IPO VRG: Dấu hỏi kế hoạch thoái 1.656 tỷ đồng đầu tư “tay trái”

(ĐTCK) Trong phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), ngoài khoản hơn 644,7 tỷ đồng không tính vào giá trị doanh nghiệp do liên quan đến các khoản nợ phải thu khó đòi, một khoản đầu tư có giá trị lớn nữa mà nhà đầu tư không thể không quan tâm là hơn 1.656 tỷ đồng đầu tư ra ngoài ngành mà VRG phải thoái vốn.
IPO VRG: Dấu hỏi kế hoạch thoái 1.656 tỷ đồng đầu tư “tay trái”

IPO Công ty mẹ - VRG là sự kiện đang được giới đầu tư quan tâm và chờ đợi. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ - VRG cho biết, phương án cổ phần hóa Tập đoàn vừa được trình lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét phê duyệt, nên có khả năng trong năm nay sẽ tiến hành IPO như kế hoạch.

Theo phương án dự kiến cổ phần hóa Công ty mẹ - VRG, vốn điều lệ của Tập đoàn sau cổ phần hóa là 40.000 tỷ đồng, trong đó, cổ đông nhà nước sở hữu 75%, bán đấu giá công khai 11,88%; bán cho cổ đông chiến lược (nhà đầu tư nước ngoài chưa có cơ hội tham gia) cũng là 11,88%, còn lại bán cho người lao động, tổ chức công đoàn… VRG đề xuất mức giá khởi điểm khi IPO qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) là 13.000 đồng/cổ phần.

Xét về đặc thù ngành, cũng như yếu tố thị trường, các lợi thế dễ thấy của VRG là sản phẩm cao su Việt Nam đã khẳng định vị trí khá vững chắc trên thị trường thế giới, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu với nhiều chủng loại khác nhau, đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng.

Cây cao su đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là cây đa dụng, tạo điều kiện để mở rộng quy mô vườn cây. VRG có khá nhiều thuận lợi trong phát triển các ngành công nghiệp liên quan đến sản phẩm chính như công nghiệp chế biến gỗ, công nghiệp cao su…

Tuy nhiên, các sản phẩm chính xuất khẩu của VRG (mủ cao su, gỗ cao su, sản phẩm công nghiệp cao su) cũng lệ thuộc vào biến động của thị trường thế giới. Sản phẩm mủ cao su đã giảm giá liên tục từ năm 2011. Đến cuối năm 2015, giá mủ cao su chỉ bằng 30% mức giá năm 2011.

Cũng như lĩnh vực nông nghiệp khác, vườn cao su chịu sự tác động lớn bởi yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu toàn cầu những năm qua đã làm giảm đáng kể năng suất vườn cây cao su.

Nhưng, đó mới chỉ là những rủi ro với ngành nghề sản xuất - kinh doanh chính của VRG.

Trên khía cạnh tài chính, nếu như việc khoản nợ phải thu khó đòi 644,7 tỷ đồng không tính vào giá trị doanh nghiệp tạm làm nhà đầu tư yên lòng, thì khoản đầu tư ngoài ngành giá trị lên đến hơn 1.656 tỷ đồng mà VRG buộc phải thoái vốn hậu cổ phần hóa đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Hoạt động chính trong lĩnh vực cao su, nhưng cũng như nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong giai đoạn trước, VRG đã vung hơn 1.656 tỷ đồng đầu tư vào những lĩnh vực xa lạ với ngành kinh doanh chính như: thủy điện, du lịch, bất động sản, xi măng, quỹ đầu tư chứng khoán… Tổng giá trị của khoản đầu tư này được VRG giải ngân vào 17 công ty, quỹ đầu tư chứng khoán (chi tiết xem bảng).

Liên quan đến tiến độ thoái vốn, cũng như dự kiến mức lỗ - lãi, tính khả thi của các phương án thoái vốn của VRG, Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn, nhưng không có câu trả lời.

Theo yêu cầu của Chính phủ, sau cổ phần hóa, VRG chỉ tập trung phát triển các lĩnh vực chính là trồng và khai thác mủ cao su; công nghiệp cao su; chế biến gỗ cao su; phát triển khu công nghiệp trên đất cao su và nông nghiệp công nghệ cao. Công ty mẹ - VRG phải thoái toàn bộ vốn góp không thuộc ngành nghề chính, nguồn thu sẽ tái đầu tư góp vốn vào các công ty hoạt động phù hợp với ngành sản xuất - kinh doanh chính của VRG.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư của VRG là khoảng 29.964 tỷ đồng. Để thu xếp được nguồn vốn này, VRG phải trông đợi một phần vào việc thoái các khoản vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính.  

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục