SBS: nỗ lực cải tổ và… cầu nguyện

(ĐTCK) “Khúc cua định mệnh”, đó là cụm từ Ban lãnh đạo CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBS, mã SBS) tự nhận xét về hoàn cảnh của Công ty lúc này.
SBS: nỗ lực cải tổ và… cầu nguyện

Sau ngày 26/2, SBS chờ đợi 2 điều kiện nữa để có thể tái cấu trúc thành công, đó là việc hoàn tất phương án chuyển trái phiếu thành cổ phiếu của Sacombank và sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

 

Nỗ lực tự cứu mình

Giảm 43% nhân sự (về mức 108 nhân viên tính đến hiện tại), chi phí hoạt động bình quân 6 tháng cuối năm 2012 giảm 87,9% so với nửa đầu năm 2012 (đưa chi phí hoạt động về mức 100 triệu đồng/tháng), đẩy mạnh hoạt động tài chính, xử lý tài sản cố định dư thừa, rà soát hoạt động tại Lào và Campuchia (dự kiến sẽ đóng cửa SBS Campuchia)…, đó là hàng loạt biện pháp tái cấu trúc của Công ty, nhằm chặn “cơn bạo bệnh thua lỗ” trong mấy năm về trước. 6 tháng cuối năm 2012, SBS đã bắt đầu có lãi, dù con số còn khiêm tốn: 9,18 tỷ đồng.

Theo ông Võ Duy Đạo, Tổng giám đốc SBS, năm qua, Công ty đã thành lập Ban xử lý nợ, củng cố hồ sơ pháp lý và quyết liệt xử lý thu hồi nợ xấu, với tổng số nợ thu hồi được là 227,4 tỷ đồng, trong đó có 37,2 tỷ đồng tiền lãi, mang về tổng lợi nhuận 74,6 tỷ đồng. Với nỗ lực tổng thể trong tái cấu trúc lại tài sản, nguồn vốn, đẩy mạnh thu hồi nợ, SBS đã giảm tổng nợ ngắn hạn từ mức 2.731 tỷ đồng đầu năm 2012 về 622 tỷ đồng thời điểm cuối năm, tổng nợ dài hạn tương ứng giảm từ mức 6.189 tỷ đồng về 801,9 tỷ đồng, chủ yếu là phần 800 tỷ đồng trái phiếu của trái chủ Sacombank.

SBS: nỗ lực cải tổ và… cầu nguyện ảnh 1

Còn rất nhiều điều kiện để SBS có thể tái cơ cấu thành công

Trao đổi với các cổ đông tại ĐHCĐ thường niên, Ban lãnh đạo SBS cho biết, hiện nay SBS còn hơn 1.100 tỷ đồng nợ (đã trích lập dự phòng đầy đủ), trong đó có khoảng trên 500 tỷ đồng được đánh giá là có thể thu hồi, phần còn lại trên 600 tỷ đồng rất khó, nếu không nói là gần như không thể thu hồi.

“Năm 2013, Công ty đặt mục tiêu thu hồi được khoảng 100 - 200 tỷ đồng trong số 500 tỷ đồng được đánh giá là có thể thu hồi được”, ông Đạo cho biết.

 

Và… cầu nguyện

Nếu đặt những thành quả của SBS trong 6 tháng vừa qua vào hoàn cảnh một DN khác, không phải chịu sức ép tồn tại vì vi phạm tỷ lệ an toàn tài chính, cổ đông của SBS có thể phần nào yên tâm. Nhưng SBS không như vậy. Ngày 29/8/2012, Công ty bị UBCK đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt vì âm vốn chủ sở hữu, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng âm. Thời hạn 6 tháng (đến ngày 28/2/2013) để SBS phải khắc phục tình trạng này cũng đang tính theo giờ. Để những nỗ lực tự cứu mình trong suốt thời gian qua phát huy hiệu quả thực sự, SBS cần một điều kiện vô cùng quan trọng, là tái cấu trúc vốn thành công, bao gồm thoát lỗ, hết âm vốn chủ để đạt tỷ lệ an toàn vốn khả dụng trên 180%.

ĐHCĐ lần này là lần thứ hai SBS xin ý kiến về phương án tái cấu trúc. Theo đó, Sacombank sẽ chuyển đổi 500 tỷ đồng trái phiếu thành cổ phiếu giá 10.000 đồng/CP, đồng thời gộp cổ phiếu theo tỷ lệ 7:1 (7 cổ phiếu cũ đổi 1 cổ phiếu mới) để giảm vốn điều lệ, xóa lỗ. Bước cuối cùng của đề án nhằm đưa tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của Công ty lên trên 180% là phát hành 378 tỷ đồng cổ phiếu, đưa vốn điều lệ lên 630 tỷ đồng. Phương án này đã được các cổ đông tham dự ĐHCĐ ngày 26/2/2013 thông qua, nhưng, vẫn còn một mấu chốt khác, đó là sự chấp thuận của trái chủ Sacombank.

Trong tài liệu gửi các cổ đông, SBS cho biết, Sacombank đồng ý với phương án chuyển đổi 500 tỷ đồng trong tổng số 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi mà STB nắm giữ. Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy.

Phát biểu tại ĐHCĐ của SBS với tư cách đại diện Sacombank, ông Nguyễn Miên Tuấn, thành viên HĐQT Sacombank cho biết: theo kết luận của Thanh tra NHNN, việc Sacombank mua 800 trái phiếu chuyển đổi của SBS là vi phạm nghiêm trọng quy định của NHNN do Sacombank chưa xin phép. Vì vậy, NHNN yêu cầu Sacombank phải nỗ lực thu hồi gốc và lãi.

“Việc thu hồi gốc và lãi trái phiếu của SBS là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, Sacombank xin thông báo, việc thực hiện chuyển đổi cả 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi sang cổ phiếu ở giá 10.000 đồng/CP là khó do vốn chủ sở hữu của SBS đang âm. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của Sacombank, Sacombank đã gửi công văn xin NHNN về việc chuyển đổi 500 tỷ đồng trái phiếu thành cổ phiếu, SBS sẽ hoàn trả 300 tỷ đồng trái phiếu gốc và 104 tỷ đồng lãi phát sinh. Trường hợp NHNN đồng ý, Sacombank sẽ xin ý kiến ĐHCĐ vào tháng 4/2013”, ông Tuấn nói.

Như vậy, để có được một phương án tái cấu trúc khả thi, SBS sẽ phải chờ đợi ít nhất 3 “vòng” nữa: sự chấp thuận của NHNN, sự thông qua của Sacombank (HĐQT đã thông qua, nhưng chờ ĐHCĐ chấp thuận) và UBCK. Chưa kể bước tiếp theo là phát hành thành công tăng vốn lên 630 tỷ đồng để đáp ứng quy định về tỷ lệ an toàn vốn khả dụng. Nếu SBS thoát hiểm thành công, hơn 1.000 cổ đông sẽ giảm được nguy cơ thiệt hại, Sacombank cũng tăng cơ hội thu tiền. Ngược lại, thiệt hại cho tất cả, bao gồm cả cổ đông, nhân viên, đối tác (trong đó có Sacombank) là không nhỏ. Nhưng với cục diện hiện nay, SBS có thoát hiểm thành công hay không vẫn còn là một ẩn số.

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục