Không họp đại hội đồng cổ đông sau 8 tháng IPO: Hanel “hồn nhiên” vi phạm pháp luật

Nhiều nhà đầu tư phản ánh, Công ty TNHH MTV Hanel đã hoàn tất bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 8 tháng nay, nhưng lại không chịu họp Đại hội đồng cổ đông để hoàn tất chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần.     
Không họp đại hội đồng cổ đông sau 8 tháng IPO: Hanel “hồn nhiên” vi phạm pháp luật

Chân dung “con cưng” của Hà Nội

Công ty TNHH MTV Hanel được coi là một trong những doanh nghiệp thuộc hàng “con cưng” của UBND TP. Hà Nội. Đây là doanh nghiệp đầu tiên của Hà Nội đi sâu vào sản xuất các chủng loại thiết bị điện tử chuyên dụng và dân dụng, linh kiện điện tử và phụ tùng.

Hiện nay, công ty này đang tham gia các dự án kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông. Đó là Dự án Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội với diện tích 43,4 ha, tổng mức đầu tư 630 triệu USD; Dự án Điểm thông quan nội địa TP. Hà Nội tại Cổ Bi, huyện Gia Lâm, diện tích 19,2 ha, với tổng mức đầu tư hơn 781,8 tỷ đồng.

Tuy là doanh nghiệp ngành khoa học, nhưng có lẽ, điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm ở Hanel lại là quỹ đất không nhiều doanh nghiệp có được. Đến thời điểm thực hiện IPO, Hanel đang quản lý, sử dụng một số nhà đất tại 128C - Đại La, nhà A12 tập thể Khương Thượng, 36 - Hàng Bông, 2 - Chùa Bộc, Khu công nghiệp Sài Đồng B (Hà Nội), khu đất đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng).

"Doanh nghiệp cầm tiền của nhà đầu tư cần phải có trách nhiệm với họ"

- Ông Nguyễn Hoàng Hải,
Tổng thư ký VAFI

Các lô đất tại địa điểm số 60 - Nguyễn Đức Cảnh, 409 - Lĩnh Nam, khu đất tại phường Phúc Lợi thuộc quận Long Biên, đất tại xã Cổ Bi thuộc huyện Gia Lâm, lô 2 E9 - Phạm Hùng, tiếp tục được Hanel thực hiện các dự án xây dựng công trình hỗn hợp văn phòng dịch vụ và nhà ở cao tầng, khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội và điểm thông quan nội địa Thành phố.

Vi phạm pháp luật còn thách thức nhà đầu tư

Trong phiên IPO diễn ra ngày 20/4/2016, Hanel đã bán được hơn 3,9 triệu cổ phần, với mức giá bình quân là 10.004 đồng/cổ phần. Ngoài số cổ phần IPO, Hanel cũng đề xuất bán cổ phần cho 2 nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần Công nghệ Tiến Việt, đăng ký mua 36% tổng số cổ phần và Công ty Sebrina Holdings Ltd, đăng ký mua 25% tổng số cổ phần.

Điều đáng ngạc nhiên là, sau khi IPO và thu tiền của nhà đầu tư, đại gia “con cưng” của Hà Nội lại trở về hoạt động như mô hình cũ. Cho đến thời điểm hiện tại, trên trang web của Công ty vẫn ghi là Công ty TNHH MTV Hanel, trong khi 8 tháng qua, công ty này cũng không có động thái gì sẽ thực hiện nốt việc chuyển đổi thành công ty cổ phần theo luật định và cũng không có bất cứ lời giải thích nào với nhà đầu tư. Theo phản ánh của ông Nguyễn Nhật Cường, nhà đầu tư đã tham gia mua cổ phần đợt IPO, nhà đầu tư đã từng nhiều lần đơn thư đến Công ty để hỏi, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tình trạng doanh nghiệp IPO xong, nhưng “bỏ quên” nhà đầu tư như trường hợp Hanel, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng tỏ ra bất bình cho biết, đó là trường hợp vi phạm pháp luật trắng trợn. “Doanh nghiệp cầm tiền của nhà đầu tư cần phải có trách nhiệm với họ”, ông Hải nói.

Theo quy định tại Điều 45, Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần: “Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc bán cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa phải tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển thành công ty cổ phần và thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”. Rõ ràng là, đối chiếu với các quy định này, Hanel đã “hồn nhiên” vi phạm pháp luật mà không một lời giải thích với nhà đầu tư.

Trước thực trạng này, phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Bích Huyền, trợ lý Tổng giám đốc, phụ trách Phòng truyền thông Công ty Hanel, đề nghị lãnh đạo Hanel giải thích 2 vấn đề: Vì sao IPO xong lại “bỏ rơi” nhà đầu tư và vì sao, Hanel lại chọn Công ty cổ phần Công nghệ Tiến Việt - một doanh nghiệp vô danh, chỉ mới thành lập từ năm 2015, làm cổ đông chiến lược? Tuy nhiên, bà Huyền cho biết, Ban lãnh đạo Hanel phản hồi lại rằng, trách nhiệm trả lời những vấn đề nêu trên thuộc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hanel, do UBND TP. Hà Nội thành lập.

Phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Phạm Công Bình, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, đại diện Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Hanel, thì ông này nói qua loa với thái độ khá vô trách nhiệm: Việc vi phạm quy định của Nghị định 59/2011/NĐ-CP thì ông “biết rồi”, còn trách nhiệm trả lời không phải của ông, mà là của Ban lãnh đạo Công ty Hanel.

Phóng viên lại đem câu trả lời của ông Phạm Công Bình trả về cho bà Huyền, sau một hồi xin ý kiến lãnh đạo, bà Huyền cho biết: “Tổng giám đốc Hanel đang đi công tác nước ngoài”. Như vậy, sau một hồi quả bóng trách nhiệm bị đẩy đi đẩy lại giữa lãnh đạo Hanel và Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, nhà đầu tư - “ông chủ” của doanh nghiệp, vẫn phải tiếp tục mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục