ở một khía cạnh nào đó là không còn tồn tại. Tuy nhiên, chừng nào công đoạn cuối cùng là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chưa thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của CTCK, thì những CTCK đang trong diện “chết lâm sàng” vẫn còn tư cách pháp nhân, tức là còn... “sống”. Điều này cũng không phải là ngoại lệ với các CTCK đã tiến hành thủ tục giải thể tự nguyện từ hai năm nay, nhưng chưa hoàn tất.

Thực tế, việc hoàn tất thủ tục giải thể tự nguyện của CTCK mất rất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Sau hai năm trầy trật vượt qua gần như toàn bộ số “barie” ngáng trở, thì nay họ đang cố gắng vượt nốt những barie cuối cùng, để “được” nói lời chia tay với thị trường.

“Những việc khó nhất là thanh toán tiền cho toàn bộ cổ đông; thanh toán toàn bộ nghĩa vụ thuế, công nợ; trả con dấu cho cơ quan công an. Đến nay, CTCK Chợ Lớn (CLS) đã hoàn tất…”, ông Nguyễn Văn Liệt, Tổng giám đốc CLS nói và cho biết, chỉ còn một phát sinh nhỏ mà CLS đang chờ UBCK hướng dẫn là có phải thanh toán phí lưu ký công ty đại chúng năm 2014 hay không, vì quy định hiện hành không rõ ràng đối với trường hợp của CLS.

Theo tính toán của CLS, khoản phí này chỉ khoảng 10 triệu đồng, nên bất kể UBCK phán quyết theo hướng nào, CLS cũng đã sẵn sàng nộp, để sớm hoàn tất quá trình giải thể tự nguyện.

CTCK Âu Việt (AVS) và CTCK Sao Việt (SVS) cũng là những trường hợp sắp cán đích… tự xóa tên. Nếu như ở thời điểm giữa năm nay, nỗ lực giải thể tự nguyện của SVS gần như rơi vào thế “đóng băng”, vì khó chuyển tài khoản của một khách hàng sang CTCK khác (do vướng mắc trong xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh), thì nay, ông Đinh Quang Chiến, Chủ tịch HĐQT SVS cho hay, vấn đề này đã được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, điều tưởng như đơn giản trước đây, thì nay đang khiến SVS… đau đầu. Đó là SVS không liên hệ được với 200 cổ đông để thanh toán tiền giải thể, sau khi Công ty đã hoàn tất nghĩa vụ thuế, trả hết công nợ cho các bên liên quan. 

Quyết “xóa tên” trong năm nay

Nhìn lại phần lớn chặng đường của kế hoạch giải thể đã đi qua, ông chủ của các CTCK này không khỏi… giật mình, bởi trình tự, thủ tục giải thể mất nhiều thời gian, trải qua nhiều thủ tục chặt chẽ. Hơn nữa, do họ là những trường hợp đầu tiên giải thể tự nguyện, nên các chính sách điều chỉnh việc này lần đầu tiên được mang ra áp dụng đã bộc lộ không ít bất cập. Tuy nhiên, sự vào cuộc xử lý của UBCK, cũng như các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký đã tháo gỡ nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình giải thể của các CTCK.

“Sau khi hướng dẫn Công ty giải quyết nhiều vướng mắc trong quá trình hoàn tất thủ tục giải thể, chúng tôi đang mong UBCK hướng dẫn nốt phương án nộp phí lưu ký. Vượt qua thử thách này, chúng tôi sẽ hoàn tất hồ sơ giải thể trình UBCK, sớm ‘trả’ giấy phép thành lập và hoạt động cho UBCK. Muộn nhất là trong năm nay, chúng tôi sẽ hoàn tất thủ tục giải thể. CLS có thể là CTCK đầu tiên hoàn tất thủ tục này”, ông Liệt nói.

“Là công ty từng niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội, nên trước thời điểm công bố kế hoạch giải thể, số lượng cổ đông của SVS khá nhiều. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã thanh toán tiền cho phần lớn cổ đông, nhưng với 200 cổ đông còn lại khá khó khăn, do họ đã thay đổi địa chỉ liên hệ”, ông Chiến cho biết. Hiện SVS đang nhờ Trung tâm Lưu ký hỗ trợ xác định địa chỉ của các cổ đông. Nghịch lý khó thanh toán tiền giải thể cho cổ đông là chướng ngại vật cuối cùng SVS đang cố gắng vượt qua.

Theo đại diện UBCK, với tiến độ hoàn tất thủ tục tự nguyện giải thể như hiện nay, nhiều khả năng trong năm nay, lần đầu tiên sẽ có những CTCK tự nguyện giải thể thành công, mở đường cho những CTCK yếu kém tính chuyện đóng cửa hoạt động, tạo không gian cho những thực thể khỏe mạnh hơn phát triển, như mục tiêu mà Bộ Tài chính đề ra trong Đề án tái cấu trúc CTCK.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục