Kiểm toán Nhà nước “mổ xẻ” bệnh của PVN

(ĐTCK) Nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, đầu tư ngoài ngành đối mặt với khả năng thua lỗ, thậm chí mất trắng, khiến nguy cơ mất vốn nhà nước luôn hiện hữu… 
Kiểm toán Nhà nước “mổ xẻ” bệnh của PVN

Căn bệnh trầm kha của ông lớn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dường như vẫn chưa có thuốc chữa hữu hiệu, khi những triệu chứng lan rộng ra hàng loạt các đơn vị thành viên trong vài năm trở lại đây, theo thông tin từ Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 về kết quả kiểm toán DNNN của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa được công bố. 

Nhiều khoản nợ khó đòi

Mặc dù hoạt động kinh doanh có lợi nhuận, song cũng như hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, PVN bị KTNN đưa vào danh sách các DN quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định. Cụ thể, riêng nợ phải thu quá hạn của Công ty mẹ PVN là 452,82 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tồn tại nhiều khoản nợ khó đòi lớn của các đơn vị thành viên, như CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương phải thu theo Quyết định của Tòa án nhân dân TP. HCM về vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm là 80 tỷ đồng, Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam phải thu Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 124,74 tỷ đồng; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - CTCP phải thu 110,14 tỷ đồng…

Đáng chú ý, KTNN điều chỉnh tăng khoản thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước của 9 DNNN thêm 6.220 tỷ đồng trong năm 2014, riêng khoản điều chỉnh của PVN là 4.562,81 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Cũng theo kết quả kiểm toán, PVN nằm trong số các DN trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định. Trong số này, số các đơn vị trích lập không đầy đủ thuộc PVN được KTNN chỉ ra là PVOil, PVEP, PVECCo. 

Nguy cơ mất vốn nhà nước hiện hữu

Một trong những vấn đề đáng lo ngại của PVN là con số đầu tư vào các đơn vị kinh doanh kém hiệu quả, có tình trạng tài chính xấu, thậm chí có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể hầu như không giảm bớt. Cụ thể, kết quả kiểm toán cho thấy, PVN có 2 khoản đầu tư vào các DN mà vốn chủ sở hữu đã nằm trong tình trạng âm là Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (âm 1.108,43 tỷ đồng), CTCP Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí (âm 71,18 tỷ đồng). Điều này tạo nguy cơ cao dẫn tới mất vốn nhà nước. Không chỉ vậy, một số đơn vị thành viên của tập đoàn này cũng có mức lỗ lũy kế lớn như CTCP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (Công ty mẹ - PVN) với khoản lỗ 1.472,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, căn bệnh đầu tư tài chính không hiệu quả, hiệu quả thấp nhiều năm của PVN cũng được KTNN chỉ rõ. Cụ thể, PVN: Công ty mẹ - Tập đoàn đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank mất toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông; Công ty mẹ - Tổng công ty Dầu Việt Nam năm 2014 được chia cổ tức 112,6 tỷ đồng, bằng 1,73% giá trị đầu tư, trong khi trích lập dự phòng 1.915,47 tỷ đồng đối với 14 doanh nghiệp có lỗ lũy kế...

Đó là chưa kể những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành chậm tiến độ, không hiệu quả, gây lãng phí vốn nhà nước. Cụ thể, hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản của PVN có 4 dự án phải tạm dừng triển khai; một số dự án việc triển khai còn tồn tại hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.

Không chỉ có vậy, nhiều đơn vị của Tập đoàn trong quá trình kinh doanh đã phản ánh không đúng doanh thu, chi phí. Cụ thể, Tổng công ty Dầu Việt Nam thuộc PVN kinh doanh xăng dầu chưa đúng quy định, một số công ty thành viên không tuân thủ các điều kiện quy định của nhà nước, như PV Oil Sài Gòn, Petro Me Kong, PV Oil Tây Ninh mua xăng dầu của các DN kinh doanh xăng dầu không thuộc đầu mối Tổng công ty Dầu dầu Việt Nam, không tuân thủ Nghị định 84/2009/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ; một số tổng đại lý không đủ điều kiện về kho, bể; lượng hàng dự trữ quốc gia tại một số thời điểm trong năm bị thiếu hụt... Một số đơn vị kinh doanh áp dụng tỷ lệ hao hụt định mức trong bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia đã lạc hậu, không phù hợp, gây thất thoát tăng định mức hao hụt so với quy định của nhà nước.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, với những căn bệnh nặng lâu năm như vậy của PVN, cũng như các DNNN, Nhà nước cần có những biện pháp mạnh làm rõ đến cùng trách nhiệm, sai phạm của từng cá nhân dẫn tới hậu quả, nguy cơ thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước; đồng thời chấn chỉnh lại công tác giám sát đầu tư, cải cách quản trị, quản lý nhà nước, trong đó cần công khai minh bạch trách nhiệm giải trình.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục