Mediplast: Nợ khó đòi lớn hơn vốn điều lệ?

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ của CTCP Nhựa Y tế (Mediplast) vừa qua, cổ đông của Công ty lần đầu tiên được tiếp cận một số thông tin chính thức về tình hình Công ty. Tuy nhiên, những thông tin này khiến họ buồn nhiều hơn vui.
Mediplast: Nợ khó đòi lớn hơn vốn điều lệ?

Mediplast: Nợ khó đòi lớn hơn vốn điều lệ? ảnh 1Dự án trên khu đất vàng của Mediplast đã bị thu hồi do đã lâu không triển khai

 

Theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2011, Mediplast có doanh thu 64,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, Báo cáo kiểm toán cho thấy, Công ty có khoản phải thu khách hàng 18,5 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 16,5 tỷ đồng. Báo cáo kiểm toán đã ngoại trừ phần này do: “Đến thời điểm lập báo cáo, chúng tôi (các kiểm toán viên) chưa nhận được đầy đủ các bản đối chiếu xác nhận số dư công nợ phải thu khách hàng, phải trả người bán, người mua trả tiền trước và phải trả khác”.

Ngoài ra, Công ty có hàng tồn kho trị giá 12,8 tỷ đồng và Báo cáo kiểm toán cũng ngoại trừ bởi “không có cơ sở để đánh giá mức độ giảm giá của những vật tư, hàng hóa kém, mất phẩm chất và chậm luân chuyển”.

Tổng giá trị của hai nhóm tài sản bị kiểm toán viên ngoại trừ kể trên lớn gần gấp đôi vốn điều lệ của Công ty. Băn khoăn về điều này, nhiều cổ đông đã yêu cầu Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Mediplast giải trình, làm rõ tại sao cho khách hàng nợ nhiều như vậy, trách nhiệm thuộc về ai, khoản phải thu khách hàng này đã trở thành nợ khó đòi chưa, vì sao lại không có đầy đủ chứng từ đối chiếu công nợ? Tuy nhiên, những chất vấn của cổ đông đã không được giải trình ngay tại ĐHCĐ. Bà Lê Thị Minh Châu, Chủ tịch HĐQT cho biết, sẽ trả lời cổ đông sau bằng văn bản.   

Theo ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam , Báo cáo kiểm toán đã ngoại trừ khoản phải thu khách hàng và hàng tồn kho rất lớn so với vốn điều lệ Công ty. Ý kiến ngoại trừ là đúng nếu có thuyết minh đầy đủ, có danh sách khách hàng nợ phải thu và có đánh giá con nợ không phải là DN khó khăn, DN phá sản; có phân tích tuổi nợ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm và không phải là nợ khó đòi… Trích lập dự phòng phải thu khó đòi 886,6 triệu đồng từ đầu năm chuyển xuống, phải lập dự phòng thêm nếu có đánh giá lại và xác định có nợ khó đòi. Số đầu kỳ phải thu khách hàng đã là 18,2 tỷ đồng, số cuối kỳ là 18,5 tỷ đồng, như vậy cũng có khả năng đây là nợ quá hạn khó đòi. Tương tự như vậy, hàng tồn kho phải có thuyết minh cụ thể được chủng loại hàng tồn kho, thời gian tồn kho. Theo ông Mai, nếu chưa có đầy đủ các thông tin như trên, kiểm toán viên thận trọng thì có thể đưa ra báo cáo từ chối đưa ra ý kiến hoặc là không chấp nhận.

Vấn đề trả phí bản quyền đã từng bị cổ đông khiếu kiện cũng được đưa ra tại ĐHCĐ Mediplast lần này. Tổng giám đốc Chu Ngọc Tiến cho biết, với sản phẩm xi lanh, Công ty phải trả tiền bản quyền là 0,5 cent/xi lanh và nay đã giảm xuống 0,3 cent/xi lanh, tương đương 60 đồng/xi lanh, trong khi giá bán sản phẩm chỉ là 524 đồng (tiền bản quyền tương đương 10% doanh thu). Trong khi đó, theo quy định, phí bản quyền không quá 7% giá bán tịnh (giá bán trừ đi một số chi phí khác).

Báo cáo của HĐQT cũng chính thức xác nhận thông tin: khu đất vàng 2.800 m2 tại số 89 Lương Định Của (Đống Đa, Hà Nội), thuê của TP. Hà Nội đến năm 2034, đã có quyết định thu hồi của UBND TP. Hà Nội. Mediplast đã cổ phần hoá xong từ cuối năm 2006 và ngay từ khi chuyển sang hình thức CTCP, Công ty đã được phép triển khai dự án tại khu đất này. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Mediplast đã không triển khai được dự án. Cuối cùng, tháng 10/2010, UBND quận Đống Đa kiến nghị thu hồi đất của Công ty để xây dựng Trường mầm non công lập Phương Mai. Ngoài ra, do quy hoạch và chủ trương của thành phố thay đổi, không cho phép xây nhà cao tầng trong 4 quận nội đô, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ra ngoại thành, đến ngày 27/12/2011, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định 6017/QĐ-UBND thu hồi đất của Mediplast để xây dựng Trường mầm non công lập Phương Mai.

Hiện tại, Mediplast đang đề xuất 5 vấn đề: (1) xin tiếp tục thực hiện dự án Tòa nhà đa năng nói trên ở địa điểm khác tại Hà Nội; (2) sớm giải ngân kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh khi Công ty di dời, tạm ứng 20 tỷ đồng; (3) cho phép Công ty vay 50 tỷ đồng không lãi suất với ân hạn trả nợ trong 5 năm, trả dần trong 5 năm tiếp theo; (4) đề nghị giãn tiến độ trả nợ vốn vay ODA thêm 4 năm đến tháng 6/2019 và (5) miễn giảm thuế TNDN trong 4 năm (do di dời cơ sở sản xuất).

Đến nay, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty tiếp tục thực hiện dự án Tòa nhà đa năng, nhưng vẫn chưa tìm được địa điểm cụ thể. Về kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và hỗ trợ di dời, theo dự kiến, kinh phí của quận Đống Đa, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng để Công ty di dời khoảng 35 tỷ đồng, đã chấp thuận cho quận Đống Đa tạm ứng 15 tỷ đồng. Hiện Mediplast đã bàn giao các hồ sơ hoàn công nhà máy, dự án sản xuất hơm tiêm tự hủy, danh mục tài sản, thiết bị… cho Ban chuẩn bị dự án của quận Đống Đa để thẩm định tài sản đền bù.

Như vậy, kỳ vọng của cổ đông về khoản lợi nhuận lớn đến từ lợi thế đất vàng của Mediplast đã không thành hiện thực.            

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục