Ngân hàng mẹ sáp nhập, CTCK Habubank đi về đâu?

(ĐTCK) Sau khi ngân hàng mẹ Habubank sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), CTCK Habubank (HBBS) sẽ đi về đâu? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng ban Dự án tiếp nhận CTCK Habubank tại SHB.
Ngân hàng mẹ sáp nhập, CTCK Habubank đi về đâu?

Việc thay đổi chủ sở hữu tại HBBS có ảnh hưởng gì đến hoạt động của công ty này, thưa ông?

Sự thay đổi chủ sở hữu từ HBB sang SHB sẽ làm thay đổi định hướng và kết quả hoạt động của HBBS theo chiều hướng tích cực. Bởi lẽ, HBBS sẽ có một ngân hàng mẹ mới có tiềm lực hơn để giúp HBBS đủ năng lực cạnh tranh trên TTCK.

Theo kế hoạch đã được HĐQT SHB phê duyệt về chủ trương, sau khi hoàn thành thủ tục bàn giao và tiếp nhận, HBBS sẽ tiến hành ĐHCĐ thường niên năm 2012, tại đó sẽ thống nhất một số nội dung như đổi tên, tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi trụ sở chính và chi nhánh, ổn định cơ cấu tổ chức bộ máy. Về đội ngũ ban lãnh đạo HBBS, sẽ không có nhiều thay đổi.

 

Việc đổi tên CTCK Habubank sang thương hiệu của SHB sẽ được thực hiện như thế nào khi SHB đang có CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)?

Chúng tôi đã giải quyết bài toán này bằng cách chuyển tên HBBS thành CTCP Chứng khoán SHB (SHBS). Đây là điều tâm đắc khi chúng tôi xây dựng Đề án tái cấu trúc HBBS. Việc được sử dụng thương hiệu SHB sẽ giúp cho HBBS nhanh chóng tạo lập được vị thế của mình, đồng thời giúp cho khách hàng phân biệt với CTCK Sài Gòn - Hà Nội.

Ông có thể chia sẻ kế hoạch phát triển SHBS trong thời gian tới?

HĐQT SHB rất kỳ vọng HBBS sẽ có những thay đổi tích cực sau khi trở thành công ty con của SHB. Tại báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2012, HBBS đang ghi nhận khoản lỗ 24 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ do chúng tôi thực hiện trích lập dự phòng cho các khoản phải thu theo hướng thận trọng nhất. Bài toán của HBBS cũng không khác mấy so với bài toán mà SHB đang phải thực hiện sau khi sáp nhập HBB, đó là trong giai đoạn đầu chúng tôi sẽ tập trung giải quyết các khoản nợ, các khoản phải thu để tăng năng lực tài chính, đồng thời tăng vốn điều lệ lên 350 tỷ đồng.

HBBS có những nền tảng tốt, đó là một danh sách khách hành tiềm năng của cả môi giới lẫn tư vấn, với hơn 10.000 tài khoản, trong đó có gần 4.000 tài khoản hoạt động. Doanh thu môi giới của HBBS 6 tháng đầu năm 2012 đạt 16,9 tỷ đồng, trong đó phí môi giới đạt 6,3 tỷ đồng. Hoạt động tư vấn tại HBBS từng được công nhận là một trong những CTCK hàng đầu về tư vấn phát hành trái phiếu, với doanh thu các năm 2009 - 2010 đạt 60 tỷ đồng/năm. Trên những nền tảng như vậy, kết hợp với sự hỗ trợ tối đa của ngân hàng mẹ SHB sau sáp nhập, SHBS sẽ có những kế hoạch để tăng trưởng thị phần, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Lộ trình của SHBS 2 năm sau sáp nhập sẽ thực hiện đại chúng hóa cổ phiếu và niêm yết.

Quang Sơn thực hiện.
Quang Sơn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục