OGC: Chưa lộ diện ông chủ mới

(ĐTCK) Quý II vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (mã OGC) ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất đạt 213,6 tỷ đồng, lỗ hợp nhất 33,199 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ là 30,604 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, OGC đạt doanh thu thuần hợp nhất 427,695 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ là 11,615 tỷ đồng.
OGC: Chưa lộ diện ông chủ mới

Thua lỗ đã chậm lại

So với cùng kỳ năm trước, kết quả kinh doanh của OGC đã khả quan hơn rất nhiều, khi 6 tháng đầu năm 2017, Công ty lỗ tới 274,086 tỷ đồng. Khoản lỗ này chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng các khoản đầu tư.

Năm 2018, OGC đặt mục tiêu 1.393 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 188 tỷ đồng. Nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ hệ thống là tiếp tục triển khai Dự án Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ cho thuê tại số 25 Trần Khánh Dư, Hoàn Kiếm, Hà Nội song song với việc tìm kiếm đối tác chuyển nhượng, hợp tác kinh doanh thực hiện dự án và rà soát, thoái vốn tại các khoản đầu tư không hiệu quả.

Theo đó, Báo cáo Hội đồng quản trị của OGC nêu rõ mục tiêu thoái vốn ở các công ty hoạt động không hiệu quả, tạo nguồn vốn kinh doanh và thanh toán nợ đến hạn; đẩy mạnh công tác quảng bá để tối ưu doanh thu từ dịch vụ nghỉ dưỡng của các khu resort; thực hiện nâng cấp, sửa chữa các khách sạn hiện có để tạo nguồn thu ổn định và tăng trưởng trong các năm tiếp theo.

Đối với các hoạt động đầu tư, OGC dự kiến rà soát các khoản đầu tư tại các doanh nghiệp không đem lại lợi nhuận để xem xét thoái vốn để tạo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Tương lai chưa rõ ràng

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên lần 1/2018 của OGC diễn ra không thành công, với tỷ lệ số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự đại diện cho 3,13% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự. Tại cuộc họp lần 2 diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, tỷ lệ tham dự cũng chỉ đạt 1,19% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, nên không thể thành công. Theo dự kiến, OGC sẽ tổ chức họp lần 3 vào ngày 15/8/2018, tại rạp Fafilm, số 19 đường Nguyễn Trãi, phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.

Diễn biến này cho thấy, tại OGC dường như chưa có một nhóm cổ đông nắm lượng cổ phần đủ lớn để chi phối sở hữu tại đây.

Từ năm 2017, thị trường đã đồn đoán về việc tham gia tái cấu trúc OGC của nhóm cổ đông mới, trong đó, một kịch bản đưa ra là nhóm mới ngoài việc mua cổ phiếu trên sàn sẽ tham gia đàm phán mua lại cổ phiếu từ nhóm cổ đông cũ liên quan đến ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty.

Thế nhưng, hoạt động tái cấu trúc Công ty dường như chưa có nhiều kết quả khi chưa có thay đổi nhân sự lớn trong đội ngũ lãnh đạo OGC, các dự án mà OGC đang làm chưa được phản ánh ra bên ngoài và đặc biệt, cơ cấu sở hữu của Công ty chưa có thay đổi.

Kể từ năm 2014, năm bắt đầu sự cố với ông Hà Văn Thắm, OGC bắt đầu lao dốc và đóng băng hoạt động. OGC là một trong những ví dụ tiêu biểu về rủi ro của doanh nghiệp khi phụ thuộc quá lớn vào một cá nhân lãnh đạo. 

Hoàng Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục