Hơn 51% vốn Fafim sẽ đổi chủ?

Tiền thân là doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam thành lập năm 1953, Fafim có thể sẽ trải qua cuộc “thay máu” cổ đông đáng chú ý nhất kể từ sau cổ phần hóa hồi năm 2011.
Hơn 51% vốn Fafim sẽ đổi chủ?

Ngày 26/12 tới đây, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ tổ chức phiên đấu giá trọn lô 30% vốn góp tại CTCP Fafim Việt Nam của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC). Giá khởi điểm là 21.500 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị công ty được định giá xấp xỉ 208 tỷ đồng.

Với hơn 2,9 triệu cổ phiếu đấu giá, SCIC có thể thu về tối thiểu 62,4 tỷ đồng. Nhà đầu tư tham dự đấu giá cần đặt cọc 10% từ 2/12 đến 23/12. Phiên đấu giá được tổ chức vào 10h sáng 26/12.

SCIC không phải cổ đông duy nhất mong muốn thoái vốn khỏi Fafim. Đầu tháng 11/2019, CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (mã OCH), công ty con của Tập đoàn Đại Dương (mã OGC), cũng thông qua chủ trương thoái toàn bộ 21,7% vốn góp tại CTCP Fafim Việt Nam. Nếu mua gom cổ phần từ hai cổ đông lớn này, nhà đầu tư có thể sở hữu 51,7% vốn Fafim.

Hơn 51% vốn Fafim sẽ đổi chủ? ảnh 1

Cơ cấu cổ đông Fafim

Tính đến tháng 10/2019, Fafim chỉ có 23 cổ đông, trong đó 5 tổ chức là cổ đông lớn sở hữu tới 99,48% vốn. Còn lại, 18 cá nhân nắm giữ 50.134 cổ phần.

Ngoài SCIC, 4 cổ đông lớn còn lại của Fafim là các tổ chức liên quan đến CTCP Tập đoàn Đại Dương và cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm. Công ty TNHH VNT nắm giữ 8,79% vốn còn là đối tác hợp tác kinh doanh liên quan đến khu đất hơn 1 ha của Fafim tại trụ sở 19 Nguyễn Trãi, Hà Nội.

Cụ thể, theo hợp đồng hợp tác dự án Công trình hỗn hợp Nhà ở, Rạp chiếu phim, văn phòng và chung cư giữa Fafim và VNT, Fafim đóng góp vào dự án bằng lợi thế quyền sử dụng đất. VNT chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục pháp lý, đầu tư xây dựng toàn bộ công trình, thanh toán tiền đền bù giải tỏa…

VNT có quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất đối với tòa nhà chung cư 27 tầng (988 m2) và khu nhà ở 5 tầng (1.179 m2). Còn lại, Fafim sử dụng tòa nhà văn phòng 6 tầng đưa vào sử dụng từ năm 1998 và tòa nhà rạp chiếu phim 4 tầng sử dụng từ năm 2015

Hiện Fafim đang quản lý hai khu đất, gồm các ô đất tại 19 Nguyễn Trãi thuê dài hạn 50 năm và mảnh đất 1.213 m2 sử dung lâu dài đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại trung tâm thành phố Đà Nẵng (79 Quang Trung, quận Hài Châu, Đà Nẵng).

Fafim còn được biết đến là pháp nhân góp cổ phần tại Lotte Cinema Việt Nam và Liên doanh Cinema 1 Việt Nam. Hình thức góp vốn của Fafim khi đó là góp bằng “uy tín và kinh nghiệm”. Theo thỏa thuận Fafim sẽ nhận được 6.000 USD từ mỗi liên doanh. Do Cinema 1 đã giải thể nên số tiền thu về từ liên doanh hiện đã giảm một nửa. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này Fafim chỉ đứng ra thu hộ và chuyển trả lại SCIC.

Khoản góp vốn điều lệ 10% Lotte Cinema không thuộc sở hữu của Fafim mà thuộc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch. Tuy nhiên, bộ này đang tiến hành các thủ tục để chuyển giao về SCIC.

Nguồn thu chính đóng góp vào doanh thu của Fafim là từ cho thuê văn phòng tại các tòa nhà ở 19 Nguyễn Trãi, Hà Nội với giá thuê 220.000 đồng/m2 và 79 Quang Trung, Đà Nẵng. Doanh thu chiếu phim điện ảnh chỉ khoảng 2-4 tỷ đồng/năm và đang có xu hướng giảm dần. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Fafim thu về hơn 12 tỷ đồng doanh thu và 2,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Tính đến 30/9, lợi nhuận chưa phân phối của Fafim đạt hơn 3,8 tỷ đồng. Fafim hiện không có bất cứ khoản vay ngân hàng nào. Tổng tải sản 105,4 tỷ đồng chủ yếu đến từ nguồn vốn tự có (101,4 tỷ đồng). Cơ cấu tài sản của Fafim gồm hai khoản chính là tài sản cố định (86,5 tỷ đồng) và các khoản tiền và tiền gửi ngân hàng (16,2 tỷ đồng).

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục