Một năm khó của Coteccons

Đà tăng trưởng doanh thu của Coteccons đã chậm lại trong năm 2018 và chính thức bị bẻ ngoặt năm 2019 với mức giảm 17%. Khó khăn chung của ngành xây dựng và bất động sản cùng sự cạnh tranh giữa các công ty khiến Coteccons chỉ mới hoàn thành chưa đến 70% mục tiêu.
Một năm khó của Coteccons

Lần đầu tiên kể từ năm 2012, doanh thu của CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) tăng trưởng âm. Chuỗi tăng dài và ấn tượng của doanh nghiệp xây dựng này thực tế đã chững lại từ năm 2018, lợi nhuận trước thuế khi đó cũng đã giảm 10%. Nhưng tới năm 2019, doanh thu và lợi nhuận của Coteccons đều giảm, lần lượt giảm 17% và 52%.

Các dự án bất động sản đã ký nhưng ngưng triển khai hoặc triển khai chậm. Cùng đó, khó khăn chung của ngành xây dựng cũng khiến nguồn việc ít hơn, các doanh nghiệp xây dựng cạnh tranh gay gắt hơn trong giai đoạn đấu thầu.

Áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận gộp. Biên lợi nhuận gộp giảm 2 điểm phần trăm, từ 6,42% xuống 4,42%. Ngoài ra, theo giải trình của lãnh đạo công ty, một số công trình có thời gian thi công dài hơn dự kiến đã làm tăng chi phí cố định.

Tương tự hoạt động kinh doanh chính, doanh thu tài chính của năm nay cũng thu hẹp do Coteccons không còn trữ nhiều tiền gửi như các năm trước. Tiền gửi  ngân hàng đến cuối năm hơn 3.240 tỷ đồng, giảm 17% so với cuối năm trước nhưng vẫn đang chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tài sản (20%).  

Với khoản lợi nhuận trước thuế đạt 891 tỷ đồng, Coteccons mới chỉ hoàn thành 68,5% mục tiêu 1.300 tỷ đồng đề ra đầu năm. Doanh nghiệp xây dựng này lãi ròng vỏn vẹn 710 tỷ đồng, chưa bằng một nửa năm 2018. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu cũng giảm còn 8.859 đồng, lần đầu sau nhiều năm thấp hơn mệnh giá cổ phần.

Đến cuối năm 2019, quy mô tài sản của Coteccons xấp xỉ 16.200 tỷ đồng, giảm 620 tỷ đồng so với đầu năm. Hơn nửa tài sản của doanh nghiệp xây dựng này là các khoản phải thu. Tuy nhiên, so với đầu năm, số dư phải thu cũng đã thu hẹp đáng kể, từ 9.053 tỷ đồng xuống 8.798 tỷ đồng.

Hơn nữa, Coteccons cũng đang chiếm dụng khá nhiều vốn từ các nhà cung cấp và đối tác khác. Số tiền phải trả người bán và nhận trước từ người mua xấp xỉ 5.400 tỷ đồng, tương đương gần 1/3 nguồn vốn của doanh nghiệp này. Sau một năm kinh doanh sụt giảm, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Coteccons đến 31/12 đạt 1.030 tỷ đồng, thấp hơn mức tích lũy được cuối năm trước nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với vốn điều lệ của doanh nghiệp xây dựng này (792,5 tỷ đồng).

Vốn hóa thị trường của Coteccons cũng sụt mạnh do đà giảm của giá cổ phiếu trong hai năm trở lại. Từ mức 140.000 đồng/cp hồi đầu năm 2019, giá cổ phiếu CTD có thời điểm giảm còn 49.300 đồng, bốc hơi 62% trong vòng 1 năm. Diễn biến đáng chú ý của cổ phiếu này ngay trước thềm công bố kết quả kinh doanh là sự phục hồi đáng kể, tăng 4.200 đồng/cp chỉ sau hai ngày.  Cổ phiếu CTD đóng cửa ngày 20/1/2020 ở mức 53.300 đồng/cp.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục