Giãn tiến độ “làm mới” Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Sau gần 3 năm “khởi” mà không “động”, Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ phải giãn tiến độ đến hết năm 2022 để đảm bảo tính khả thi.
Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ phải giãn tiến độ đến hết năm 2022 để đảm bảo tính khả thi. Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ phải giãn tiến độ đến hết năm 2022 để đảm bảo tính khả thi.

Giai nan cơ cấu lại

Lộ trình “làm mới” VNR chắc chắn sẽ phải “dỡ ra làm lại”, nếu chiểu theo dự thảo văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại VNR giai đoạn 2017 - 2020 đang được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan.

Hiếm có một đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nào lại có số phận truân chuyên như trường hợp của VNR, dù đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đơn vị duy nhất khai thác mạng đường sắt quốc gia có thể bắt tay chỉnh sửa những “khuyết tật” khá lớn trong cơ cấu bộ máy, tổ chức, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, giành lại thị phần vận tải bị sa sút suốt 10 năm trở lại đây.

Trên thực tế, tính từ khi dự thảo lần 1 được VNR trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào cuối tháng 7/2017, trong hơn 2 năm qua, Đề án Cơ cấu lại VNR đã có tới 4 lần phải xây dựng lại theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT.

Lần gần nhất mà VNR trình Đề án lên Bộ GTVT là cuối tháng 9/2018, sau khi Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên (HĐTV) VNR tổ chức họp, phân tích và thống nhất hoàn thiện lại các nội dung theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT tại Thông báo số 460/TB-BGTVT ngày 6/9/2018.

Cũng tại thời điểm tháng 9/2018, sau nhiều lần căn chỉnh, Đề án cuối cùng đã nhận được sự đồng thuận cao của Bộ GTVT khi đó vẫn đóng vai trò đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, thực hiện Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT đã thực hiện bàn giao quyền chủ sở hữu của Bộ GTVT đối với VNR về Ủy ban từ tháng 10/2018. Trong quãng thời gian kéo dài hơn 1 năm này, Đề án chưa được Bộ GTVT lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Đến tháng 3/2019, VNR tiếp tục có Tờ trình số 686/TTr-ĐS đề nghị cơ quan chủ quản phê duyệt Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2017 - 2020. Từ tháng 3/2019 đến khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gửi Dự thảo Đề án đến các bộ ngành, VNR có thêm 2 lần trình Đề án (tháng 6/2019 và tháng 9/2019) tới đại diện chủ sở hữu phần vốn.

“Do đang trong giai đoạn xin ý kiến của các bộ, ngành, nên ngay cả khi nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, Đề án cũng chỉ có thể được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào quý I/2020”, một lãnh đạo VNR dự đoán.

Giãn tiến độ

Ngoài việc lùi mốc thời gian hoàn thành Đề án Cơ cấu lại VNR giai đoạn 2017 - 2020 thêm 2 năm nữa, lộ trình triển khai được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phân chia thành 2 giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, VNR sẽ giữ mức cổ phần chi phối trên 51% vốn điều lệ đối với 15 công ty cổ phần bảo trì cầu, đường sắt; 5 công ty cổ phần bảo trì thông tin, tín hiệu đường sắt và 2 công ty cổ phần cơ khí đường sắt. Trong số này, rất nhiều đầu mối đã từng được VNR lên kế hoạch thoái toàn bộ phần vốn hoặc chỉ giữ cổ phần không chi phối như trường hợp của 2 công ty cổ phần khai thác đá: Mỹ Trang và Đồng Mỏ; 2 nhà máy xe lửa: Dĩ An và Gia Lâm.

Bộ khung này cũng sẽ được VNR giữ nguyên trong giai đoạn sau năm 2020. Trong khi đó, đến hết năm 2020, Tổng công ty sẽ thoái toàn bộ phần vốn góp tại 15 công ty con, công ty liên kết khác.

Đối với việc hợp nhất 2 công ty cổ phần (Vận tải đường sắt Hà Nội và Vận tải đường sắt Sài Gòn), ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR cho biết, trong năm 2020, Tổng công ty sẽ chỉ tiến hành thuê tư vấn xây dựng phương án hợp nhất 2 đơn vị này, đồng thời tổ chức định giá để xác định tỷ lệ hoán đổi cổ phần của 2 công ty vận tải đường sắt sang công ty hợp nhất. Sau khi hợp nhất, doanh nghiệp hợp nhất thực hiện phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh hàng hóa.

“VNR hy vọng sẽ trình phương án lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong quý II/2020 và bắt tay vào triển khai ngay sau khi được phê duyệt”, ông Minh nói.

Hiện áp lực cơ cấu lại đối với VNR đang rất gay gắt, bởi với mô hình tổ chức bất hợp lý, cồng kềnh đã khiến doanh thu, lợi nhuận của “ông lớn ngành đường sắt” gần như không có sự tăng trưởng, trong khi thị phần vận tải khách và hàng hóa ngày một giảm sút.

Giữa năm 2017, trong Đề xuất Tổ chức lại hoạt động vận tải gửi Bộ GTVT, VNR thừa nhận thất bại trong việc chuyển Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco, vốn điều lệ 800 tỷ đồng, VNR nắm 91,62%) và Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Sài Gòn (Saratrans, vốn điều lệ 503 tỷ đồng, VNR nắm 78,46%) thành các công ty cổ phần. Kết quả kinh doanh của Haraco và Saratrans lao dốc cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận.

Lãnh đạo VNR đánh giá: “Việc cơ cấu lại 2 công ty vận tải có thể chưa tạo ra sự thay đổi lớn về doanh thu do những nút thắt về hạ tầng, nhưng sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty”.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục