Quý III, Vietjet tiếp tục đà tăng trưởng, vượt kế hoạch đề ra

Kết quả luỹ kế đến tháng 9/2018, Vietjet đạt được doanh thu gần 34.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu cốt lõi đạt 25.400 tỷ đồng tăng trưởng 50% so với 9 tháng năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 3.868 tỷ đồng tăng 30% so với cùng kỳ.
Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Điều hành Vietjet Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Điều hành Vietjet

Tình hình kinh tế tài chính thế giới nhiều biến động như lãi suất, giá nhiên liệu, chiến tranh thương mại… ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, bao gồm các Hãng hàng không.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Điều hành của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet - mã VJC) về tình hình hoạt động của hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam.  

Vietjet đã đạt được kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2018, ông có thể cho biết về kết quả hoạt động quý III của Công ty?

Quý III thường là mùa thấp điểm của ngành hàng không và du lịch. Tuy nhiên, riêng đối với Vietjet, kết thúc quý III/2018, chúng tôi tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao.

Cụ thể, doanh thu quý III/2018 đạt 12.700 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng cả ở mảng vận chuyển hành khách, doanh thu hoạt động phụ trợ và quý này có doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay.

Nhờ việc tăng cường thêm đội tàu bay mới, mở thêm nhiều đường bay quốc tế, chủ động điều chỉnh tải cung ứng mùa thấp điểm, doanh thu vận chuyển hành khách đạt 8.901 tỷ đồng, tăng 45% so với quý 3/2017 với tỉ lệ lấp đầy các chuyến bay đạt 89%.

Theo đó, với khả năng quản lý chi phí tốt ở mức hàng đầu, lợi nhuận từ vận tải hàng không đạt 1.094 tỷ đồng, tương đương 111% cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh không ít các hãng hàng không trên thế giới gặp khó khăn, chúng tôi đánh giá kết quả này là rất tích cực và vượt hơn kế hoạch đặt ra.

Tổng lợi nhuận trước thuế của Vietjet quý này đạt 1.709 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ. Các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cũng tăng trưởng mạnh với doanh thu 2.177 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ 2017.

Kết quả luỹ kế đến tháng 9/2018, Vietjet đạt được doanh thu gần 34.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu cốt lõi đạt 25.400 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với 9 tháng năm 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 3.868 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.

Giá dầu ảnh hưởng rất lớn đối với một hãng hàng không, ông có thể cho biết, nó tác động như thế nào đến kết quả kinh doanh của Vietjet trong năm 2018?

Với một hãng hàng không chi phí thấp như Vietjet, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35% - 40% chi phí hoạt động của hãng. Chúng tôi có riêng chương trình quản trị chi phí nhiên liệu xuyên xuốt và các chương trình cải tiến tiết kiệm chi phí đã trở thành kim chỉ nam trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi.

Chúng tôi tự tin về khả năng kiểm soát chi phí ở mức thấp nhất. Khi Vietjet bắt đầu cất cánh, thời điểm 2008-2010, khi đó giá dầu ở mức 130 USD/thùng, gần gấp đôi mức giá hiện nay và Vietjet đã có lãi từ năm 2013, ngay sau 2 năm hoạt động khi giá dầu mức 110 USD/thùng.

Đó là lý do vì sao Vietjet luôn thuộc nhóm các hãng hàng không duy trì được chỉ số chi phí khai thác ở mức thấp nhất trên thế giới và chúng tôi đã thành công ngay trong cơn khủng hoảng giá dầu giai đoạn 2010-2014, khi các hãng hàng không đa phần gặp khó khăn.

Việc đưa vào vận hành thế hệ tàu bay mới A320/A321 Neo với động cơ tiết kiệm nhiên liệu lên tới 16% hiện tại và 20% vào năm 2020 bên cạnh việc tăng cường mở rộng các đường bay quốc tế, với chi phí nhiên liệu tại thị trường nước ngoài thấp hơn thị trường trong nước khoảng 30% (do chính sách thuế, phí của các nước) sẽ giúp Vietjet tiết kiệm giảm thêm chi phí trên mỗi ghế km (CASK) bao gồm xăng dầu;

Còn các chương trình cải tiến trong công tác vận hành sẽ giúp giảm thêm các chi phí khai thác không bao gồm xăng dầu khoảng 5%.

Ông có thể nói rõ hơn về việc khai thác các đường bay quốc tế mới?

Vietjet hiện đang khai thác đội bay mới, hiện đại với 60 tàu bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 65 triệu lượt hành khách, với 111 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Đài Bắc (Trung Hoa), Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia…

Trong đó, trong đó 39 đường nội địa và 72 đường quốc tế, tỷ trọng giữa nội địa và quốc tế là 35:65. Chúng tôi đang đẩy mạnh phát triển mạng bay quốc tế nhờ có khả năng thu tiền bán vé bằng ngoại tệ, khả năng tăng tỷ lệ doanh thu phụ trội và chi phí nhiên liệu thấp hơn trong nội địa.

Từ nay đến cuối năm, chúng tôi dự kiến sẽ mở thêm 4 đường bay quốc tế: Phú Quốc - Seoul (Hàn Quốc) và 3 đường bay Nhật bản gồm Hà Nội – Osaka sẽ bắt đầu khai thác từ 8/11/2018, TP.HCM – Osaka khai thác từ 14/12/2018, Hà Nội – Tokyo khai thác từ 11/1/2019.

Dự kiến doanh thu từ các đường bay quốc tế sẽ chiếm hơn 60% tổng doanh thu, nên doanh thu của Vietjet trong thời gian tới sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với các năm trước do tác động từ thị trường quốc tế. Quý IV/2018, chúng tôi kỳ vọng sẽ vận chuyển khoảng trên 6 triệu hành khách, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành hàng không trong nước và thế giới đang bước vào chu kỳ phát triển mới và Vietjet đã và đang thực hiện kế hoạch xây dựng, kết nối mạng bay toàn cầu thông qua quan hệ interlines, code share với các hãng hàng không khác. Cách làm này sẽ giúp hành khách của Vietjet có thể bay tới hầu khắp các nước trên thế giới và lấp đầy hơn các chuyến bay của hãng.

Thị phần của Vietjet trong quý III/2018 tăng giảm thế nào, thưa ông?

Trong quý III/2018, Vietjet duy trì vị thế dẫn đầu về lượng khách vận chuyển, thị phần nội địa tiếp tục tăng thêm khoảng 3%, đạt mức 45%.

Trên thị trường quốc tế, Vietjet là hãng có nhiều chuyến bay nhất đến các thị trường từ Việt Nam đến Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc - Trung Hoa, Trung Quốc), khu vực có doanh thu bình quân cao nhất. Tỷ trọng doanh thu quốc tế đã đạt gần 60% tổng doanh thu khai thác, vượt hơn kế hoạch đề ra.

Hàng không là ngành cần rất nhiều vốn để phát triển đội máy bay, Vietjet có phương án gì để huy động vốn, thưa ông?

Đội máy bay mới, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu đã góp phần quan trọng cho thành công của Vietjet và chúng tôi có kế hoạch đầu tư cho việc sở hữu tàu bay. Hiện nay, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Vietjet ở mức rất thấp.

Chúng tôi đang có kế hoạch đa dạng nguồn tài trợ phát triển đội tầu bao gồm vay dài hạn hỗ trợ xuất khẩu của các nước, lợi nhuận giữ lại, thuê mua tài chính, phát hành trái phiếu… nhằm mục tiêu phát triển đội tàu bay, nâng cao năng lực vận tải hàng không để đáp ứng tốc độ tăng trưởng thị phần nội địa và quốc tế…

Chúng tôi sẽ chọn lựa phương án huy động vốn với chi phí hợp lý và cạnh tranh nhất, mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất cho công ty và cho cổ đông.

Vietjet hiện có những chỉ số về chất lượng tài chính lý tưởng với doanh số hàng tỷ USD hàng năm, hệ số nợ vay dài hạn trên vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 0,2 lần tại quý III/2018 và lượng tiền mặt khoảng 300 triệu USD.

Hãng cũng vừa được tạp chí uy tín hàng đầu thế giới về tài chính hàng không Air Finance vinh danh trong Top 50 hãng hãng không tốt nhất thế giới về các chỉ số tài chính. Vietjet đứng thứ 22/50, vượt qua nhiều hãng hàng không danh tiếng trên thế giới. Với mức độ tín nhiệm cao, khả năng huy động vốn quốc tế dài hạn với chi phí lãi suất thấp là khả thi.

Mới đây nhất (ngày 10/10), Vietjet ký kết các thỏa thuận cung cấp tài chính với các ngân hàng hàng đầu Nhật Bản và châu Âu với giá trị hơn 1,2 tỷ USD theo giá công bố của nhà sản xuất để tài trợ vốn sở hữu 10 tàu bay với chi phí cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay.

Với chiến lược sở hữu tàu bay, chúng tôi dự kiến sẽ tiết kiệm chi phí thêm khoảng 1,1 triệu USD/1 năm cho mỗi tàu bay tăng năng lực quản lý chi phí và phát triển bền vững.

Giá cổ phiếu Vietjet điều chỉnh tương đối nhiều trong vài tuần vừa qua, ông có ý kiến thế nào về việc này?

Có vẻ như nhà đầu tư phản ứng thái quá do những diễn biến trên thị trường chứng khoán quốc tế và tình hình giá dầu. Bên cạnh đó, có những nhà đầu tư đã hưởng lợi từ tăng trưởng của Vietjet đã hiên thực hoá lợi nhuận.

Với kết quả kinh doanh tích cực của quý III và triển vọng 2018 của Vietjet, tôi cho rằng, đây là thời điểm tốt nhất để đầu tư. Bản thân tôi và một số lãnh đạo Vietjet vừa đăng ký mua vào cổ phiếu, chúng tôi tin tưởng vào chất lượng hoạt động và đà tăng trưởng của Vietjet trong thời gian tới.

Mai Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục