Nhiều doanh nghiệp vào ‘tầm ngắm’ cơ quan thuế

(ĐTCK) Chia sẻ tại Hội thảo cập nhật các quy định về thuế có ảnh hưởng quan trọng đối với DN do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia về thuế cảnh báo, nhiều DN sẽ nằm trong diện trọng tâm thanh, kiểm tra của ngành thuế trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Xu hướng thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chuyển giá vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan thuế Xu hướng thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chuyển giá vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan thuế

Cập nhật về xu hướng thanh tra thuế trong năm 2014, đặc biệt là trong thời gian từ nay tới cuối năm, ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Luật Deloitte cho biết, trọng tâm thanh tra thuế từ nay tới cuối năm của cơ quan thuế nhiều khả năng sẽ tập trung vào một số DN và ngành điển hình.

Theo đó, có 6 nhóm DN là những đối tượng có khả năng lớn nằm trong “tầm ngắm” của trọng tâm thanh kiểm tra thuế đợt này là các DN với dấu hiệu có vấn đề về chuyển giá, đặc biệt là các DN FDI; DN có khoản hoàn thuế VAT lớn; DN được hưởng các ưu đãi; DN thuộc một số ngành thuộc một số ngành rủi ro cao về thuế như thương mại điện tử, bảo hiểm, bất động sản; DN có khả năng phải chịu nghĩa vụ thuế nhà thầu và DN không bị thanh tra thuế trong một thời gian dài.

“Đây đều là những DN nằm trong diện có nhiều khả năng rơi vào trọng tâm thanh, kiểm tra của cơ quan thuế. Trong đó, chắc chắn có một số sẽ nằm trong diện tập trung thanh tra chuyên đề về chuyển giá, đặc biệt tập trung vào các DN FDI.

Cũng có một vài DN Việt Nam nằm trong đợt thanh kiểm tra lần này, nhưng có thể bây giờ chưa phải là trọng tâm”, ông Hoàng nhận định. Cũng theo ông Hoàng, tỷ lệ DN nằm trong diện thanh kiểm tra năm 2014 là khá lớn, bởi mục tiêu của cơ quan thuế trong đợt thanh kiểm tra này là thanh tra khoảng 1,65% số DN đang nằm trong diện quản lý, còn kiểm tra sẽ là 13%.

Theo phân tích của Công ty Deloitte Việt Nam về xu hướng thanh tra, kiểm tra thuế trong những năm gần đây, năm 2011 có thể coi là năm cao điểm nhất về thanh, kiểm tra các DN có dấu hiệu chuyển giá với tổng số tiền thuế phạt truy thu lên tới gần 79,5 triệu USD, mức phạt truy thu trung bình trong mỗi trường hợp vào khoảng 86.300 USD.

Năm 2012, tuy tổng số tiền thuế truy thu có giảm những số trường hợp lại tăng lên tới hơn 2.000 DN bị thanh kiểm tra, năm 2013 cũng có tới 1.965 DN bị thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu chuyển giá với tổng số tiền phạt truy thu gần 46 triệu USD.

“Năm 2014 cũng không phải là ngoại lệ và dự báo trong tương lai, xu hướng thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chuyển giá vẫn sẽ là trọng tâm của cơ quan thuế do trên thực tế hiện tượng chuyển giá tại Việt Nam là rất phổ biến”, ông Hoàng nhận định.

Về xu hướng thanh tra, kiểm tra sắp tới, các chuyên gia thuế cho biết chủ yếu sẽ tập trung vào việc thu thập thông tin đầu mối của các công ty nước ngoài, thanh tra chuyên đề về chuyển giá. Các chuyên gia thuế khuyến cáo, để đảm bảo giảm thiểu rủi ro, DN cần chủ động rà soát lại toàn bộ các hoạt động giao dịch dù có phát hiện hay không dấu hiệu chuyển giá giao dịch với bên liên kết thì cần chủ động hoàn thành ngay hồ sơ chuyển giá.

“Việc DN chủ động có sẵn hồ sơ chuyển giá sẽ thuận lợi hơn, vì điều này một phần thể hiện DN tương đối minh bạch, rủi ro về vi phạm thuế thấp nên xét về mặt ý thức chấp hành cũng sẽ được đánh giá cao hơn. Còn nếu DN có dấu hiệu vi phạm mà khi cơ quan thuế đã vào thanh, kiểm tra rồi lúc đó mới phát hiện ra thì dù bị xử lý thế nào cũng phải chấp nhận”, một chuyên gia khuyến cáo.

Theo các chuyên gia thuế, không phải trường hợp nào chuyển giá cũng là tiêu cực, song thực tế cho thấy, nhiều DN có dấu hiệu chuyển giá khi tiến hành thanh tra, kiểm tra đều có vi phạm, các phần truy thu và phạt đã thu lại được khá nhiều khoản thuế cho ngân sách nhà nước.

Dẫn chứng về 3 trường hợp DN trong diện thanh tra gần đây của Cục thuế TP. HCM thì có tới 2 trường hợp bị phát hiện vi phạm về thuế đã tự nguyện nộp trả lại thuế và nộp phạt với thái độ rất hợp tác, các chuyên gia luật khẳng định rằng, thực tế DN nhiều khi cũng không bị “oan sai” gì khi bị thanh tra, kiểm tra.

“Trong trường hợp như vậy, rõ ràng DN chắc chắn biết mình đã làm sai nên tự nguyên nộp phạt với thái độ hợp tác là cách xử trí hợp lý hợp tình nhất”, ông Hoàng nhận định và cho rằng, DN tốt nhất nên thực hiện việc minh bạch báo cáo tài chính, hoàn thành tốt các nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước thay vì cứ nhắm mắt làm sai và rồi đến lúc “bị sờ gáy” thì đằng nào cũng phải nộp lại thuế, vừa mất thêm tiền phạt lại vừa ảnh hưởng đến hình, ảnh, uy tín của DN.

Đồng tình quan điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA cũng khuyến cáo các DN, đặc biệt là các DN có thương hiệu lớn nếu thực hiện chuyển giá bị kiểm tra phát hiện ra thì sẽ bị ảnh hưởng tới thương hiệu rất nhiều.

“Theo tôi, cần khuyến cáo DN nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư đã được tạo rất điều kiện thuận lợi và hưởng ưu đãi thì cũng cần minh bạch và thể hiện trách nhiệm nghĩa vụ đối với việc nộp thuế, còn nếu chuyển giá, trốn thuế mà bị phát hiện kiểm tra ra thì không những mất tiền còn bị phạt rất nặng, từ 2 - 3 lần mức thuế phải nộp và còn thiệt hại về thương hiệu, thậm chí có trường hợp thành tội trốn thuế nghiêm trọng có thể chuyển sang truy cứu hình sự”, bà Cúc nhấn mạnh.     

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục