Kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán: rào thưa dễ lọt

(ĐTCK) Ý kiến kiểm toán độc lập trong BCTC của DN có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, với cổ đông. Thế nhưng, có một thực tế là khâu kiểm soát chất lượng dịch vụ này đang yếu từ bên trong DN kiểm toán cũng như chưa có hàng rào giám sát đủ chặt từ bên ngoài, mà hệ quả dễ thấy là những sai sót, vi phạm chuẩn mực nghề nghiệp có thể dễ dàng lọt qua.   
Kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán: rào thưa dễ lọt

Những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm soát chất lượng dịch vụ đặc biệt này đã được nhận diện khá rõ tại Hội thảo “Đánh giá khung pháp lý hiện hành và việc thực hiện Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập đối với việc giám sát kế toán và kiểm toán” do Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính tổ chức mới đây.

Yếu từ bên trong

Kiểm toán là loại hình dịch vụ mà chất lượng phụ thuộc rất lớn vào chuyên môn và đạo đức của cá nhân kiểm toán viên, vì vậy, việc kiểm soát chất lượng trong nội bộ công ty kiểm toán, để ngăn chặn ngay từ đầu những rủi ro, sai sót của cuộc kiểm toán là hết sức quan trọng. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, chuyên gia tư vấn của Dự án Tăng cường năng lực cho Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, qua rà soát, hiện chỉ có các công ty kiểm toán trong nhóm Big 4 và công ty kiểm toán trong nước có quy mô lớn mới xây dựng được quy trình và nội dung kiểm soát chất lượng kiểm toán.

“Việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng tại các công ty kiểm toán nhỏ nếu có chỉ mang tính hình thức, đối phó với đoàn kiểm tra, mà không áp dụng trong thực tế cung cấp dịch vụ”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, nếu như các DN kiểm toán thuộc Big4 và một số công ty là thành viên của hãng kiểm toán quốc tế phải tuân thủ thông lệ quốc tế là xây dựng 3 cấp kiểm tra: từ lãnh đạo DN, giám đốc kiểm toán đến cấp kiểm toán viên, thì các DN kiểm toán trong nước nếu có cũng chỉ thành lập một phòng kiểm soát chất lượng.

“Cái khó bó cái khôn”, những công ty kiểm toán có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, doanh thu thấp khó lòng đầu tư một hệ thống kiểm soát chất lượng, trong khi đó, số DN quy mô nhỏ lại chiếm tỷ lệ chi phối trên thị trường kiểm toán độc lập.

Cùng quan điểm này, ông Trần Văn Tá, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) nhìn nhận, một số công ty kiểm toán nhỏ không có khả năng đầu tư cho việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên, trang bị và ứng dụng quy trình, công nghệ hiện đại cho việc kiểm soát chất lượng.

“Một số công ty vẫn còn tư tưởng chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt, cho rằng việc kiểm tra chất lượng kiểm toán là công việc của cơ quan quản lý nhà nước, của hội nghề nghiệp, mà không biết rằng đó chính là yêu cầu tự thân của công ty, của từng kiểm toán viên. Có những công ty khi được đưa vào danh sách kiểm tra chất lượng đã làm đơn xin hoãn, thậm chí tìm cách chạy chọt để thoát khỏi diện bị kiểm tra, hoặc nếu bị kiểm tra thì cũng không có kế hoạch khắc phục những sai sót”, lãnh đạo VACPA cho biết.

Thực tế cho thấy, vài năm trước, đã có một số công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán tổ chức niêm yết liên tục bị VACPA đưa vào danh sách kiểm tra chất lượng hàng năm vì công ty này không có dấu hiệu khắc phục những sai sót đã bị phát hiện trong mùa kiểm tra trước đó.

Hàng rào kiểm soát bên ngoài chưa đủ chặt

Khâu kiểm soát bên trong đã yếu, nhưng hàng rào kiểm soát chất lượng từ bên ngoài đối với dịch vụ kế toán cũng chưa đủ mạnh.

Quy chế chấp thuận DN kiểm toán được kiểm toán tổ chức niêm yết hiện mới chỉ xem xét đến các điều kiện như số lượng kiểm toán viên, vốn điều lệ của DN, số lượng khách hàng, những điều kiện mang tính chất bề nổi.

“Đầu vào” đã vậy, nhưng việc kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, theo lãnh đạo VACPA, hiện chủ yếu  là kiểm tra việc tuân thủ các quy định về đăng ký hành nghề, về thủ tục kiểm toán, mà chưa đi sâu thực hiện đánh giá chất lượng báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán cũng như chưa có ý kiến về tính phù hợp của ý kiến kiểm toán.

“Quy chế kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán hiện tại cho phép các DN kiểm toán được lựa chọn 50% số hồ sơ kiểm tra, nên DN kiểm toán có thời gian làm đẹp lại các hồ sơ sẽ được kiểm tra”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn nói.

Đối với việc xử lý hậu kiểm tra, theo lãnh đạo VACPA, trong một thời gian dài, quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể nên Ban Kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán (VACPA) khó khăn trong việc xác định các hành vi sai phạm và kiến nghị, đề xuất hình thức xử phạt với Bộ Tài chính. Ngay cả đợt kiểm tra chất lượng kiểm toán năm 2013, VACPA cũng chưa đưa ra được các kiến nghị xử phạt với các trường hợp vi phạm, do Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán có hiệu lực từ 1/12/2013, không áp dụng cho mùa kiểm tra kết thúc vào cuối tháng 11/2013.

Hàng rào kiểm soát chất lượng chưa đủ chặt, nên nhiều lần Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và VACPA điểm mặt và yêu cầu chấn chính những sai sót thường gặp trên BCTC của DN niêm yết, trong đó có những “điểm đen” nghi vấn về chất lượng kiểm toán. Nhưng cứ sau mỗi mua công bố BCTC, thị trường lại không ít lần “nếm trái đắng” vì những báo cáo kiểm toán thiếu chính xác. 

Hằng Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục