Jetstar Pacific lỗ tổng cộng 55 triệu USD

Do hoạt động kinh doanh của Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) bị thua lỗ (tổng cộng đã lỗ 55 triệu USD), Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC - cổ đông nắm giữ hơn 75% vốn của JPA) vừa xin phép Chính phủ bán thêm cổ phần của hãng này.
JPA hiện đang lỗ khoảng 2 triệu USD/tháng. JPA hiện đang lỗ khoảng 2 triệu USD/tháng.

Tại văn bản 1883/ĐTKDV-ĐT2, Tổng giám đốc SCIC Trần Văn Tá cho rằng, để Jetstar Pacific Airlines (JPA) có thể tiếp tục đứng vững và phát triển trong những năm tới, hãng này cần được "rót" thêm khoản vốn lớn, lên tới 30-35 triệu USD (năm 2009).

 

Đáng lưu ý, SCIC xin Thủ tướng chấp thuận về chủ trương tiếp tục tái cơ cấu tài chính của JPA theo hướng giảm dần tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của SCIC tại JPA thông qua việc bán bớt một phần vốn của tổng công ty tại JPA cho các nhà đầu tư khác.

 

Trước đó, hồi đầu tháng 10, tại tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 1617/TCT-ĐT2, SCIC đã xin phép cho Tập đoàn Qantas của Australia (đang nắm giữ 18% vốn điều lệ của JPA) được nâng tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ lên 49% như một trường hợp ngoại lệ để ghi nhận những đóng góp của đối tác chiến lược nước ngoài; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý, điều hành JPA.

 

Tuy nhiên, xét thấy việc nâng tỷ lệ sở hữu này của nhà đầu tư nước ngoài vào một hãng hàng không là chưa hợp lý, Tổng giám đốc SCIC kiến nghị cho phép bán thêm cổ phần JPA cho các nhà đầu tư trong nước khác có đủ năng lực tài chính và có khả năng hỗ trợ hoạt động của JPA.

 

Về phần mình, tùy vào tình hình cụ thể, SCIC xin chỉ nắm giữ 25-35% vốn điều lệ tại JPA.

 

Quy định tại Nghị định số 76/2007/NĐ-CP năm 2007 của CP về kinh doanh và vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung nêu rõ: “một cá nhân hoặc một pháp nhân nước ngoài không chiếm quá 30% vốn điều lệ của hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài”.

 

Giữa năm 2007, Tập đoàn Qantas ( Australia ) đã cùng với SCIC ký kết hợp đồng đầu tư. Theo đó, 30% cổ phần của JPA trị giá 50 triệu USD đã thuộc về Qantas. Đây cũng là tỷ lệ cổ phần cao nhất mà Qantas có thể mua được của JPA theo luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam . Đến thời điểm này, Qantas mới chỉ giải ngân 30 triệu USD, bằng 18% vốn điều lệ của JPA.

 

Tiếp đó, vào tháng 5/2008, JPA ký thêm hợp đồng sử dụng thương hiệu và dịch vụ với hãng hàng không giá rẻ Jetstar Airways (thuộc Qantas) và trả chi phí cho việc quảng cáo, sử dụng thương hiệu mới và các dịch vụ liên quan do Jetstar cung cấp.

 

Theo SCIC, từ quý III/2007, JPA đã bước đầu ổn định tình hình tài chính. Tháng 8/2007, lần đầu tiên sau hơn 10 năm hoạt động JPA đã cân đối thu chi và có lãi. Song, từ cuối năm 2007, đến nay hoạt động kinh doanh của JPA đã gặp nhiều khó khăn và thách thức nghiêm trọng dẫn tới lỗ.

 

SCIC cho rằng, do môi trường kinh doanh không thuận lợi nên hoạt động kinh doanh của JPA trong năm 2008 rất khó khăn. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2008, JPA đã lỗ 10,7 triệu USD, bình quân lỗ trên dưới 2 triệu USD mỗi tháng.

 

Đến hết tháng 10/2008, dự kiến số lỗ sẽ là 22 triệu USD, nâng tổng số lỗ luỹ kế của công ty đến thời điểm này là 55 triệu USD.

 

Nguyên nhân dẫn tới thua lỗ là do giá nhiên liệu tăng cao, tỷ giá VND/USD biến động (nguồn thu của JPA 100% bằng tiền Việt Nam trong khi hơn 80% các khoản chi phí thanh toán bằng USD).

 

Ngoài ra, các loại phí tại cảng hàng không tăng, môi trường kinh doanh không thuận lợi, chi phí chuyển đổi thương hiệu mới (từ Pacific Airlines sang Jetstar Pacific Airlines) tốn kém cũng gây ra tình trạng thua lỗ.


VNN

Tin cùng chuyên mục