Rắc rối nợ cổ phần hóa tại EVN MTC

(ĐTCK) Mặc dù cổ phần hóa từ năm 2006, nhưng một số khoản quỹ và khoản nợ nội bộ cùng cổ tức vẫn chưa được tính toán rõ ràng khiến EVN CPC phải khởi kiện EVN MTC ra tòa án. 
Ảnh Internet Ảnh Internet

Công ty cổ phần Vật tư vận tải xây lắp điện lực miền Trung (EVN MTC) tiền thân là Xí nghiệp Vật tư vận tải, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Ðiện lực miền Trung - EVN CPC. Năm 2006, EVN MTC cổ phần hóa. Ngày 10/1/2006, EVN CPC bàn giao lại tài sản và vốn, từ đó EVN MTC là đơn vị hạch toán độc lập. Tại thời điểm bàn giao, EVN CPC xác định EVN MTC còn khoản nợ là 9,3 tỷ đồng.

Theo biên bản bàn giao và biên bản thẩm định số liệu báo cáo tài chính năm 2006, số nợ trên gồm các khoản gồm các loại quỹ như khen thưởng, đầu tư phát triển, dự phòng tài chính, dự phòng trợ cấp mất việc làm, phúc lợi…

Năm 2007, hai bên đã xác nhận công nợ thì phát sinh thêm khoản nợ phải trả phụ tùng và các khoản khác là 1,9 tỷ đồng. Giai đoạn 2010-2017, EVN CPC nhiều lần tiến hành bù trừ công nợ cho EVN MTC với số tiền 4,1 tỷ đồng như bù lỗ, bù trừ phí lưu kho, bảo quản vật tư thiết bị… Tính đến 31/12/2016, EVN CPC xác định EVN MTC còn nợ công ty số tiền 2,9 tỷ đồng, bao gồm cả cổ tức các năm 2006, 2007, 2009 là 480 triệu đồng. EVN CPC đã có nhiều thư nhắc nhở, nhưng EVN MTC không hợp tác. Sau hơn 10 năm EVN MTC đã cổ phần hóa, năm 2018, EVN CPC khởi kiện EVN MTC ra tòa án.

Với khoản nợ trên, EVN MTC chỉ đồng ý với khoản nợ tiền cổ phần hóa 961,9 triệu đồng và tiền nợ nhượng bán vật tư 28,1 triệu đồng. EVN MTC không chấp nhận thanh toán các khoản khác vì cho rằng, EVN CPC đã phải xử lý trước khi cổ phần hóa.

Chẳng hạn, EVN CPC vẫn ghi nhận các khoản quỹ gần 60 triệu đồng đến sau thời điểm EVN MTC hoàn thành cổ phần hóa là trái với Ðiều 15 - Nghị định 187/2004/CP, hay khoản nợ phải trả vốn khấu hao tài sản 317 triệu đồng và sửa chữa lớn 11,6 triệu đồng đều là những khoản chi phí liên quan trực tiếp đến giá trị tài sản cố định hữu hình.

Ðối với số nợ chi phí đào tạo 21 triệu đồng, theo EVN MTC, đây là khoản chế độ doanh nghiệp được hưởng theo chính sách và không phải hoàn lại. EVN CPC đòi lại là trái với Ðiểm b, Khoản 1, Ðiều 35 - Nghị định 187/2004/NÐ-CP.

Riêng số nợ 1,9 tỷ đồng hàng phụ tùng và các khoản khác có nguồn gốc hình thành bởi sự ghi nhận đồng thời các khoản chi tiết công nợ phải thu, phải trả đối xứng nhau nhằm thiết lập, chuyển hóa những khoản chi tiết công nợ không có thật để cân bằng số liệu kế toán, EVN CPC và một số nhân viên EVN MTC cùng thực hiện để tạo điều kiện cho EVN CPC có thêm thời gian xử lý, hợp thức chứng từ kế toán, EVN CPC phải tự chịu trách nhiệm với khoản chi tiết công nợ này.

EVN MTC cũng có ý kiến về số tiền nợ cổ tức. Trong đó, các năm 2006, 2007, 2009, Ðại hội đồng cổ đông chưa thông qua việc chia cổ tức. Song cá nhân Chủ tịch HÐQT EVN MTC tự ý nhân danh Công ty ban hành quyết định chia cổ tức trái Luật Doanh nghiệp và Ðiều lệ Công ty. EVN MTC còn có đơn phản tố cho biết, từ năm 2010 đến 2017, EVN CPC nhiều lần tự ý thu hồi nợ các đối tác của EVN MTC, chiếm giữ trái phép số tiền 3,1 tỷ đồng của doanh nghiệp này.

Bản án sơ thẩm năm 2018 không chấp nhận đơn khởi kiện của EVN CPC, đồng thời buộc EVN CPC phải trả cho EVN MTC số tiền 3,1 tỷ đồng. Do đó, EVN CPC kháng cáo bản án trên.

Mới đây, Tòa án nhân dân TP.Ðà Nẵng đã giải quyết theo trình tự phúc thẩm vụ việc trên. Cấp phúc thẩm xác định, tòa sơ thẩm không thu thập hết chứng cứ.

Chẳng hạn, với khoản tiền cổ tức, năm 2010, trong tài liệu hồ sơ thể hiện, EVN MTC có giấy xác nhận nợ tiền cổ tức các năm 2006, 2007, 2009 là 480 triệu đồng. Báo cáo tài chính đã kiểm toán của EVN MTC trong các năm này cũng thể hiện việc chia cổ tức. EVN MTC thay đổi lãnh đạo, nhưng nguyên Chủ tịch HÐQT Công ty khẳng định, EVN MTC đã trả tiền cổ tức.   

Số nợ 9,1 tỷ đồng EVN CPC chuyển sang cho EVN MTC tại thời điểm cổ phần hóa không xác định rõ nguồn hình thành...

Còn số nợ mà EVN CPC chuyển sang cho EVN MTC tại thời điểm cổ phần hóa là 9,1 tỷ đồng, nhưng trong sổ sách kế toán là nợ nội bộ, không xác định rõ số nợ được hình thành từ nguồn nào. Các bên có lời khai mâu thuẫn nhau, nhưng tòa án sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời trình bày của EVN MTC, bác bỏ kết quả kiểm toán để xác định số nợ trên được hình thành trái quy định là không có căn cứ. Các khoản quỹ, theo quy định không được để tồn tại cho đến khi EVN MTC cổ phần hóa, nhưng các khoản quỹ nằm trong số nợ nội bộ được công ty kiểm toán và tổ thẩm tra quyết toán xác định.

Mặt khác, cấp sơ thẩm chấp nhận đơn phản tố của EVN MTC đòi EVN CPC số tiền 3,1 tỷ đồng, nhưng chưa làm rõ việc khấu trừ nợ của bên thứ ba có được EVN MTC đồng ý không, có việc thỏa thuận chuyển giao nghĩa vụ trả nợ không? Các bên đã giao nhận tiền hay chỉ trên sổ sách?

Do nhiều vấn đề chưa được làm rõ, cấp phúc thẩm đã quyết định hủy bản án trên để giải quyết lại từ đầu.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục